Hiệu quả các mô hình phát triển ngành nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số

15/11/2010
Các dân tộc thiểu số Việt Nam chiếm khoảng 14,5% dân số cả nước nhưng số hộ nghèo lại chiếm gần một nửa số hộ nghèo của cả nước, trong đó nhóm yếu thế vẫn là phụ nữ và trẻ em.

Những năm qua, công tác giảm nghèo và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo của các dân tộc thiểu số, các xã thuộc chương trình 135 chậm hơn so với mức trung bình. Tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số có xu hướng tăng liên tục theo thời gian. Năm 1993, chỉ có 18% số hộ nghèo là các hộ gia đình dân tộc thiểu số; con số này tăng lên 29% năm 1998, 39% năm 2004, 47% năm 2006 và tập trung cao ở phụ nữ và trẻ em gái.

Trước thực trạng trên, TW Hội LHPN Việt Nam đã có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai nhiều nội dung hoạt động công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN); phối hợp khai thác thực hiện dự án “Hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 để lồng ghép hỗ trợ xây dựng các mô hình hoạt động XĐGN trong phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), tôn giáo tại địa bàn các xã 135 thuộc 62 huyện nghèo nhất nước gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình an sinh xã hội.

Đối tượng của dự án là phụ nữ DTTS nghèo có nghề truyền thống nhưng bỏ nghề hoặc đang có nguy cơ bỏ nghề, các hộ làm nghề manh mún. Dự án đã triển khai xây dựng mô hình, thành lập các tổ, nhóm phụ nữ làng nghề nhằm nâng cao năng lực cho phụ nữ DTTS, XĐGN, giữ gìn, lưu truyền các làng nghề truyền thống, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, là cơ hội để chị em giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và tích cực tham gia sinh hoạt Hội.

Qua 3 năm thực hiện (từ 2008 – 2010), với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng, Dự án đã phối hợp với các cấp Hội hỗ trợ thiết bị máy móc sản xuất theo dây chuyền công nghệ, xây dựng được 20 mô hình tổ, nhóm phụ nữ làng nghề cho 1021 hộ phụ nữ DTTS nghèo ở các xã thuộc chương trình 135; tập huấn nâng cao kĩ thuật tay nghề và tổ chức tham quan mô hình các ngành nghề dệt thổ cẩm, làm nấm rơm, làm nón, chổi chít, nước mắm sạch, làm hương trầm, làm mỳ Chũ, thủ công mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu, đan đệm bàn… cho 3.280 chị ở các tỉnh còn nhiều khó khăn thuộc khu vực Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Hiệu quả thiết thực từ Dự án là hàng trăm phụ nữ thoát nghèo vưon lên làm giàu chính đáng như: mô hình Phát triển nghề dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ Dân tộc Thái thôn Bản Áng 1, xã Đông Sang huyện Mộc Châu (Sơn La), mô hình “Dệt thổ cẩm” tại xã Chi Khê huyện Con Cuông (Nghệ An), mô hình “Làm hương trầm” tại Hà Quảng (Cao Bằng) những mô hình này đã mang đến thu nhập ổn định cho chị em từ 800.000đ đến 1500.000đ/ tháng. Đặc biệt, mô hình “Làm mỳ Chũ” tại thôn Thủ Dương xã Nam Dương huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), bằng nguồn kinh phí từ dự án, TW Hội PN Việt Nam đã hỗ trợ chị em các thiết bị máy đồng bộ, tạo nên thương hiệu sản phẩm “Mỳ Chũ” làng Thủ Dương khá nổi tiếng. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, hộ có 6 khẩu (hai vợ chồng và 4 con). Trước đây, gia đình chị làm mỳ thủ công, miệt mài từ 4 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới làm được khoảng 27 kg mỳ, thu được 50.000đ/4 người/ngày. Từ khi được hỗ trợ đồng bộ dây chuyền sản xuất, gia đình chị làm được 170-180 kg mỳ/ngày, ngoài ra còn xay bột thuê cho các hộ khác, thu nhập bình quân 1.500.000đ/4người/ngày. Số tiền lãi, anh chịmua sắm đồ dùng trong gia đình, cưới vợ cho con và đầu tư mua thiết bị máy cho con ra ở riêng. Tương tự hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thọ, chị Lê Thị Hoài … đều làm kinh tế thành công từ sự hỗ trợ ban đầu, chị em thực sự phấn khởi vì có cơ hội làm nghề, giữ và phát triển nghề, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng và giúp nhiều chị em khác cùng phát triển kinh tế. Đến nay, thôn Thủ Dương đã có 285/320 hộ làm nghề. Chị em vừa được tham gia sinh hoạt Hội để nâng cao nhận thức vừa có thu nhập ổn định từ nghề, tận dụng được lao động, nguyên liệu tại chỗ.

Những kết quả đạt được của Dự án “Hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề” đã được các đoàn kiểm tra liên ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao, ghi nhận hiệu quả của các mô hình cũng như đóng góp của các cấp Hội phụ nữ.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Dự án cũng còn một số khó khăn như: các hoạt động dự án đều triển khai ở địa bàn DTTS, vùng đặc biệt khó khăn (xã 135), trình độ dân trí thấp, nhiều chị không biết tiếng phổ thông, chủ yếu thực hành cầm tay chỉ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình triển khai hoạt động xây dựng mô hình và tập huấn; địa bàn cư trú giữa các hộ đồng bào DTTS không gần nhau nên việc thành lập tổ, nhóm phụ nữ ngành nghề gặp khó khăn; một số nơi chưa có đất để làm nhà xưởng hoặc có nơi chính quyền sẵn sàng cấp đất nhưng lại không có kinh phí để làm; trình độ quản lý của các tổ, nhóm phụ nữ ngành nghề hầu như chưa có, phần lớn mang tính tự quản, ảnh hưởng lớn đến việc duy trì, phát triển bền vững tổ làng nghề; mức hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo làm nghề thấp (không quá 5.000.000đ/hộ; một số chị em còn thụ động, trông chờ, ỉ lại, chưa có ý thức vươn ra thị trường.

Để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2010 – 2015, TW Hội PNVN cần tiếp tục chỉ đạo phối hợp lồng ghép các hoạt động, củng cố, duy trì, phát triển, nhân rộng các mô hình làng nghề có hiệu quả giai đoạn 2006-2010, nâng tầm mô hình tổ, nhóm lên tổ Hợp tác hoặc Hợp tác xã làng nghề. Phối hợp đào tạo kĩ năng quản lý, điều hành, tiếp thị cho đội ngũ lãnh đạo tổ hợp tác, HTX nhằm phát huy tối đa hiệu quả mô hình ngành nghề, góp phần tích cực tronghỗ trợ giảm nghèo nhanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, trẻ em gái các DTTS thoát nghèo bền vững, duy trì phát triền làng nghề, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời là điều kiện thuận lợi để chị em được giao lưu, chia sẻ và thu hút đông đảo phụ nữ DTTS, tôn giáo tham gia sinh hoạt Hội. 

Đào Thị Hạnh
TW HỘI LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video