Hội LHPN TP.Hồ Chí Minh tích cực góp phần đảm bảo đạt tỷ lệ nữ trong bầu cử

31/03/2016
Sau kết quả hiệp thương lần thứ 2, TP.Hồ Chí Minh có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là 30/90 đại biểu, chiếm tỷ lệ 33,33% và đại biểu HĐND các cấp là 38,9%, tỷ lệ này đạt khá cao so với cả nước. Hầu hết các quận, huyện đều có tỷ lệ nữ ứng cử đạt ít nhất 35%, riêng quận 6, tỷ lệ nữ ứng cử đạt cao nhất - 41,79%. Để có được kết quả này, cấp ủy Đảng các cấp của TP.Hồ Chí Minh đã “vào cuộc” một cách quyết liệt và Hội LHPN từ thành phố đến cơ sở đã tích cực, chủ động trong công tác chuẩn bị nhân sự.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27 tháng 4 năm 2007 “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ của Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, các cấp ủy đảng địa phương và các sở, ngành, Mặt trận cùng các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về vị trí, vai trò của cán bộ nữ.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trẻ tuổi được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việc chăm lo phát triển tài năng nữ được chú ý thông qua bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành nhằm xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ thành phố đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp cũng ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác phụ nữ. Thông qua phong trào phát hiện được những nhân tố tích cực đưa vào tổ chức Hội, qua đó, tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nữ tham gia chính trị tại địa phương.

Tại Hội nghị chuyên đề về công tác cán bộ nữ do Hội LHPN thành phố tổ chức vào tháng 6/2015, bà Nguyễn Thị Tô Châu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, cho biết: chuẩn bị nguồn cán bộ nữ cho Đại hội Đảng thành phố nhiệm kỳ X và bầu cử đại biểu quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, từ năm 2013, Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch về Quy hoạch nguồn nhân sự khóa X cũng như nguồn nhân sự đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp đã tập trung triển khai thực hiện công tác lựa chọn, tạo nguồn, quy hoạch cán bộ nữ… trong đó, xác định yêu cầu cơ cấu nữ được quy hoạch phải đạt 30% trở lên (chỉ tiêu TW giao là 25%).

Sau khi quy hoạch, cấp ủy các cấp đã tổ chức đào tạo về chính trị, đào tạo bổ sung, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ nguồn, luân chuyển cán bộ tiếp cận các chức danh quy hoạch, quan tâm điều động bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ vào các chức danh. Tuy có tăng về số lượng và chất lượng, vượt chỉ tiêu theo quy định của TW, song, cán bộ nữ trên địa bàn thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ tiêu do Thành ủy đề ra. Vẫn còn một số lĩnh vực, một số sở, ban, ngành chưa có cán bộ nữ lãnh đạo; sự quan tâm của cấp ủy đảng các cấp về quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm … cán bộ nữ chưa đồng đều; Năng lực một số cán bộ nữ chưa ngang tầm với nhiệm vụ.

Sau Hội nghị Hiệp thương lần 2, các cấp Hội LHPN TP.Hồ Chí Minh đangrất tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia bầu cử, đồng thời, tổ chức tập huấn , bồi dưỡng kỹ năng tiếp xúc, vận động cử tri cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, bày tỏ: Sự quan tâm lãnh đạo của thành ủy, sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng các cấp các địa phương và sự chủ động của tổ chức Hội Phụ nữ các cấp là những yếu tố rất quan trọng trong cơ cấu số lượng, thành phần cán bộ nữ. Các cấp Hội phải bám chắc cơ sở, lắng nghe những điều mà cấp mình quan tâm để có sự chuẩn bị chu đáo cho ứng cử viên nữ. Trong từng giai đoạn hiệp thương, các cấp Hội phải chủ động tham mưu cho cấp ủy cùng cấp sao cho ứng cử viên nữ có lợi thế nhất, như: được trình bày trước các ứng viên khác chương trình hành hành động của mình. Sau những lần điều chỉnh danh sách ứng cử viên của Ủy ban bầu cử, các cấp Hội phải bám sát danh sách, xem đối tượng nữ ứng cử có thay đổi không, nếu có, phải chủ động ngay trong việc lựa chọn cán bộ nữ nòng cốt để thay thế. Khi có danh sách cụ thể (sau hiệp thương lần 3), tổ chức Hội phải là người chủ động hỗ trợ cho ứng viên nữ xây dựng chương trình hành động, bồi dưỡng kinh nghiệm khi tiếp xúc cử tri. Nhất là, trong hoạt động liên doanh bầu cử, các cấp Hội phải thật quyết liệt để giữ được cao nhất số lượng nữ ứng viên của cấp mình.

Khi đến thời điểm tổ chức mạn đàm tiểu sử cho đại biểu ứng cử tại địa phương, bà Ánh cho biết thêm: Các cấp Hội phải khéo léo, tế nhị, có lồng ghép hoạt động để tổ chức cho ứng cử viên nữ gặp gỡ cử tri tại cơ sở, đồng thời, thường xuyên theo dõi để hỗ trợ kịp thời cho ứng cử viên nữ ở cơ sở trong quá trình chị em tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó, sẽ là rất cần thiết khi xây dựng một lực lượng nữ nòng cốt, nhất là những người lớn tuổi, có uy tín tại địa phương tham gia tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và người dân trong công tác vận động bầu cử. Bởi lẽ, ngoài tổ chức Hội, công tác tuyên truyền miệng của hội viên, phụ nữ và người có uy tín tại cơ sở sẽ là lợi thế lớn của nữ ứng cử viên. Hơn thế, hội viên, phụ nữ cần tuyên truyền, vận động người thân của mình ủng hộ cho ứng cử viên nữ đủ tiêu chuẩn.

Với vai trò đương nhiệm là đại biểu Quốc hội, bà Đinh Thị Bạch Mai, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ: Bản thân ứng cử viên nữ được chọn ra ứng cử cần phải tự hào mình là cán bộ của tổ chức Hội Phụ nữ. Chị em cần phải tự tin phát huy vai trò trong xã hội; phải mạnh mẽ, quyết liệt để thực hiện vai trò là người ứng cử đại diện cho tổ chức của mình. Để có được những điều này, chị em cần phải biết lắng nghe, đọc, học và làm một cách quyết liệt những gì mang lại giá trị thực, quyền lợi thực cho người dân, cho giới của mình. Ngoài ra, chị em cần rèn luyện cách ứng xử, giao tiếp, ăn mặc, ngoại hình... sao cho gần gũi, dễ gây thiện cảm với mọi người.

Hồng Loan - Ban Công tác phía Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video