Hậu Giang: Chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm

05/07/2018
Huyện Châu Thành không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người trên địa bàn thời gian qua. Kết quả này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.

Ra mắt Tổ phụ nữ tự trọng trong sản xuất, kinh doanh ở thị trấn Mái Dầm.

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra

Công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm được các ngành liên quan ở huyện Châu Thành thực hiện thường xuyên và có trọng điểm trong 6 tháng đầu năm nay. Đây được xem là hoạt động trọng tâm nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm để nhắc nhở, uốn nắn khi cơ sở vi phạm. Ông Nguyễn So Ni, Phó khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, cho biết: “Công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên, Đoàn liên ngành thanh, kiểm tra các đợt cao điểm trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm và hàng tháng đều có thành lập đoàn chuyên ngành kiểm tra ở các cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm, riêng ngành y tế huyện đã thanh, kiểm tra 315/700 cơ sở, có 53 cơ sở vi phạm”.

Nhìn chung các lỗi vi phạm tập trung vào khám sức khỏe, xác nhận kiến thức chưa đầy đủ cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở chưa đạt, chưa đủ các loại giấy tờ theo quy định,… Ông So Ni cho biết thêm: “Đoàn thanh, kiểm tra đã nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở khắc phục các lỗi vi phạm và quy định thời gian để các cơ sở khắc phục, sau đó giám sát lại xem cơ sở khắc phục như thế nào. Trong số đó, đã xử phạt 8 cơ sở với số tiền hơn 10 triệu đồng”.

Công tác thanh, kiểm tra cũng được ngành nông nghiệp huyện tăng cường. Ông Nguyễn Văn Chương, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, chia sẻ: “Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra liên ngành và chuyên ngành để nhắc nhở tiểu thương, bà con thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, đa số các cơ sở chấp hành tốt, chưa có vi phạm lớn, chỉ có 1 trường hợp phạt tiền 7 triệu đồng”.

Hoạt động thanh, kiểm tra đã được thực hiện thường xuyên ở huyện Châu Thành đem lại hiệu quả tích cực trong ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Hoạt động kiểm tra cũng thuận lợi hơn với các phương tiện kiểm tra khá đầy đủ.Các loại test nhanh được đảm bảo trong thanh, kiểm tra.

Tích cực tuyên truyền, vận động

Công tác tuyên truyền, vận động được các ban, ngành, hội, đoàn thể, địa phương trong huyện vào cuộc nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và cũng đồng thời nâng cao nhận thức người dân khi lựa chọn tiêu dùng, chế biến thực phẩm. Nhiều mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm đã được xây dựng đem lại hiệu quả tích cực. Bà Nguyễn Thị Cẩm Chân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam huyện Châu Thành, cho hay: “Ngay đầu năm, chúng tôi đã tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền ở địa phương. Đồng thời, ra mắt 2 tổ phụ nữ tự trọng trong sản xuất kinh doanh ở thị trấn Mái Dầm và thị trấn Ngã Sáu, đến nay đã phát huy được hiệu quả. Dự kiến sẽ ra mắt tổ tiểu thương mua bán đảm bảo an toàn thực phẩm ở thị trấn Ngã Sáu trong thời gian tới. Hướng đến mỗi hộ có thương hiệu để làm nơi tin cậy cho người dân an tâm khi mua hàng hóa ở cơ sở này”.

Hội LHPN Việt Nam huyện Châu Thành có hơn 12.000 hội viên, công tác tuyên truyền, vận động đã rộng khắp trong hội viên về an toàn thực phẩm. Bà Trần Thị Vể, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thị trấn Mái Dầm, khẳng định: “Ngoài thành lập Tổ phụ nữ tự trọng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm gồm có 9 thành viên và tăng cường tuyên truyền qua sinh hoạt thường xuyên, cung cấp kiến thức để các chị biết các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, biết quan tâm vệ sinh cơ sở, chế biến thực phẩm an toàn… chúng tôi còn tuyên truyền trong hội viên qua các buổi họp chi tổ hội định kỳ. Qua đó, mỗi gia đình phụ nữ biết mình phải mua bán an toàn, tiêu dùng lựa thực phẩm an toàn, nấu ăn an toàn cho gia đình,…”.

Không ít cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đã thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm ở huyện. Đây là động thái để tăng cường trách nhiệm của cơ sở. Ông Chương cho biết thêm: “Các tổ chức sản xuất tập thể đã ký cam kết 100%, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ dân trên địa bàn huyện ký cam kết trên 70%. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên đến 100% hộ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngành đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đài truyền thanh tuyên truyền. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng mô hình trồng rau, trái cây, chăn nuôi an toàn. Tuy nhiên, mô hình còn rất ít, do kinh phí còn hạn chế nên chưa khuyến khích được nhiều người dân”.

Không xảy ra ngộ độc đông người trên địa bàn và nâng cao trách nhiệm của cơ sở, hộ dân về an toàn thực phẩm đã cho thấy hiệu quả hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm ở huyện Châu Thành. Trong thời gian tới các hoạt động này sẽ tiếp tục duy trì trên địa bàn huyện và nhân rộng những mô hình hiệu quả nhằm đảm bảo sức khỏe tiêu dùng cho người dân.

Hoạt động thanh, kiểm tra đã được thực hiện thường xuyên ở huyện Châu Thành đem lại hiệu quả tích cực trong ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Hoạt động kiểm tra cũng thuận lợi hơn với các phương tiện kiểm tra khá đầy đủ. Các loại test nhanh được đảm bảo trong thanh, kiểm tra.

Theo: http://baohaugiang.com.vn/HG

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video