Hội LHPN Việt Nam tham vấn ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu

14/05/2020
Từ năm 2021, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chính thức được áp dụng thực hiện theo Quy định tại khoản 5 Điều 169 của Bộ luật Lao động. Nhằm thực hiện chức năng góp ý, phản biện chính sách, sáng 14/5, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, chuyên môn về dự thảo Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và quy định điều kiện hưởng lương hưu.
Các đại biểu tham gia hội thảo

Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cùng các chuyên gia, nhà quản lý, chuyên môn, đại diện các bộ, ngành liên quan, cơ quan, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp sử dụng lao động…

Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Theo đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực.

Nghị quyết nêu rõ: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”.

Nội dung của Nghị quyết 28 đã được thể chế hóa tại Điều 169 Bộ luật Lao động quy định tăng tuổi nghỉ hưu.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chủ trì hội thảo

Việc xây dựng Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và quy định điều kiện hưởng lương hưu nhằm mục đích quy định chi tiết lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động  thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, trong suốt 20 năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề tuổi nghỉ hưu và luôn nỗ lực, cố gắng cùng các ngành, các cấp tích cực tham vấn chính sách, từng bước đưa được những vấn đề, đề xuất về bình đẳng giới trong luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động sửa đổi.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phát biểu, đóng góp ý kiến cụ thể, chi tiết tập trung vào 4 vấn đề: Phạm vi, điều chỉnh của Nghị định quy định chi tiết về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu; Điều kiện hưởng lương hưu của cán bộ công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách; Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn; Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều nội dung quy định trong dự thảo Nghị định chưa thể hiện đúng tinh thần của Bộ luật Lao động, chưa đầy đủ, còn mâu thuẫn và thiếu cơ sở pháp lý, chưa bao quát được hết tất cả các đối tượng. Một số ý kiến đề xuất nên chăng Nghị định chỉ nên quy định chi tiết về tuổi nghỉ hưu theo Điều 169 của Bộ luật Lao động chứ không nên quy định điều kiện hưởng lương hưu. Đặc biệt, việc xây dựng bảng quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động đến tận tháng, năm sinh vừa dài dòng, vừa rắc rối, khó hiểu, không cần thiết, thậm chí có thể dẫn tới việc cộng dồn thời gian lao động cho người lao động sai với tinh thần được quy định trong Luật.

Cùng với đó, một số ý kiến bày tỏ sự quan tâm tới đối tượng lao động là giáo viên mầm non gắn với đặc thù, áp lực nghề nghiệp; đối tượng nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn đề nghị cần làm rõ cụm từ “trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt khác”, trong đó cần nhìn vào thực tế thị trường lao động Việt Nam hiện nay đang rất thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, hướng tới nhóm đối tượng rộng hơn chứ không chỉ tập trung vào nhóm đối tượng nhỏ là quản lý, lãnh đạo; vấn đề bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng, bình đẳng…

Hội LHPN Việt Nam trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện văn bản góp ý gửi tới Ban soạn thảo Nghị định.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video