Hiệu quả mô hình Chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn

05/06/2020
“Chi hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn” tại thôn Nho Lâm, xã Ngọc Lâm, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên được TW Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo triển khai điểm từ năm 2018 nhằm phát huy vai trò, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng.

Mô hình có sự tham gia của 50 thành viên nòng cốt là hội viên, phụ nữ thuộc các gia đình sản xuất, kinh doanh nông sản, chủ yếu là chăn nuôi và trồng rau; trong đó lựa chọn 05 hội viên thực hiện “Vườn/chuồng/ao kiểu mẫu”.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của thành viên mô hình

Thông qua các kỳ sinh hoạt chi hội, thành viên được tập huấn, chia sẻ kiến thức, quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nông sản đảm bảo an toàn, được nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện và giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm đảm bảo an toàn; thúc đẩy việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, phổ biến những kiến thức khoa học kỹ thuật để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, các thành viên cũng ký cam kết tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, đăng ký hành vi cụ thể đảm bảo an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, nói không với "rau hai luống, lợn hai chuồng", thực hiện “3 không - 4 đúng” trong trồng trọt và chăn nuôi; tích cực tham gia hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông sản sạch, phát huy tinh thần tương thân, tương ái cùng giúp đỡ lẫn nhau xây dựng “vườn/chuồng kiểu mẫu”, “ao kiểu mẫu”…

Từ kinh nghiệm chỉ đạo điểm năm 2018, năm 2019 Hội LHPN tỉnh Hưng Yên tích cực hỗ trợ, nhân rộng mô hình Chi hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn tại thôn Ngũ Phúc, xã Tam Đa, huyện Phù Cừ với 50 thành viên là các hội viên nòng cốt của chi hội và cũng là những người trực tiếp tham gia trồng trọt, chế biến nông sản thực phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh các loại quả có múi theo tiêu chuẩn VietGap như cam vinh, cam đường canh…, lựa chọn hội viên tiêu biểu xây dựng Vườn kiểu mẫu và Chuỗi sản xuất, tiêu thụ cam Tam Đa.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xây dựng và nhân rộng được hơn 60 mô hình về giám sát, tuyền truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, tổ chức được 237 lớp truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; 30 cuộc tư vấn và trợ giúp pháp lý các quy định của pháp luật về VSATTP; phát 1.500 tờ rơi cung cấp kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh, chế biến cho hội viên phụ nữ là các tiểu thương tại các chợ, nhà hàng; tổ chức cho 1.709 hộ gia đình, 11.209 hội viên ký cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hội LHPN tỉnh cũng đã phối hợp với TW Hội tổ chức Phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn với 15 gian hàng giới thiệu, trưng bày nông sản thực phẩm an toàn của các địa phương, 246 buổi nói chuyện chuyên đề về an toàn thực, hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản sử dụng thực phẩm tươi sống, 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn; nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; vận động gia đình hội viên mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất theo hướng an toàn sinh học...

 Chị Hằng giới thiệu các sản phẩm từ Chuỗi sản xuất, chế biến thực phẩm Linh Thảo 

Tiêu biểu trong các mô hình đã được hướng dẫn, hỗ trợ là mô hình “Chuồng kiểu mẫu” của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng với quy mô 70 con lợn nái và 430 con lợn thịt. Chị Hằng cho biết, từ kinh nghiệm thất bại bởi dịch lợn tai xanh năm 2016, gia đình chị đã quyết định làm lại từ đầu với sự đầu tư xây dựng trang trại xa khu dân cư, trang bị hệ thống xử lý chất thải và thực hiện nghiêm ngặt các quy định trong chăn nuôi, chị đã mạnh dạn mở rộng thêm cơ sở chế biến thực phẩm từ sản phẩm mình chăn nuôi được, sản phẩm của chị được Hội LHPN các cấp hỗ trợ đăng ký kinh doanh, đăng ký đảm bảo chất lượng ATTP và hỗ trợ bao bì, tem mác và tiêu thụ sản phẩm... Khi tham gia là thành viên mô hình Chi hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn do Hội LHPN tỉnh triển khai, gia đình chị đã có thêm kiến thức về chăn nuôi sạch, chế biến sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, ngoài mô hình trang trại và khu chế biến thực phẩm sạch, gia đình chị Hằng đã đầu tư và được Hội hỗ trợ xây dựng Chuỗi sản xuất, chế biến thực phẩm Linh Thảo và Chuỗi cửa hàng cung cấp thịt lợn sạch CP tại thị xã Mỹ Hào với lợi nhuận bình quân 500-700 triệu/năm.

Chị Hoàng Thị Biếc - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Đa tâm sự: Thời gian qua, chi hội thôn Ngũ Phúc đã có những hoạt động cụ thể nhằm tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, gia đình và cộng đồng sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, việc tự giác cam kết đảm bảo an toàn, tự giác nhận thức và chuyển đổi hành vi đã đạt được kết quả nhất định. Các hoạt động tuyên truyền, vận động của Chi hội đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân địa phương về tầm quan trọng của thực phẩm đối với sức khỏe của gia đình, cộng đồng và vai trò của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng nông sản thực phẩm an toàn. Hội đã được cấp Ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao về vai trò đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Hà Thị Diệp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video