Hoang mạc cát "trở mình"

03/12/2005
Trên những trảng cát hoang vu dần mọc lên những lâu đài như cổ tích. Sự trở mình của các hoang mạc cát phải chăng là những điềm lành?

"Cãi" quy luật muôn đời?

 

Trong suốt nhiều ngàn năm mở nước, chưa bao giờ người Việt coi các vùng cát và hoang mạc cát là nơi chọn lựa cho các quần thể dân cư quan trọng, cho các công trình xây dựng quy mô.

 

Suốt 3 ngàn cây số bờ biển trải dài theo cái hình hài mỏng và dài như chữ S của đất nước, trên các vùng cát trắng chỉ thấy rải rác các làng chài, xóm chài đơn sơ tạm bợ. Và gần như bao giờ cũng vậy, các làng cát ấy luôn là các nơi hoang vu hơn so với các xóm làng nông nghiệp bám theo các dòng sông và cánh đồng phía bên trong đất liền.

 

Đặc biệt là các trảng cát, đồi cát bao la rải rác nơi ven biển miền Trung luôn luôn bị bỏ rơi trong tình trạng hoang mạc, là nơi vắng bóng sự sống, và chỉ được coi là nguồn cơn của các trận bão cát tàn phá những mảnh ruộng cày vốn đã bé nhỏ khô cằn, là nơi nhân đôi nhân ba cái nắng nóng miền Trung vốn đã vô cùng khắc nghiệt.

 

Thế nhưng "biến dịch" lại vốn là quy luật của muôn đời, và có lẽ cái "thiên thời" của dải đất miền Trung này đang đến hồi xoay chuyển.

 

Mươi năm lại đây, các cơn áp thấp nhiệt đới, các cơn bão lớn đã rủ nhau dạt cả xuống phía nam, để lại cho dân chúng các vùng miền Trung nỗi nhớ lũ lụt mỗi khi mùa bão đến. Ai cũng biết rằng mấy năm gần đây cái nắng nóng của mùa gió Lào tháng 6 tháng 7 ở các vùng Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên không biết vì sao đã dịu đi rất nhiều mà không còn khắc nghiệt như xưa nữa.

 

Trên cái dải đất miền Trung dài và hẹp này, những năm gần đây liên tiếp có các địa danh được thế giới lần lượt biết đến như các Di sản thế giới, tạo thành hẳn một Con đường Di sản miền Trung, từ Mỹ Sơn, Hội An, Huế cho đến Phong Nha. Cùng với đó là cả một chuỗi bờ biển cát phát triển đến chóng mặt từ Bình Dương, Mũi Né, Nha Trang, Cửa Đại, Lăng Cô, cho đến Nhật Lệ, Cửa Lò, Sầm Sơn. Mỗi ngày lại thấy thêm những khách sạn hiên ngang mọc lên bên bờ cát.


Trong cái không khí vượng phát của các bờ cát ấy, đặc biệt nhất là có hai vùng cát hoang mạc bỗng nhiên thay đổi hình hài, trở thành vùng đất của các khu du lịch cao cấp, các resort bốn năm sao.

 

Có một nơi mà bây giờ ai ai cũng biết, đó là Mũi Né. Từ một dải bờ biển hoang vu với các trảng cát đỏ mênh mông như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, lác đác các xóm chài nghèo ẩn mình dưới bóng dừa, bỗng chỉ trong vài năm đã mọc lên hàng trăm khu resort đẹp như trong cổ tích. Hàng ngày lũ lượt xe con xe to ùn ùn đưa khách vào ra, nối đuôi san sát suốt một dải bờ biển hàng mấy cây số liên tiếp.

 

Ở Mũi Né, có một thú vui rất hấp dẫn nữa, đó là đi lang thang rẽ vào ngó nghiêng các khu resort không cái nào giống cái nào, mà chỗ nào cũng đẹp, cũng gọi mời. Ta có thể ngạc nhiên vì sức sáng tạo khác lạ độc đáo của các ông chủ và các nhà thiết kế kiến trúc với đủ mọi chất liệu từ tre nứa, dừa, gỗ đến đá tổ o­ng, bê tông đúc khối.

Ở miền Trung, cát đã lên ngôi, số phận của cát đã hoàn toàn sang trang. Bây giờ cát là sang trọng, cát là huyền thoại, cát là thời trang và cát là di sản vô giá của thiên nhiên ban cho. Cùng với du lịch, cùng với sự dư dả ban đầu của một đời sống không còn chỉ biết chăm chăm vào bát cơm manh áo, vào mảnh đất cuốc cày, thì cát và hoang mạc cát đã không còn là khô hạn mà là sự mời gọi, là những miền đất hứa, là nơi người ta có thể tìm ra những niềm vui chưa bao giờ nghĩ tới.

Lâu đài ở làng cát quê hương mẹ Suốt

 

Và khi nói đến cát, không ai là không nhớ đến "chang chang cát trắng Quảng Bình", hình ảnh đã găm sâu vào tiềm thức như một thành ngữ. Đó là dải đất của những trảng cát nhấp nhô như những dãy đồi tít tắp, nối nhau chạy song song ven quốc lộ 1A trải dài từ bắc đến nam của tỉnh có chiều ngang hẹp nhất đất nước.

 

Sự hồi sinh của Quảng Bình có lẽ bắt đầu từ khi thành phố Đồng Hới nhỏ xinh, thanh bình và rợp bóng cây xanh dần dần hiện lên trên nền cát của một thị trấn đã bị bom đạn cày xới nghiền nát trong suốt mấy chục năm lửa đạn. Kể từ khi ấy, những người lữ hành mới đôi khi ghé lại đây để tránh cái nắng cát trước khi tiếp tục lên đường.

 

Rồi Quảng Bình bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn khi tổ chức UNESCO công nhận Phong Nha là Di sản thế giới. Nhưng, những người yêu du lịch cũng chỉ vội vã lên thuyền khám phá các hang động kỳ ảo rồi lại vội vã ra đi, để lại Quảng Bình với các trảng cát của mình.

 

Nhưng năm nay, nhiều du khách đã rủ nhau đến Quảng Bình như một điểm đến, một điểm dừng nghỉ, một chốn đi về. Đấy là vì từ hoang mạc cát nơi đây đã mọc lên một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp nằm trên dải bờ biển cát trắng đẹp hơn cả Nha Trang và một trảng cát bao la đẹp như Mũi Né, giữa ba bề mặt nước xanh thắm - một bên là biển rộng, một bên là dòng Nhật Lệ hiền hòa.

 

Có lẽ trước đó chỉ có một đôi lần các đồi cát này được người ta nghĩ tới, đó là khi các chúa Nguyễn nghe theo quân sư Đào Duy Từ, dựa vào các đồi cát lập thành một ma trận của các chiến lũy liên hoàn chống cự lại bao nhiêu cuộc tấn công của các chúa Trịnh từ phía Bắc đánh xuống, trong suốt 50 năm Trịnh Nguyễn phân tranh. Rồi trong những năm dài chống Mỹ, bao nhiêu dấu vết của mưa bom bão lửa cũng đều bị vùi nhanh, bị xóa đi sạch trơn chỉ sau vài ba cơn gió lớn. Còn suốt mấy chục năm hòa bình vừa qua, người ta cũng chỉ làm được một việc là lần lần trồng lại các cánh rừng phi lao khô xác để chống trả lại các cơn bão cát, còn thì đồi cát vẫn cứ mãi là những trảng cát khô.

 

Thế rồi gần đây những người qua lại trên quốc lộ 1A đã nhìn thấy nối đuôi nhau những đoàn xe tải, xe cẩu, xe ủi xuống phà đưa vật liệu và nhân công qua dòng Nhật Lệ để đi sang phía hoang mạc của các cồn cát trắng ven biển, đúng vào khúc sông mà xưa kia bà mẹ Suốt anh hùng đêm đêm xoãi lưng chèo đò đưa chiến sĩ qua sông.

 

Đó là những người con sinh ra và lớn lên trên cát Quảng Bình, nay họ muốn tự tay mình xây lên những lâu đài trên cát trắng để khẳng định lời thề bước qua đói nghèo, bước qua lạc hậu đã truyền đời ám trên gió cát quê mình. Và họ âm thầm vượt qua những sự khốc liệt của gió cát miền Trung để xây bằng được không chỉ một mà rất nhiều những tòa lâu đài sang trọng, đẹp đẽ, hiện đại trên một khu quy hoạch đầy tham vọng ngay từ khi còn nằm trên bàn giấy.

 

Vào đúng lúc những hình hài của một khu resort ban đầu đã có thể nhận ra giữa bốn bề cát trắng thì, từ trung tâm thành phố cũng đã xây xong một cây cầu bê tông cong mình bắc sang phía bờ cát ven biển bên kia. Đồng Hới bắt đầu có dáng dấp của một thành phố vươn mình qua hai bờ sông kiểu như Đà Nẵng cách đây dăm năm.

 

Cũng là mọc lên từ hoang mạc cát nhưng đến đây người ta thấy được cái không khí yên bình tự tại mà không hấp tấp hối hả, mặc dù khu resort đang đón khách này chỉ mới là 1/5 trong quy hoạch tổng thể rộng hàng chục hecta trong đó sẽ có cả sân bay thủy phi cơ, sân bay trực thăng, khu tổ hợp thể thao bãi biển dành cho các cuộc thi quốc tế, và dĩ nhiên là các khu spa hiện đại. Tất cả đã có nơi có chỗ, liên hoàn gắn kết và hài hòa với sông với biển bao quanh. Cái thần thái bình tĩnh vững vàng ấy có được vì đây là một công trình của người Quảng Bình trên đất Quảng Bình xây cho chính quê mình. Nếu cũng ngần ấy tiền mang đi nơi khác đầu tư, chắc chắn họ cũng không thể không vội vã lo lắng.

 

Và với các du khách nhạy cảm, không khí ấm cúng tự nhiên còn được thấy rất rõ qua đội ngũ các nhân viên non trẻ phục vụ ở đây. Tất cả mấy trăm các cô thiếu nữ và các chàng trai trang nghiêm trong các bộ đồng phục sang trọng này, đều sinh ra và lớn lên trên cát Quảng Bình, đều đã có một tuổi thơ nhọc nhằn vượt qua các trảng cát khô cằn để cắp sách đến trường. Và cuộc đời các em đã có một bước ngoặt lớn khi tất cả đều được cử đi học nghiệp vụ du lịch suốt 2 năm trời giữa cố đô Huế, trung tâm du lịch lớn nhất đất nước. Khóa học bắt đầu đúng vào lúc người ta nổ tiếng máy đầu tiên để ủi vào các đồi cát trong ngày động thổ. Tiếp đó là 6 tháng thực tập tại Furama, khu resort cao cấp hàng đầu với sự chỉ dẫn của ông tổng giám đốc Paul Stoll, tác giả ý tưởng "Con đường du lịch Di sản miền Trung" hiện nay và "Con đường du lịch xuyên Á" trong tương lai. Khi các em trở về Quảng Bình cũng là lúc cơ ngơi ban đầu được khai trương, và ai nấy về đúng vị trí phục vụ của mình.

 

Không biết sau này sẽ có bao nhiêu người trong số các bạn trẻ này sẽ có thể bay cao hơn, đi xa hơn từ cái vốn Anh ngữ, vốn nghiệp vụ du lịch của họ. Nhưng trước hết bây giờ họ đã là niềm tự hào cho các cô chú bé con nơi quê nhà đang cặm cụi bước trên cát mà đến trường nhưng đã mang trong đầu hình ảnh về một cuộc sống văn minh hơn, gần cận và hiểu biết hơn về một thế giới bên ngoài không còn là xa cách, không còn là tự ti và sẽ không thể là đói nghèo. Với Quảng Bình, sự đổi đời của các hoang mạc cát không chỉ là sự hiện diện của các lâu đài biệt thự, của đầu tư tài chính mà trước hết, đó là sự khởi động của một tiềm lực nội tại đã bao lâu bị nén vùi dưới các trảng cát lặng im.

 

Những đầu óc lạc quan có thể tự hỏi rằng, sự đứng lên, sự đổi đời của các hoang mạc cát trên khắp miền đất nước có phải là những tín hiệu ẩn tàng, những điềm lành, hoặc chí ít thì cũng là giấc mơ báo hiệu về một sự vượt lên tất yếu của quang minh chống lại cái xấu đang lộng hành hay không? Và nếu đã là những người lạc quan, tất nhiên người ta phải tin vào tương lai.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video