Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu: Phụ nữ - Tái định nghĩa thành công

23/07/2019
Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu - sự kiện quan trọng với phụ nữ thế giới - vừa diễn ra tại Basel, Thụy Sỹ từ ngày 4-6/7, tập trung thảo luận về chủ đề "Phụ nữ - Tái định nghĩa thành công". Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị dưới sự dẫn đầu của Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Việt Nam trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái 

Phát biểu tại hội nghị là những phụ nữ điều hành sàn giao dịch chứng khoán, công ty công nghệ, công ty quảng cáo, dịch vụ tài chính, công ty logistics cũng như các thương hiệu lớn như bà Prabha Parameswaran, Chủ tịch Colgate ở châu Âu; bà Ali Farramawy, Chủ tịch Microsoft ở Trung Đông; bà Marisa Drew, Giám đốc điều hành Credit Suisse; bà Ulrich Spiesshofer, Tổng giám đốc điều hành công ty công nghệ ABB… Các đoàn đại biểu từ nhiều quốc gia đã tìm hiểu cách thức tiếp cận lương công bằng, vai trò lãnh đạo và đạt thành công cả ở gia đình và công việc xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: “kỷ nguyên của Internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo mở ra những cơ hội mới để người phụ nữ khẳng định vai trò, sự đóng góp của mình ở một tầm cao mới, đặc biệt là đang tạo thêm điều kiện rất thuận lợi cho sự bình đẳng, khả năng tiếp cận thông tin và những công cụ mới cho công việc của họ cả trong gia đình và ngoài xã hội”, và “Phụ nữ Việt Nam đang không ngừng vươn lên để biến những thách thức thành cơ hội cho chính bản thân mình và cho nền kinh tế”

Phó Chủ tich nước nhấn mạnh “Việt Nam đang tích cực hoàn thiện chính sách pháp luật để tạo điều kiện hơn nữa cho phụ nữ trong kinh doanh. Trong đó có thể kể đến các chính sách ưu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp... Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực tăng trưởng mạnh như khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nông nghiệp chất lượng cao... thông qua các chương trình giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp với trẻ em gái, nữ học sinh, sinh viên. Những nỗ lực đó giúp Việt Nam đạt tiến triển tích cực trong triển khai Mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”.

Theo Phó Chủ tịch nước, thước đo thành công cho phụ nữ ngày nay được xác định trên 3 yếu tố là: (1) Sự thành công cần được nhìn nhận là sự tranh thủ tốt nhất các nguồn lực cả về vật chất và tinh thần, cơ hội học tập, làm việc, sự vươn lên, cống hiến, trưởng thành, sự tự tin và làm chủ về tri thức, thông tin, công nghệ và sự tham gia như họ mong muốn trong các thể chế công, tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp và cả nền kinh tế cần được bảo đảm đối với phụ nữ; (2) Thành công cũng gắn liền với khả năng làm chủ về kinh tế, tài chính của phụ nữ. Sự độc lập về kinh tế, quyền năng kinh tế của phụ nữ tạo điều kiện quan trọng để họ quyết định tương lai của bản thân và sự đóng góp đối với tổ chức; (3) Thành công phải bền vững, do vậy phụ nữ cần được bảo đảm sức khỏe cả thể chất, trí tuệ và tinh thần để nắm bắt, làm chủ khoa học công nghệ, luôn dẻo dai, bền bỉ đương đầu với những khó khăn, thách thức, đồng thời tìm được sự cân bằng giữa công việc và gia đình và hạnh phúc với những lựa chọn của mình. Điều quan trọng là xã hội, gia đình, đồng nghiệp, mọi người luôn đứng bên cạnh, hỗ trợ và ủng hộ để giúp phụ nữ tìm thấy thành công cho bản thân mình. Sự thành công của mỗi phụ nữ sẽ tạo nên động lực cho các doanh nghiệp, tổ chức và cả nền kinh tế.

Cần tiếp tục hỗ trợ phụ nữ kinh doanh

Dù đạt nhiều kết quả nhưng thực tế, số phụ nữ trong lực lượng lao động làm kinh doanh còn quá nhỏ bé so với nam giới.

Mặc dù ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia kinh doanh, khởi nghiệp trong những năm gần đây nhưng công ty của họ thường chỉ có ít nhân viên hơn, ít lợi nhuận hơn và chưa có định hướng tăng trưởng. Như ở Mỹ, trong năm 2014, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chỉ tuyển dụng 6% lực lượng lao động và tạo ra chưa đầy 4% tổng doanh thu - con số này không khác mấy so với năm 1997. 

Điều này khiến các chuyên gia đặt ra câu hỏi: Có loại chính sách nào có thể thúc đẩy phụ nữ tham gia các hình thức kinh doanh tăng trưởng cao, chứ không chỉ là tham gia kinh doanh nói chung? Trả lời cho câu hỏi này cần hiểu rõ các lý do xã hội đằng sau sự bất bình đẳng giới dai dẳng hiện nay.

Theo bà Santa Barbara, trợ lý Giáo sư xã hội học tại đại học California (Mỹ), có một số bằng chứng mới cho thấy các chính sách về gia đình - công việc có thể có tầm quan trọng. Khi phụ nữ có thể tiếp cận chính sách như nghỉ thai sản hưởng lương hay trợ cấp chăm sóc trẻ, thì cơ hội họ khởi nghiệp, hướng tới tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Khi họ không có những chính sách đó hỗ trợ, khả năng tham gia của họ thấp hơn.

Các học giả và nhà lập pháp cũng đồng ý rằng chi tiêu chính phủ vào chế độ nghỉ thai sản hưởng lương và chăm sóc trẻ thúc đẩy phụ nữ làm việc nhiều hơn. Ở những nước có chính sách gia đình - công việc hào phóng với phụ nữ như Thụy Điển hay Đan Mạch, số phụ nữ tham gia kinh doanh nhiều hơn những nước khác. Khi phụ nữ có thời gian, nguồn lực cần thiết để cân bằng công việc và gia đình, thì họ sẽ không thấy cần thiết phải cắt bớt giờ làm, thay đổi nghề hay ra khỏi lực lượng lao động khi có nghĩa vụ gia đình cần thực hiện.

Tại một số nước, do thiếu chính sách gia đình - công việc hỗ trợ phụ nữ mà nhiều người phải bỏ việc và buộc phải tìm kiếm các lựa chọn linh hoạt hơn. Một trong số đó là làm ăn riêng để dễ quản lý thời gian. Mặc dù phụ nữ thiếu chính sách hỗ trợ gia đình -công việc có thể khởi nghiệp nhiều hơn nhưng khi không có lựa chọn nào khác, họ khó có thể tạo ra những doanh nghiệp lớn hoặc khó có thể phát triển và đưa sản phẩm, dịch vụ mới vào thị trường.

Vì thế có thể thấy rằng khi có chính sách gia đình - công việc hỗ trợ, phụ nữ sẽ coi kinh doanh là lựa chọn chiến lược sự nghiệp đầu tiên, chứ không phải chỉ để duy trì cuộc sống vì không còn lựa chọn nào khác. Hơn nữa, khi đó, họ có thể đưa doanh nghiệp phát triển theo hướng tăng trưởng như thuê nhiều nhân viên hơn, có tham vọng chiến lược hơn, cho ra đời nhiều sản phẩm -dịch vụ mới hơn...

Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu là một dự án của Viện Giáo dục và Nghiên cứu Phụ nữ Toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington, DC (Mỹ), được tổ chức hàng năm từ năm 1990. Hội nghị đã trở thành nơi kết nối phụ nữ toàn thế giới. Hội nghị năm nay có chủ đề “Phụ nữ: Tái định nghĩa thành công”, thu hút 1.600 đại biểu từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video