Hội LHPN Việt Nam tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

13/08/2021
Hội LHPN Việt Nam đã tích cực trong vận động xã hội để thực hiện bình đẳng giới và thúc đẩy thực hiện các chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa

Ngày 12/8, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa đã tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cho biết, Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị có sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ. Trong nhiều năm qua, Hội đã kiên trì thực hiện tôn chỉ, mục đích thông qua nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động chương trình và nhiệm vụ nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hội cũng đã tích cực trong vận động xã hội để thực hiện bình đẳng giới và thúc đẩy thực hiện các chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn vừa qua.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa (hàng dưới, bên trái) tham dự hội nghị

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa, những kết quả báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 có sự tham gia đóng góp bền bỉ và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã được xây dựng trên bối cảnh thực tế cùng với những vấn đề giới đặt ra là những mục tiêu mà Hội LHPN Việt Nam kỳ vọng trong giai đoạn tới. Một số chỉ tiêu của Chiến lược đã được Hội đưa vào dự thảo văn kiện đại hội của Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra đầu năm 2022.

Để Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai một cách hiệu quả, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa đã đưa ra một số đề xuất như sau:

- Cần phải tập trung sự quan tâm nhiều hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, thu hẹp khoảng cách giới trong đào tạo nghề, lao động, làm chủ khoa học và công nghệ, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí mà thị trường quyết định. Đặc biệt ở một số nghề mà chị em phụ nữ tiếp cận còn khó khăn, nhất là công nghệ thông tin trong nền kinh tế số. Đây cũng là lĩnh vực thể hiện sự chênh lệch rất rõ rệt giữa phụ nữ và nam giới.

- Cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của cộng đồng về bình đẳng giới. Bên cạnh việc thúc đẩy chính sách pháp luật có liên quan về bình đẳng giới thì các vấn đề văn hóa, phong tục, tập quán là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến kết quả thực hiện.

- Cần phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để xóa bỏ định kiến giới. Các ngành làm công tác truyền thông cần phải tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để hình thành những chuẩn mực xã hội mới về bình đẳng giới. Qua đó, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ những tập quán chứa đựng nhiều định kiến giới.

- Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Bên cạnh việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong việc ra quyết định, cần đảm bảo việc hoạch định chính sách có nhạy cảm giới. Cần phải tạo ra vườn ươm tạo nguồn cán bộ nữ trẻ, xây dựng những đội ngũ kế cận tham gia vào mọi lĩnh vực.

- Xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, tạo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Luật bình đẳng giới cũng như các luật liên quan đều có những quy định liên quan đến phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, trên thực tế những vấn đề này đang diễn ra hết sức phức tạp, có những vụ việc khó kiểm soát. Cần khuyến khích và tăng cường hoạt động của các mô hình, địa chỉ tin cậy, các nhà tạm lánh. Nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến cơ chế khẩn cấp, cơ chế một cửa như Ngôi nhà Ánh Dương ở Quảng Ninh, Ngôi nhà Bình yên ở Hà Nội, Nhịp cầu hạnh phúc ở TP Hồ Chí Minh và các địa chỉ khác. Những cơ sở này thực sự là những điểm đến của phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục với một cơ chế thân thiện, an toàn.

- Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới và các bộ ngành liên quan, nguồn kinh phí đóng vai trò hết sức quan trọng để xây dựng ngân sách giới. Ngoài ra, cần có thống kê về giới để làm cơ sở hoạch định chinh sách.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà

Thay mặt Ban Tổ chức, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã tiếp thu những khuyến nghị của Hội LHPN Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 như sau:

- Thứ nhất, rà soát, đánh giá, đề xuất các chính sách đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó ưu tiên nhóm đối tượng yếu thế, bao gồm phụ nữ, trẻ em ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

- Thứ hai, chủ động thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược, Kế hoạch về bình đẳng giới vào các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch, dự án của đơn vị, địa phương và đảm bảo bố trí kinh phí cho việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới.

- Thứ ba, triển khai hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới; thu thập và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bình đẳng giới; mở rộng các mô hình, dịch vụ về bình đẳng giới.

 -Thứ tư, quan tâm tới công tác nghiên cứu khoa học về bình đẳng giới, thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược ở các cấp.

- Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video