Hoạt động góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của phụ nữ cả nước

20/03/2013
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa vừa có cuộc trả lời phỏng vấn với Chương trình Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Đài Truyền hình Việt Nam về hoạt động đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của phụ nữ cả nước. Website xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn đến bạn đọc

1. Thưa bà, việc tổ chức ở các cấp hội để phụ nữ thảo luận cũng như góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được tổ chức như thế nào?

Ngay sau khi có kế hoạch và hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngay từ trước tết các cấp Hội đã sôi nổi các hoạt động lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bằng nhiều hình thức phù hợp với các nhóm phụ nữ cụ thể gồm hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên nữ, người cao tuổi, nữ thanh niên, phụ nữ dân tộc, phụ nữ tôn giáo… và sinh hoạt Chi, tổ Hội lấy ý kiến đông đảo hội viên, phụ nữ

Tại trụ sở của TW Hội và các tỉnh, thành Hội đều bố trí cán bộ tiếp nhận ý kiến đóng góp trực tiếp hoặc bằng văn bản của phụ nữ.

Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức các đoàn công tác về đến Chi, tổ Hội để trực tiếp lắng nghe ý kiến đóng góp của hội viên, phụ nữ. Tính đến ngày 8.3.2013 đã dự nghe tại 23 tỉnh/thành Hội và đơn vị trực thuộc. Ban thường vụ các tỉnh, thành cũng trực tiếp phân công lãnh đạo dự nghe ở nhiều chi, tổ Hội trong địa bàn phụ trách.

2. Việc tổ chức này có sát tới được những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không?

Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội lấy chủ đề “góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” là nội dung kỳ sinh hoạt chào mừng ngày quốc tế phụ nữ 8.3 của Chi, tổ Hội nên hội viên, phụ nữ ở các vùng miền đều được tham gia.

Đồng thời, do cách thức lấy ý kiến của Hội vừa theo Điều, khoản, vừa theo nội dung, vấn đề nên phụ nữ ở mọi trình độ, lứa tuổi đều có cơ hội thể hiện ý kiến trực tiếp của mình.

3. Thực tế là hiểu biết của một bộ phận chị em phụ nữ về Hiến pháp không phải là nhiều, vậy với những nhóm phụ nữ này làm thế nào để việc tổ chức lấy ý kiến được hiệu quả?

Xác định ngay từ đầu việc lấy ý kiến phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, nên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội ngoài việc góp ý tổng thể 11 chương của dự thảo, hướng dẫn phụ nữ góp ý sâu hơn vào 17 điều liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam, khối đại đoàn kết dân tộc, phương thức nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước; liên quan đến gia đình, phụ nữ, bình đẳng giới và tổ chức Hội

Trước khi phụ nữ góp ý kiến cho dự thảo, cán bộ Hội trực tiếp giới thiệu tóm tắt dự thảo sửa đổi Hiến pháp, dành thời gian cho những chị em đã nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu. Đối với các điều tập trung góp ý sâu, cán bộ Hội giới thiệu nội dung của Điều dự thảo, cung cấp thông tin liên quan đến quy định đó và đặt câu hỏi để phụ nữ trao đổi, đóng góp ý kiến, những người không trực tiếp phát biểu cũng thể hiện ý kiến đồng tình hay không đồng tình với những ý kiến đã phát biểu…

4. Những đóng góp, kiến nghị của chị em phụ nữ chủ yếu tập trung vào những nội dung nào?

Tổng hợp nhanh kết quả lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ trong tháng 1 và 2 cho thấy sự quan tâm của các nhóm phụ nữ đến nhiều vấn đề trong dự thảo, nhưng tập trung chính trong chương 1, 2 và 3.

Trong đó, chủ yếu là những quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm cho các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được thực hiện.

Đáng chú ý là các tầng lớp phụ nữ không chỉ quan tâm làm rõ, bổ sung các quyền và cơ hội mà còn đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu bổ sung thêm nghĩa vụ xây dựng gia đình trong Hiến pháp để bảo đảm cho Khoản 3 Điều 20 thể hiện rõ được trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện nghĩa vụ không chỉ với nhà nước, xã hội mà còn với chính gia đình mình, góp phần hạn chế bạo lực gia đình và tình trạng không ít người vô cảm, thiếu trách nhiệm với gia đình, qua đó bảo đảm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong việc hợp tác, chia sẻ mọi mặt để gia đình bền vững.

Các chương còn lại của dự thảo, cũng nhận được các ý kiến đóng góp tương đối cụ thể của phụ nữ phù hợp với ngành và lĩnh vực đang công tác.

5. Những vấn đề liên quan trực tiếp đến chị em phụ nữ như công việc, tuổi nghỉ hưu, bình đẳng giới nhận được những kiến nghị gì của chị em?

Các tầng lớp phụ nữ quan tâm nhiều đến Điều 27 sửa đổi, bổ sung Điều 63 Hiến pháp 1992, chị em đề nghị giữ lại một số quy định của Điều 63 có điều chỉnh cho phù hợp, các quy định dự thảo cần được quy định theo hướng thật sự bảo đảm bình đẳng giới gồm:

Một là, đề nghị bổ sung quy định trong Điều 38 nhằm khắc phục tình trạng thực tế đang đối xử không như nhau về tuổi kết thúc quyền việc làm của nam, nữ và những chính sách liên quan khác

Hai là, đề nghị giữ lại quy định về trả lương bình đẳng đối với những công việc có tính chất và giá trị như nhau đã có trong Điều 63 Hiến pháp 1992, bố sung thêm nguyên tắc bình đẳng có tính đến đặc thù giới tính liên quan đến bảo hiểm xã hội của lao động nam, nữ

Ba là, đề nghị giữ lại quy định lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản trong Điều 63 Hiến pháp 1992 có sửa đổi theo hướng “phụ nữ có quyền hưởng chế độ thai sản phù hợp với lao động thực tế” nhằm bảo đảm công bằng cho mọi phụ nữ vì thiên chức làm mẹ ở mọi phụ nữ là giống nhau, đồng thời bảo đảm công bằng cho trẻ em có cơ hội phát triển hài hòa và toàn diện bất kể tình trạng công việc của mẹ như thế nào vì thực tế con không chọn được mẹ

Bốn là, Hiến pháp cần quan tâm hài hòa giữa những quy định bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng có tính đến đặc thù giới tính nữ

6. Thời gian lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vẫn còn đang tiếp tục. Hội phụ nữ sẽ có những kế hoạch cụ thể như thế nào để đảm bảo mọi ý kiến đóng góp của các hội viên phụ nữ được tiếp thu đầy đủ?

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Ban Chấp hành, các tỉnh/thành Hội và đơn vị trực thuộc trong đợt cao điểm tập trung quý I/2013, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội tiếp nhận ý kiến đóng góp và tổ chức các hoạt động lấy ý kiến sâu hơn về những vấn đề cụ thể sau khi có kết quả tiếp thu ý kiến của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video