Hà Giang: Thu nhập đến 900 triệu đồng mỗi năm từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt

24/09/2021
Chị Hoàng Thị Dung ngụ tại thôn Trung, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình (Hà Giang) là tấm gương phụ nữ điển hình về nghị lực thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, đạt thu nhập đến 900 triệu đồng/năm.
Chị Hoàng Thị Dung (bên trái) cùng người nhà thu hái chè dưới tán cam của gia đình (ảnh chụp trước khi xảy ra dịch bệnh)

Sinh ra và lớn lên từ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đến khi xây dựng gia đình riêng, chị Dung cũng có cuộc sống không mấy khá hơn. Quyết tâm tìm cách thoát nghèo, chị nhận thấy gia đình có nguồn đất đồi rộng để phát triển cây chè và cam sành. Năm 2010, chị bàn với gia đình mạnh dạn vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quang Bình 150 triệu đồng để lấy vốn đầu trồng trên 1,2ha cam sành trên vườn đồi của gia đình. Cùng với đó, chị đầu tư trồng chè trong vườn cam.

Ngoài đầu tư trồng cam và chè, số vốn còn lại, chị Dung dùng để mua lợn nái và gà, vịt về nuôi. Với sự chăm chỉ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đã thành công, đàn lợn nái và gia cầm của gia đình chị phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, sau hơn 3 năm phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm kết hợp với cấy gần 0,6 ha lúa và trên 0,7 ha ngô, gia đình chị đã dần ổn định về kinh tế và đã có tiền trả hết nợ ngân hàng.

Năm 2015, sau hơn 4 năm, vườn cam và chè đã cho thu hoạch lứa đầu tiên và sản lượng tăng dần qua các năm tiếp theo. Tiền lãi thu được từ bán cam, chè, chị Dung tiếp tục mua thêm trâu, bò về nuôi và mở rộng quy mô chuồng trại để đầu tư nuôi thêm lợn thịt, ngoài ra, chị còn đầu tư đào hơn 2000 m2 ao thả cá để tận dụng nguồn nước suối gần nhà. Duy trì thường xuyên từ 7-8 con trâu, bòmỗi năm xuất bán từ 3 – 4 con, sau đóc chị lại mua bổ sung trâu, bò non hoặc trâu, bò gầy yếu về nuôi vỗ béo.

Chị chia sẻ, từ năm 2019 đến nay, bình quân thu nhập từ cam và chè đạt khoảng trên 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi mỗi năm khoảng 600 triệu đồng; thu nhập từ tiền bán trâu, bò mỗi năm khoảng 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 90 triệu đồng; tiền bán lợn giống và lợn thịt vào khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi năm còn lãi khoảng 130 triệu đồng; tiền bán cá mỗi năm được khoảng 80 triệu đồng. Thu nhập từ cấy lúa và trồng ngô nhằm phục vụ cho sinh hoạt gia đình và phát triển chăn nuôi. Như vậy, với mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, gia đình chị Dung đã có nguồn thu nhập khoảng 900 triệu đồng mỗi năm.

Chị cho biết: Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi có nhiều lợi ích, điển hình như nguồn phân bón trong chăn nuôi giúp gia đình chị tiết kiệm được tiền mua phân vô cơ; phân gia súc, gia cầm còn giúp cải tạo đất, giúp làm tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ trồng trọt như thân cây ngô, rơm dạ là nguồn thức ăn thô xanh để nuôi trâu; các loại cá nhỏ, tôm tép là nguồn thức ăn bổ sung nguồn đạm cho chăn nuôi lợn và gia cầm…

Gia đình chị Hoàng Thị Dung là tấm gương điển hình của xã về thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu tại địa phương, được nhiều phụ nữ, người dân trong xã tham quan, học tập và làm theo. Từ những thành tích trong phát triển kinh tế, gia đình chị đã được Hội LHPN huyện Quang Bình biểu dương, khen ngợi và tặng nhiều giấy khen.

Phạm Văn Phú

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video