Hội LHPN tỉnh Nghệ An xây dựng hàng nghìn mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em

25/11/2019
Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, cách làm sáng tạo, xây dựng được nhiều mô hình hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em phát huy hiệu quả.

Hiện nay, các cấp Hội đã thành lập được 634 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, nhà tạm lánh với 2.615 thành viên; 562 câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc" với trên 20 nghìn thành viên; 12 mô hình tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới với 287 thành viên và 68 mô hình "Tiếp bước em đến trường" với trên 6 nghìn thành viên tham gia; 271 mô hình về "An toàn vệ sinh sinh thực phẩm" với 6.672 thành viên…Trong đó, nổi bật là những mô hình câu lạc bộ (CLB) “Vòng tay nhân ái”, “Vòng tay yêu thương”, “Tương lai tươi sáng” và “Thắp sáng niềm tin” do Hội LHPN tỉnh chỉ đạo thành lập từ năm 2017 tại 4 xã: Đồng Thành, Văn Thành, Lý Thành, Vĩnh Thành huyện Yên Thành, với sự tham gia của 268 thành viên là cha, mẹ nuôi trẻ đơn thân, trẻ khuyết tật, trẻ em bị bỏ rơi...

Mô hình CLB “Vòng tay nhân ái” và “Vòng tay yêu thương” thu hút 125 thành viên bao gồm cha, mẹ nuôi trẻ đơn thân, trẻ khuyết tật. Các thành viên trong câu lạc bộ đều là những người kém may mắn trong cuộc sống, việc tiếp cận các thông tin còn nhiều hạn chế do còn phải lo mưu sinh, thiếu tự tin trong giao tiếp và tham gia hoạt động xã hội, cộng đồng. Khi CLB thành lập, tham gia sinh hoạt các thành viên đã được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết như kỹ năng chăm sóc cho trẻ em, tìm hiểu những thay đổi về tâm sinh lý của trẻ, những việc cần làm để hỗ trợ trẻ về mọi mặt vật chất và tinh thần, cách dạy con trẻ phân biệt tình bạn, tình yêu, không quan hệ tình dục sớm, phòng chống xâm hại tình dục; tạo thói quen sắp xếp đồ dùng trong gia định gọn gàng, ngăn nắp, hàng tháng tham gia tổ vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, có ý thức bảo vệ môi trường, trồng và chăm sóc hoa, cây xanh dọc các tuyến đường; có kiến thức, kỹ năng khi gặp hạn hán, giông, sét, bão, lũ biết cách phòng tránh khi gặp thiên tai… Buổi đầu thành lập, các thành viên còn e ngại, rụt rè, đến nay 125 thành viên đã tự tin hơn khi tham gia sinh hoạt, mạnh dạn trao đổi, phát biểu ý kiến của mình trong các buổi sinh hoạt, trao đổi tâm tư nguyện vọng của bản thân, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Chị Nguyễn Thị Hiển, xóm Đông Tháp, xã Vĩnh Thành, một thành viên trong câu lạc bộ chia sẻ: “Kinh tế gia đình tôi hiện đang nhiều khó khăn, lúc nào cũng bận rộn không có điều kiện tiếp xúc với mọi người nên tôi rất ngại tham gia các hoạt động tập thể. Từ khi được sinh hoạt CLB, dần dần tôi đã mạnh dạn phát biểu, tham gia các hoạt động tập thể và đã hiểu thêm rất nhiều kiến thức, kỹ năng để có thể chăm sóc và bảo vệ con theo khoa học, biết chia sẻ cùng con”.

Mô hình CLB “Tương lai tươi sáng” và “Thắp sáng niềm tin” có 143 em là trẻ sống trong gia đình đơn thân, trẻ em khuyết tật vận động, khuyết tật thiểu năng,… nên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vốn dĩ, các em luôn mặc cảm, tự ti với bản thân, ít được tham gia các hoạt động xã hội, việc thành lập các mô hình CLB đã trang bị, cung cấp cho các em về các kiến thức, kỹ năng như: Quyền trẻ em, kỹ năng sống, kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên; tạo cho cho các em sân chơi lành mạnh, chia sẻ với nhau, vươn lên trở thành người sống có ích trong cuộc sống với phương châm “tàn nhưng không phế”.

Em Phương, xã Vĩnh Thành tự tin nói: “Tham gia CLB đã giúp em tự tin hơn, mạnh dạn phát biểu ý kiến của mình, không rụt rè, e ngại và không bị kỳ thị. Các hoạt động do CLB tổ chức như: sáng tác kịch, vẽ tranh, thực hành lập các kế hoạch trước mỗi kỳ sinh hoạt… giúp em cảm thấy mình sống có ích hơn”.

Sau 2 năm tham gia câu lạc bộ, 60% em nắm được các kiến thức về những việc cần làm để bảo vệ gia đình trước, trong và sau thiên tai, biết cách phòng chống đuối nước và cách xử lý khi có người bị đuối nước. Khi được hỏi về các kỹ năng xử lý rủi ro, em Phan Văn Quân, xã Vĩnh Thành ngậm ngùi chia sẻ về sự việc đau lòng xảy ra với bạn: “Bạn của em bơi rất giỏi nhưng thiếu kỹ năng quan sát, không nhìn phía trước mình đã có cờ cắm khu vực nguy hiểm, bạn ấy vẫn lao xuống vùng cấm nên chỉ trong giây lát bạn ấy đã không bao giờ về với chúng em nữa. Giờ được tham gia câu lạc bộ, em hiểu được các kỹ năng để tự bảo vệ mình”.

Cùng với các mô hình trên, năm 2019, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, ý nghĩa như: Phát động năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em, tổ chức Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói, Hội thi vẽ tranh nội dung về an toàn cho phụ nữ và trẻ em...; Tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm..., trong đó chú trọng tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống xâm hại tình dục cho phụ nữ, trẻ em; phòng chống đuối nước; phòng chống mua bán người; phòng chống bạo lực học đường, phòng chống ma túy trong học đường. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em trong việc tự bảo vệ mình và con trẻ; đồng thời hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ kịp thời hỗ trợ nạn nhân, lên tiếng, trình báo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Việc tổ chức các hoạt động, xây dựng các mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em là vô cùng cần thiết và ý nghĩa, qua đó đã tác động trực tiếp đến từng thành viên, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi người, đồng thời nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em có thêm kiến thức, kỹ năng để bảo vệ mình và người thân.

Vương Giang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video