Hà Nội: Gần 500 nữ giúp việc gia đình được nâng cao nhận thức pháp luật lao động việc làm

09/08/2019
15 câu lạc bộ lao động giúp việc gia đình của Hà Nội được duy trì đều đặn với gần 500 thành viên. Nội dung sinh hoạt CLB là tìm hiểu pháp luật về lao động việc làm, hôn nhân, gia đình, các vấn đề về BHYT, BHXH tự nguyện; đồng thời giúp chị em nâng cao nhận thức, nâng cao cơ hội tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.

Trong 3 năm qua, 15/15 câu lạc bộ lao động giúp việc gia đình tại 13 phường của Hà Nội được duy trì đều đặn với gần 500 thành viên; trong đó các buổi sinh hoạt chủ yếu là tìm hiểu pháp luật về lao động việc làm, hôn nhân, gia đình, các vấn đề về BHYT, BHXH tự nguyện; đồng thời giúp chị em nâng cao nhận thức, nâng cao cơ hội tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.

Ngày 8/8, Hội LHPN TP Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng - GFCD tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Ban chủ nhiệm câu lạc bộ Lao động giúp việc gia đình. Hoạt động này trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ lao động giúp việc gia đình tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm” giai đoạn 2017 - 2021.

Theo Hội LHPN Hà Nội, qua 3 năm triển khai thực hiện dự án tại 3 quận là Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, đã thành lập được 15 câu lạc bộ lao động giúp việc gia đình tại 13 phường với gần 500 thành viên thường xuyên sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề cũng như hỗ trợ nhau những lúc khó khăn khi xa quê.

Đặc biệt, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với GFCD tổ chức các buổi tập huấn dành cho nhóm lao động nòng cốt mạng lưới hành động vì lao động di cư; Hội thảo “Chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam”… Qua đó, các học viên hiểu được sự cần thiết của của việc ký kết HĐLĐ bằng văn bản, những quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động; các chính sách về an sinh xã hội, lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện… Đối với học viên là cán bộ Hội, cán bộ LĐTBXH cũng lĩnh hội được các kiến thức pháp luật về lao động việc làm, an sinh xã hội để hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ người lao động.

Trong 3 năm qua, 15/15 câu lạc bộ dành cho lao động giúp việc gia đình duy trì đều đặn 4 kỳ sinh hoạt/năm. Nội dung các kỳ sinh hoạt chủ yếu là tìm hiểu pháp luật về lao động việc làm, hôn nhân, gia đình luật lao động đối với đối tượng là giúp việc gia đình, thảo luận về hợp đồng lao động GVGĐ, các vấn đề về BHYT, BHXH tự nguyện; chia sẻ kỹ năng giao tiếp, ứng xử giữa người GVGĐ với các thành viên trong gia đình gia chủ…

Đặc biệt, thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ và các buổi tập huấn, người lao động và người sử dụng lao động đã nhận thức được cơ bản sự cần thiết của hợp đồng lao động giúp việc gia đình, những lợi ích thiết thực mà hợp đồng lao động bằng văn bản mang lại không chỉ cho người lao động mà cả người sử dụng lao động giúp việc gia đình. 

Theo thống kê, đến hết tháng 6/2019, đã có 34 người lao động giúp việc gia đình được chủ sử dụng lao động ký hợp đồng lao động theo quy định; khá nhiều chị em được chủ sử dụng lao động chi trả tiền mua BHYT.

Tuy số lượng lao động giúp việc gia đình được ký hợp đồng lao động bằng văn bản với chủ sử dụng lao động còn hạn chế, nhưng đây là một tín hiệu và kết quả bước đầu không dễ gì đạt được. Theo TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc sáng lập GFCD, cho biết: Nhiều năm qua, phần lớn lao động giúp việc gia đình và gia chủ giao kết lao động bằng “thỏa thuận miệng”; thường né tránh ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản.

Nguyên nhân xuất phát từ cả 2 phía chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân. Trên thực tế không ít người lao động giúp việc vẫn chưa thực sự làm nghề một cách chuyên nghiệp, dễ phá bỏ thỏa luận lao động để tìm gia đình khác trả tiền công cao hơn. Còn phía chủ sử dụng cũng “ngại” ký kết bằng văn bản, không thích động chạm tới vấn đề pháp lý…

Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, chính vì không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản như quy định của pháp luật, nên khi xảy ra bất đồng, tranh chấp, sẽ không có căn cứ để giải quyết, đảm bảo quyền lợi của cả 2 bên là người lao động và gia chủ.

Đến nay đã có 34 người lao động giúp việc gia đình được chủ sử dụng lao động ký hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định, chính là bước tiến không nhỏ trong quá trình thay đổi nhận thức và ý thức bảo vệ quyền và lợi ích của các chị em làm nghề đặc thù này trên địa bàn Thủ đô.

Trong năm 2019 - 2021, Hội LHPN Hà Nội và GFCD tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng nghề giúp việc gia đình cho các thành viên Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ; tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động người lao động trên địa bàn tham gia sinh hoạt, tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương; giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như cơ hội nắm bắt và tiếp cận các chính sách an sinh xã hội…

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video