Học để cống hiến, làm gương cho con cháu

01/10/2019
53 tuổi, chị Cao Thị Nga, công chức Văn phòng Thống kê kiêm Văn phòng Đảng ủy phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) trở thành một trong những thí sinh lớn tuổi của tỉnh Lai Châu tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 vừa qua.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với tâm niệm: học để cống hiến và làm gương cho con cháu, bà Nga xuất sắc vượt qua kỳ thi với tổng số điểm 4 môn xét tốt nghiệp và điểm cộng đạt 21,45. Và, câu chuyện theo đuổi “con chữ” của bà Nga chắc chắn sẽ truyền thêm động lực cho rất nhiều người dù ở bất kỳ độ tuổi nào.

Đã có bằng đại học tại chức

Ấn tượng sâu sắc nhất đối với chúng tôi là bà Nga có nụ cười, giọng nói ấm áp, gần gũi và giản dị đến lạ thường. Nhìn vào đôi mắt của bà, chúng tôi cảm nhận ẩn chứa những lo toan, trăn trở về cuộc sống, công việc. Và cảm phục hơn nữa là nỗ lực phấn đấu theo tinh thần tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi, trước khi tham gia học bổ túc THPT, bà đã trải qua những năm tháng vất vả đèn sách để hoàn thành lớp Trung cấp nông lâm, Đại học tại chức quản lý công tác xã hội (một trong những tiêu chuẩn dự thi là có bằng THPT hoặc trung cấp chuyên nghiệp).

Bà Nga kể: "Sinh ra và lớn lên tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và là con út trong gia đình 7 anh chị em. Làm nông nghiệp nên dù bố mẹ rất cần cù, chịu khó, chịu khổ nhưng cuộc sống rất thiếu thốn, do vậy các anh chị của đều nghỉ học sớm để đi làm công nhân hoặc ở nhà phụ giúp gia đình". Cô bé Nga do bản tính thông minh, nhanh nhẹn nên được gia đình tạo điều kiện cho đi học. Tuy nhiên, khi chuẩn bị thi vào THPT, nghe chị gái khuyên: “Nhà nghèo lại quá xa trường, bố mẹ thì già yếu, em có thi đỗ thì lấy gì để nuôi”. Dù rất muốn thoát khỏi cảnh thất học, xây dựng tương lai mới nhưng nghe câu nói ấy khiến cô học trò hiếu học Cao Thị Nga quyết định gác lại ước mơ để 3 năm sau (1983) theo chị gái lên Lai Châu lập nghiệp.

Khi ấy bà Nga xin vào làm công nhân chế biến của Nông trường Chè Tam Đường, sau đó về nghỉ chế độ thanh toán 1 lần và nhận khoán trồng, chăm sóc chè của nông trường. Vốn sẵn thông minh, nhanh nhạy, bà Nga đi học thêm nghề may, khóa đào tạo nghiệp vụ để mở đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Tích cực tham gia công tác xã hội với cương vị Chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố Tân Phong 3.

Năm 2004, sau khi chia tách phường, bà Nga được chọn cử tham gia Hội Nông dân phường với cương vị Phó Chủ tịch. Đến nay, bà đã trải qua nhiều cương vị: Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường kiêm Bí thư Chi bộ cơ quan, Trưởng Ban kinh tế, Tổ trưởng Tổ Đại biểu HĐND thành phố, đại biểu HĐND phường hiện là công chức Văn phòng Thống kê - Văn phòng Đảng ủy phường.

Phục vụ công tác và bản thân không muốn “thụt lùi” so với thế hệ trẻ, bà Nga nỗ lực học tập từ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đến 3 năm (2006 - 2009) hoàn thành lớp Trung cấp nông lâm; 2012 - 2016 tốt nghiệp lớp Đại học tại chức quản lý công tác xã hội. 11 năm công tác thì có tới 7 năm theo học chuyên nghiệp nhưng bà Nga vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bởi, bà đi học với tâm thế: Học để có kiến thức nên cần cù, chịu khó học hỏi, nắm bắt kiến thức được truyền đạt về phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Do học tại tỉnh, bà bố trí, sắp xếp thời gian xử lý công việc nhanh, hiệu quả cao nhất để không ảnh hưởng đến việc học.

Nỗ lực học tập nâng cao trình độ, ở vị trí công tác nào bà Cao Thị Nga cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Vẫn quyết tốt nghiệp THPT

Khi hỏi về chuyện học hành khi tuổi đã cao, bà Nga cười: Nhiều lúc cũng nản chứ, mắt đã mờ, việc cơ quan rất bận (khi đi học bổ túc tôi đang giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường), lại phải đi 3km vào các buổi tối và thứ 7, chủ nhật xuống Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh học văn hóa. Vậy nên, tôi đặt mục tiêu rõ ràng: Đỗ tốt nghiệp trước hết để hoàn thiện bằng cấp theo quy định; thêm kiến thức phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn và làm gương cho con cháu.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2017, sau khi thành phố rà soát lại các tiêu chuẩn của cán bộ, công chức (kể cả xã, phường), bà Nga dù có bằng Đại học nhưng lại thiếu bằng THPT. Tâm huyết được cống hiến, bà quyết định xin theo học hệ bổ túc tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh. Việc học đối với người trẻ chưa hẳn dễ dàng, trong khi hoàn cảnh gia đình Bà Nga neo người, chồng ốm đau, việc cơ quan nhiều, nhất là ý tưởng theo học văn hóa không nhận được sự đồng tình của người thân vì cho rằng: “Già rồi học làm gì!”.

2 năm theo học bổ túc là từng đó thời gian bà Nga không một ngày được nghỉ ngơi, ngủ giấc tròn. Vì thời điểm đó, phường Tân Phong đang tiến hành giải tỏa khu vực cuối Đại lộ Lê Lợi phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh. Trong khi đó, một số hộ gia đình cố tình không thực hiện. Với cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, bà phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể bám sát cơ sở làm tốt công tác dân vận. Rồi còn công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu MTTQ phường nhiệm kỳ 2019 - 2024; tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc... So với các bạn trong lớp, bà Nga tự nhận thấy mình nhận thức chậm hơn nên luôn cố gắng đi học đều, không biết thì hỏi ngay thầy, cô giáo và cẩn thận ghi chép kiến thức trên lớp. Nhờ đó, kết thúc lớp 12, tổng điểm trung bình của bà đạt 7,1.

Bước vào giai đoạn ôn thi tốt nghiệp, bà Nga cảm thấy áp lực thực sự, bởi kiến thức 4 môn thi xét tốt nghiệp: văn, toán, sử, địa rất rộng và khó tổng hợp. Ở cái tuổi 53, ngồi học nhiều mắt bị nhức, mỏi và mờ; thời gian ôn luyện bà cũng chỉ có thể sắp xếp vào buổi tối. Bà Nga chia sẻ: Tôi lo lắng đến ngủ không ngon giấc. Những ngày cận kề thi tốt nghiệp, các đồng chí lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện tốt nhất để tôi có thời gian ôn tập. Tôi cũng thường xuyên hỏi thầy, cô giáo những bài chưa hiểu, phương pháp học hiệu quả. Đối với môn toán, tôi lựa chọn hình thức học đến đâu chắc đến đó, chuyên đề dễ học trước. Môn văn học, lịch sử, địa lý chép nhiều lần bài học ra giấy rồi tổng hợp kiến thức cơ bản.

Đêm học khuya, giấc ngủ chập chờn, vài tháng trước khi thi bà Nga phải nhờ đến nước chè đặc để duy trì sự tỉnh táo trong ngày. Những sự nỗ lực đó được đền đáp xứng đáng khi kết quả thi tốt nghiệp của bà Nga vượt ngoài dự kiến với 19,45 điểm cộng 2 điểm ưu tiên (theo quy định chỉ đạt 9,7 điểm là đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp đối với những trường hợp hoàn thiện bằng cấp).

Bà Nga hồ hởi: Khi nhận được kết quả tốt nghiệp, tôi vỡ òa hạnh phúc bởi những nỗ lực của bản thân đã thu về “trái ngọt”. Những ngày qua, tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cũng đúc rút ra một điều: Học không bao giờ là đủ và học không bao giờ là muộn.

Nỗ lực cống hiến

Tham gia công tác khi tuổi không còn trẻ (37) nhưng nhờ nỗ lực phấn đấu, học tập, bà Nga đã khẳng định vai trò ở những vị trí lãnh đạo chủ chốt của HĐND và các tổ chức Hội,chính trị  đoàn thể phường. Ở cương vị nào, bà cũng luôn phát huy tinh thần “Đảng viên đi trước” trong mọi lĩnh vực được cấp trên, đồng nghiệp tin tưởng, đánh giá cao. Đặc biệt là bà rất có khiếu trong công tác tập hợp quần chúng, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Nga vẫn nhớ rất rõ những ngày đầu tham gia công tác xã hội tại tổ dân phố. Khi ấy, Tổ dân phố Tân Phong 3 có 180 hộ dân nhưng khi bà đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng đã khuyến khích, động viên được 150 chị em, phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội. Trong quá trình vận động, không ít chị em cho rằng cuộc sống còn khó khăn, không có thời gian tham gia các hoạt động của Hội nên chưa mặn mà. Với sự thuyết phục khéo léo, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: tạo quỹ thăm hỏi, giúp đỡ hội viên khó khăn; giao lưu, tọa đàm nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Quốc tế phụ nữ (8/3); tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật do cơ quan chuyên môn thành phố tổ chức; ưu tiên cho vay nguồn vốn tín chấp của Hội cấp trên với Ngân hàng Chính sách xã hội. Lồng ghép thông báo tình hình và kế hoạch hoạt động trong tháng, quý của Chi hội tại các buổi họp tổ dân phố; phối hợp với cấp ủy, chính quyền phát động, triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động do cấp trên phát động tại khu dân cư.

Tham gia công tác tại Hội Nông dân phường (tháng 1/2005), bà Nga nhận thấy bất cập: số hội viên tham gia tổ chức Hội chỉ có 120 trong khi cả phường có tới 1.000 hộ dân. Bà thường xuyên về các chi hội nắm bắt tình hình tư tưởng của nông dân, tham mưu Ban Chấp hành Hội, Đảng ủy, UBND phường kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Trực tiếp tham gia các cuộc sinh hoạt chi hội, phối hợp với các chi hội trưởng vận động, tuyên truyền những quyền lợi khi tham gia tổ chức Hội. Đối với chính sách hỗ trợ sản xuất của Nhà nước ưu tiên hội viên nghèo, thiếu tư liệu sản xuất đảm bảo đúng đối tượng, nhu cầu. Chỉ trong 1 tháng, với sự nỗ lực của bà Nga, toàn Hội đã kết nạp được 500 hội viên mới. Và cũng từ đó, các hoạt động của Hội diễn ra sôi nổi với nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của phường phát triển.

Uy tín, trách nhiệm trong công việc chung, tháng 7/2005, tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân phường, bà Nga được hội viên tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch. Năm nào, tổ chức Hội cũng đều được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; cá nhân bà Nga nhận được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội cấp trên, phường, thành phố, tỉnh. Hơn hết là bà vinh dự được mời tham dự Hội nghị Thi đua yêu nước và Biểu dương nông dân điển hình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Năm 2012, bà được bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐND, năm 2016 là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhưng bà đều làm “tròn vai”. Kể cả khi không tái cử chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường (vì không đủ thời gian bổ nhiệm) chuyển xuống làm công chức Văn phòng bà vẫn rất lạc quan, cần mẫn với quan điểm: “Vị trí công tác nào cũng phải nghiêm túc thực hiện sự phân công của tổ chức và vì Nhân dân phục vụ”.

“Không chỉ “giỏi việc nước”, tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu học, bà Nga còn rất “đảm việc nhà” - đó là nhận xét của Chủ tịch UBND phường Ngô Văn Giang. Bởi, chồng bà là ông Đồng Văn Mòng thường xuyên đau ốm, phải đi bệnh viện do bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao. Công việc nhà chủ yếu bà Nga gánh vác nhưng vẫn luôn giữ ngọn lửa hạnh phúc trong tổ ấm gia đình. Không phụ công mẹ, 2 người con gái chăm chỉ học hành và đạt nhiều thành tích cao trong học tập (chị cả được tuyển thẳng vào đại học, hiện đã lập gia đình và công tác trong ngành truyền thông tại Hà Nội; con gái thứ 2 cũng có gia đình nhỏ ấm êm với công việc ổn định tại Sở Tư pháp Lai Châu).

baolaichau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video