Hoài Ân điểm sáng trung du

23/12/2005
Hoài Ân - mảnh đất trung du này có sức bật đến lạ. Sắc diện trung du ngày thêm mới, ngày càng nhiều thêm số nông dân biết đầu tư làm giàu trên mảnh vườn rừng của mình... Phong trào thi đua ở Hoài Ân đã không dừng ở những mô hình, những cách làm hay mà đã lan tỏa và gặt hái những kết quả cụ thể...

Năm 1996, hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của huyện, anh Nguyễn Hữu Toàn (thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân) bàn với vợ con chọn con đường phát triển vườn rừng. Qua tìm hiểu thông tin trên sách, báo, anh Toàn đã chọn cây dó bầu làm cây trồng chủ lực cho vườn nhà. Ban đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật, nên 1.000 cây dó trồng chỉ sống được có 400 cây. Năm sau, anh kiên trì trồng thêm 1.000 cây nữa, lần này sống được 800 cây. Rồi anh lại lặn lội ra tận Quảng Nam, Hà Tĩnh để học cách ươm và chăm sóc cây dó. Sau đó, anh mua hạt dó về ươm để lấy giống và trồng, còn dư thì bán lại cho những hộ có nhu cầu. Mới đó mà đã 9 năm trôi qua, nay anh Toàn đã có trong tay vườn dó hơn 7,5 ha. Cây dó giống trang trại của anh cung cấp cho các hộ khác trồng, tỷ lệ sống thường đạt 95% trở lên, nên được bà con tín nhiệm.

 

"Tất cả những khó khăn đều có thể vượt qua bằng lòng kiên trì. Nhưng cái khó nhất là lời châm chọc của mọi người. Hồi đó, ai cũng cho tui là người ngông cuồng khi ước mộng tạo trầm từ cây dó. Ngay vợ tui hồi đó cũng lung lay dữ lắm. Nhưng niềm tin của tui đã thuyết phục được bả. Nay thì mỗi cây dó đã tạo trầm trong vườn nhà tui đã được trả 2 triệu đồng/cây nhưng tui chưa bán"- anh Toàn phấn khởi nói. Thu nhập từ kinh tế trang trại của gia đình anh mỗi năm một tăng. Năm 2003, sau khi trừ chi phí, anh thu 140 triệu, đến năm 2004 con số này đã là 160 triệu. Anh Toàn là một trong 21 tập thể và cá nhân sẽ báo cáo tại Đại hội Thi đua Hoài Ân ngày 8-7 này.

 

Cũng trùng tên Toàn, nhưng anh Hoàng Ngọc Toàn (xã Ân Tường Tây), lại chọn con đường vươn lên thoát nghèo bằng chăn nuôi. Có nghề sửa xe máy nhưng thu nhập từ nghề này lại không đủ đắp đổi trong gia đình. Năm 1999, anh Toàn quyết định bỏ nghề và gom toàn bộ vốn liếng xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Năm 2002, anh lập dự án xây dựng trại heo giống cấp 2 và chăn nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp. Đến nay, tính ra anh đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng vào trang trại chăn nuôi của mình, trong đó, riêng tài sản cố định lên đến 250 triệu đồng. Trang trại của anh hiện có xấp xỉ 1.500 con heo/năm với quy trình khép kín. Ngoài ra, anh còn cung cấp giống, sản xuất thức ăn, hợp đồng kỹ thuật thú y, tiêu thụ. Tổng thu năm cao nhất từ kinh tế trang trại của anh Toàn gần 2 tỉ đồng, lãi hơn 350 triệu đồng. Càng ngạc nhiên hơn, khi tôi được biết, con người dám nghĩ dám làm này lại mới chỉ ngoài 30 tuổi.

 

Những tấm gương vượt khó tìm hướng làm giàu như vậy ở Hoài Ân không hiếm. Hãy lấy một con số làm ví dụ: năm 2000, toàn huyện chỉ có 20 trang trại, thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/năm, thì hiện nay Hoài Ân có khoảng 98 trang trại gồm đủ các tiêu chí theo quy định; trong đó, không ít trang trại quy mô lớn, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ ở đồng bằng, ngay ở vùng cao cũng đã xuất hiện những gia trại trồng từ 3 đến 5 ha đào và cây ăn quả, nuôi hàng chục con bò, thu lợi từ 10 đến 20 triệu đồng/năm. Chẳng hạn, các hộ: ông Đinh Sinh (xã Bok Tới); Đinh Hơ Nao, Đinh Văn Thượng (xã Đăk Mang); Đinh Văn Trai, Đinh Xuân Hy (xã Ân Sơn)… Con số đó, tự nó đã nói lên sức phát triển của một phong trào thi đua.

 

Không chỉ riêng trong phong trào thi đua sản xuất giỏi mà ở các lĩnh vực khác, chúng ta đều tìm thấy những điển hình như vậy. Có người như chị Lâm Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ân Thạnh, vừa đảm việc nhà, vừa giúp cho trên trăm hộ phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn vay, vượt khó thoát nghèo. Hay như Đội Y tế Dự phòng Trung tâm Y tế Hoài Ân, hàng quý đều đi đặt bẫy chuột ở các xã Ân Mỹ, Ân Phong, Ân Hảo (các ổ dịch hạch của huyện) để điều tra chỉ số chuột, chỉ số bọ chét và dự báo nguy cơ dịch hạch xảy ra; thậm chí lấy thân mình…. làm mồi cho muỗi đốt để điều tra muỗi vằn và muỗi anophen. Nhờ vậy, từ năm 2000 đến nay đã không có dịch lớn xảy ra trên địa bàn huyện. Một giáo viên yêu nghề, dạy giỏi như chị Nguyễn Thị Thanh (Trường Mầm non 19-4), một cựu chiến binh vùng cao vừa công tác tốt, vừa lao động giỏi như ông Đinh Lin (xã Bok Tới), một kỹ thuật viên gây mê luôn tận tụy vì người bệnh như anh Nguyễn Đình Song, một xã như Ân Sơn 4 năm liền không có người sinh con thứ ba...

 

Những điển hình như vậy trong phong trào thi đua yêu nước ở Hoài Ân 5 năm qua thực sự là những điểm sáng, góp phần vào những bước phát triển của Hoài Ân gần đây. Chẳng vậy mà Hoài Ân hiện nay là một trong những huyện có số trường đạt chuẩn quốc gia vào loại cao so với các địa phương khác trong tỉnh; ngành y tế của huyện là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành y tế các huyện, các phong trào như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Đền ơn đáp nghĩa, Bê tông hóa giao thông nông thôn... đều gặt hái được những kết quả khả quan.

 
Những thành quả mà Hoài Ân đạt được thời gian qua cho thấy, vai trò động lực to lớn của các phong trào thi đua trong đông đảo quần chúng, nhân dân. Trong đó, theo đánh giá của UBND huyện, phong trào thi đua trong hệ thống chính trị có vai trò quan trọng và cán bộ có vai trò quyết định trong công tác thi đua. Sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể cũng là những yếu tố quyết định đến sức phát triển của phong trào. Những kinh nghiệm bước đầu ấy cũng là quan điểm chỉ đạo phong trào thi đua của huyện trong 5 năm đến với mục tiêu chung: xây dựng Hoài Ân phát triển nhanh, bền vững, văn minh.

Theo Báo Bình Định

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video