Hỗ trợ phụ nữ Lào Cai sáng tạo khởi nghiệp và kết nối

18/10/2019
Triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Lào Cai”; các hoạt động hỗ trợ của các cấp, các ngành đã nâng cao nhận thức cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tạo động lực để phụ nữ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Những điểm sáng thành công

Nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu Quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; chị Thào Thị Tùng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (LHPN) cho biết: Năm 2018, tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Lào Cai”. Trên cơ sở đó, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức tập huấn, triển khai đề dán cho cán bộ hội các cấp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp tại các buổi sinh hoạt Hội các cấp cho trên 33 nghìn cán bộ, hội viên phụ nữ; duy trì các chuyên trang, chuyên mục về phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng mô hình điểm “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”.

Năm 2018 là năm đầu tiên các cấp hội trong tỉnh triển khai đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, được sự hưởng ứng tích cực của hội viên. Kết quả, đã nhận được 95 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ các huyện, thành phố; thành lập 6 mô hình tổ liên kết sản xuất, kinh doanh có 78 hội viên tham gia tại huyện Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai (nâng tổng số mô hình liên kết sản xuất kinh doanh lên 43 mô hình, 808 hội viên tham gia); hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ “Khởi nghiệp vì cộng đồng”, “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” với 41 thành viên tham gia; 9 doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền 600 triệu đồng…

Cũng trong năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng 2 câu lạc bộ: “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” tại 2 xã Tà Chải và Na Hối (huyện Bắc Hà) và “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” tại phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai) để hỗ trợ hội viên đang hoạt động kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ và phụ nữ tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Tiếp theo đó, tháng 5/2019, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” với sự tham gia của 22 hội viên phụ nữ xã Lao Chải và xã Tả Van (huyện Sa Pa). Đây là mô hình được Hội LHPN tỉnh lựa chọn xây dựng điểm trong năm 2019. Việc thành lập câu lạc bộ sẽ giúp các thành viên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi để chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm liên quan đến khởi nghiệp, kinh doanh, góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, có thêm ý tưởng kinh doanh mới trong lĩnh vực du lịch và giải quyết vấn đề phát sinh.

Đặc biệt, thông qua việc tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh trong năm 2018, đã thu hút 9 hồ sơ của 9 tác giả tham gia là cá nhân/tổ liên kết/hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Qua đó, Ban Tổ chức đã chọn 2 ý tưởng Sản xuất vải lanh nhuộm hương thảo mộc Sa Pa của tác giả Sùng Thị Lan, xã Tả Van, huyện Sa Pa và ý tưởng Trồng rau hữu cơ của Tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ Km3, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà để tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” năm 2018 do Trung ương Hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. Với Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện tại Văn Bàn đã thu hút 10 ý tưởng được trình bày tại vòng sơ khảo cấp huyện để giới thiệu kết nối, quảng bá các sản phẩm đặc hữu của địa phương (tương ớt, miến đạo, gạo, lạc đỏ…).

Năm 2019 (ngày 17/10), Chương trình “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” đã có 13 ý tưởng kinh doanh của các cá nhân và tập thể tham dự, trong đó có 8 tác giả nữ dân tộc thiểu số. Theo đó, Ban tổ chức đã lựa chọn 3 ý tưởng: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch” sản phẩm quả dâu tây của tác giả Đỗ Thị Kim Dung, Hợp tác xã Thắng Lợi (Sa Pa); “Trồng, sản xuất các sản phẩm từ cây tam thất của tác giả Vũ Thị Nhung (Si Ma Cai); “Nhóm sở thích vẽ sáp o­ng thổ cẩm” của tác giả Tẩn Thị Giả (Sa Pa) gửi về Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để dự thi Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2020.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, đánh giá lựa chọn doanh nghiệp xã hội, chia sẻ chính sách hỗ trợ vốn vay đối của các ngân hàng trên địa bàn đối với các doanh nghiệp và nhiều hoạt động thiết thực khác. Cụ thể, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp các cơ quan liên quan thành lập 02 hợp tác xã; đó là Hợp tác xã rượu men lá Na Lang, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương với 46 thành viên và Hợp tác xã Mường Hoa, xã Tả Van, huyện Sa Pa với 11 thành viên. Hỗ trợ kiểm nghiệm chất lượng và cấp mã số, mã vạch cho sản phẩm xà phòng thảo dược của HTX cộng đồng Dao đỏ xã Tả Phìn và cho các tổ hợp tác  sản xuất rau, củ quả sấy tại tổ 1 thị trấn Sa Pa, miến dong xã Hòa Mạc, tương ớt Nà Lộc huyện Văn Bàn…

Điểm nhấn quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phụ nữ khởi nghiệp đó là Hội phụ nữ các cấp đã hỗ trợ hội viên làm thủ tục về giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn mác, bao bì cho sản phẩm; hỗ trợ kiểm nghiệm chất lượng và cấp mã vạch cho các tổ hợp tác và hộ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các tổ hợp tác, hộ kinh doanh như: Giới thiệu sản phẩm thổ cẩm tại cửa hàng Tả Phìn, Tả Van, Nậm Sài (Sa Pa) và cửa hàng chuyên về sản phẩm thổ cẩm tại Hà Nội, Hội An (Quảng Nam) và trên sóng truyền hình cáp Nhật Bản; các sản phẩm thổ cẩm và xà phòng được giới thiệu tại Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Hơn nữa, để việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh, phát triển kinh tế để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; Quỹ hỗ trợ phụ nữ ở các cấp Hội đã mở rộng địa bàn vay vốn, tăng cường các giải pháp trong quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, qua đó đã có 2.375 chị em phụ nữ được vay vốn từ quỹ để phát triển kinh tế. Đồng thời, năm 2018, các cấp Hội đã nhận ủy thác cho vay mới trên 211 tỷ đồng, nâng tổng số vốn do Hội nhận ủy thác lên 1.310 tỷ đồng/25.516 hộ đang dư nợ. Các nguồn vốn vay đã mở rộng 678 thôn, bản/142 xã thuộc 9 huyện, thành phố; qua kiểm tra cho thấy các nguồn vốn do Hội quản lý được sử dụng đúng mục đích (đầu tư chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh), tỷ lệ hoàn trả đảm bảo, qua đó đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Kết nối để khởi nghiệp

Dù có nhiều điểm sáng về phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công trên địa bàn tỉnh, nhưng con số này quá khiêm tốn; hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa do nữ làm chủ, quản lý chỉ chiếm 27,5% trong số lãnh đạo điều hành trong khối doanh nghiệp; hơn nữa số doanh nghiệp nữ ứng dụng khoa học - công nghệ còn rất hạn chế.

Thực tế cho thấy, nữ lãnh đạo quản lý trong khối doanh nghiệp ở Lào Cai thường gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình do những mặc định đây là trách nhiệm của riêng nữ giới; các doanh nghiệp nữ thường thiếu thông tin, hạn chế hiệu quả hoạt động và nguy cơ rủi ro kinh doanh cao hơn so với nam doanh nhân. Đặc biệt, những hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực thị trường do thiếu kiến thức và kỹ năng về quản trị doanh nghiệp, quản lý nhân sự, tài chính và marketing... cũng là rào cản để phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công.
Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, kết nối chính là giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các phong trào khởi nghiệp của phụ nữ đi vào thực chất, mang lại hiệu quả kinh tế cho bản thân cũng như xã hội. Tiếp nối những kết quả bước đầu trong việc hỗ trợ phụ nữ Lào Cai khởi nghiệp, trong thời gian tới để việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đạt được nhiều kết quả thiết thực song hành cùng với việc Hội LHPN tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ nữ trong tỉnh nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, vai trò của phụ nữ đối với phát triển kinh tế cần tiếp tục hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động kết nối thiết thực như: hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh cho phụ nữ bằng việc tập huấn, đào tạo nghề, trang bị kiến thức về thành lập, quản trị doanh nghiệp và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ  hợp tác do phụ nữ làm chủ trong việc đăng ký thương hiệu nhãn hiệu, đăng ký sở hữu trí tệ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương…Hội LHPN tỉnh cần thành lập Hội đồng tư vấn, thẩm định dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cấp tỉnh; hỗ trợ, đầu tư kinh phí cho một số tập thể, cá nhân có ý tưởng kinh doanh khả thi; tổ chức giao lưu giữa lãnh đạo Đảng, chính quyền, doanh nhân nữ với phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; phối hợp với các ngành liên quan tạo cơ chế, chính sách và nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

laocai.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video