Hội Phụ nữ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

06/08/2008
Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đang được Hội LHPN Việt Nam triển khai thực hiện sâu rộng tại các cấp Hội và các tầng lớp phụ nữ, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An là hai đơn vị đã có cách làm sáng tạo, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hành tiết kiệm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ.

Mái tóc hoa râm, thân hình nhỏ bé và bước chân thoăn thoắt, là ấn tượng đầu tiên khiến chúng tôi chú ý đến bác Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Bác Nhâm cười vui: "30 năm tuổi đảng và năm nay tui tròn 56 tuổi. Trong huyện và xã, cứ nghe ở mô có hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ là tui đến nghe và rủ thêm nhiều người cùng đi". Ðêm về nhớ lại chuyện: Bác yêu cầu vá lại tấm áo rách nhiều lần, cho đến lúc không vá được nữa do miếng vá đã quá dày; chuyện đôi dép cao-su đã mòn, người cán bộ cần vụ đòi thay, Bác không cho... bác Nhâm càng muốn "Mần nhiều việc giúp bà con quê hương đỡ nghèo".

Thương vợ vất vả, ông Ðặng Thế Minh, chồng bà nhắc: "Mẹ hắn nghỉ cho đỡ cực, răng cứ ưng làm miết ?". Nói vậy thôi, chứ khi HTX do bà Nhâm sáng lập không có đất làm trụ sở, bác Minh không chút nề hà bảo vợ "Nếu xã không cho mượn đất thì dồn đất nhà mình đổi cho xã". Sự nhiệt tình năng nổ của bác Nhâm, được UBND xã ủng hộ và cho bác Nhâm mượn tạm gian nhà của Hội Cựu chiến binh làm trụ sở HTX. Vậy là HTX Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại xã Cẩm Thành được thành lập, do bác Nhâm làm chủ nhiệm, có tới 30 cổ đông tham gia góp vốn hơn 30 triệu đồng.

Miệng nói tay làm, bác Nhâm xông xáo khắp nơi tìm việc cho bà con trong xã. Mở đầu là làm hàng gia công mây tre đan. Tiếp đó, bác Nhâm kể: "Nghe nói có Tổng công ty cổ phần thể thao GERU STAR gì đó chuyên sản xuất quả bóng da, tui liền nhờ người "mai mối". Một mình tui phóng xe máy chạy khắp nơi tìm cách ký hợp đồng cho bà con may bóng".

Công việc có lúc trục trặc, đôi khi nhụt chí, bác Nhâm liền nghĩ tới lời Bác Hồ dạy: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền..." để thêm quyết tâm vượt khó. May sao, nhờ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy can thiệp giúp, bác Nhâm ký được hợp đồng nhận gia công may bóng cho bà con xã Cẩm Thành. Ðến khi tổng công ty cử người về dạy cách may bóng da. Việc mới, đòi hỏi khéo tay, bà con có người học được, có người chậm hiểu lại bị cô giáo mắng nên nản muốn bỏ việc. Bác Nhâm cự lại cô giáo: "Người ta có dốt mới cần các o phải dạy. Răng các o nạt họ?". Và nhờ lời động viên của bác Nhâm, chị Nguyễn Thị Biện, ở thôn Hưng Mỹ lúc đầu muốn bỏ việc, lại trở thành người may bóng giỏi nhất trong xã, nhận được nhiều tiền công.

Kể sao hết nỗi mừng vui, khi năm 2007, là năm đầu tiên hai mẹ con chị Biện ăn Tết, không phải nhận tiền cứu trợ của xã. Bà Nguyễn Thị Lộc, hộ độc thân ở thôn Ðồng thường xuyên khó khăn, lúc mới may bóng da, ước sao "đủ tiền mua ba gói mì tôm/ngày". Nay bà đã có tiền công 20 nghìn đồng /ngày.

Rồi anh Nguyễn Thái Quảng, Thôn trưởng xóm Ðồng lúc đầu tập khâu bóng da càu nhàu: "Khâu thế ni bao giờ mới xong một quả ?". Ấy thế mà hôm gặp chúng tôi, sau chén nước mời khách anh nhanh nhảu: "Vợ chồng tui và hai con tranh thủ lúc trưa, tối may ba quả bóng, được 25-30 nghìn đồng/ngày là đủ trả tiền điện trong tháng".

Ðến nay, HTX của bác Nhâm đã tạo việc làm cho 200 hộ gia đình tại xã Cẩm Thành vào những ngày nông nhàn hoặc buổi trưa và tối. Riêng thôn Ðồng có tới 60% số hộ gia đình nhận khâu bóng da để tăng thu nhập. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh Ðậu Thị Kim Liên cho biết: Thực hiện "Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" Hội LHPN Hà Tĩnh chủ trương "học" phải đi đôi với "làm".

Vì vậy, Hà Tĩnh có nhiều tập thể tiêu biểu như: Hội Phụ nữ thị xã Hồng Lĩnh, các huyện Hương Khê, Ðức Thọ... đã vận động cán bộ, hội viên tiết kiệm trong đám cưới, đám ma, lễ mừng thọ, chi tiêu hằng ngày, giúp các hộ gia đình, chị em có hoàn cảnh khó khăn. Không ít điển hình cá nhân xây dựng các mô hình kinh tế giúp đỡ phụ nữ đơn thân ngày càng nhiều.

Tại Nghệ An, khi một số tỉnh, thành hội phụ nữ trong cả nước vẫn đang loay hoay với việc tổ chức các hội thi kể chuyện về Bác Hồ, chưa tìm ra cách làm theo tấm gương đạo đức của Bác, thì tại Tân Kỳ (Nghệ An) Hội Phụ nữ huyện có sáng kiến hưởng ứng cuộc vận động bằng hình thức: Hũ gạo tiết kiệm, ống tiền tiết kiệm trong từng gia đình hội viên, hoặc giúp bằng ngày công; hiện vật như quần áo, chăn màn, cây con giống... tặng phụ nữ nghèo.

Ngày đầu triển khai cuộc vận động, một số hội viên tại các chi hội xã Tân Xuân (Tân Kỳ) cho rằng: "Mình còn khó khăn, làm sao giúp đỡ những người khác?". Bằng lời thuyết phục có tình, có lý của các chị Chi hội trưởng, Tổ trưởng phụ nữ, hội viên dần hiểu ra, tự bảo nhau: "Mình khó khăn, nhưng vẫn còn sức khỏe, gia đình đầy đủ, hạnh phúc". Vậy là hằng ngày mỗi chị bốc một nắm gạo bỏ vào hũ và đút 500 đồng vào ống tre, hoặc con lợn nhựa... ấy thế mà chỉ một thời gian sau, gạo và số tiền ấy đã được nhân lên thành tiền trăm, thậm chí tiền triệu và hũ gạo cũng đầy.

Hội phụ nữ xã phân phối tiền và gạo tiết kiệm được tới gia đình bà Trần Thị Gương, 63 tuổi, vừa tàn tật, lại sống độc thân; chị Trần Thị Diên, chồng bị bệnh nặng không còn khả năng lao động, ba con nhỏ dại, gia cảnh lam lũ, khó khăn và một số chị có hoàn cảnh tương tự.

Chị Ðặng Thị Bình, ở chi hội xã Xuân Yên, có hai ống tre đựng tiền tiết kiệm. Hằng ngày đi chợ bán rau quả, ngoài số tiền phải chi mỗi ngày, hôm nào chị cũng bỏ vào ống 500 đồng, lúc dư dật thì từ một đến hai nghìn đồng. Chị Bình khoe với chúng tôi: "Chỉ vậy thôi mà từ đầu năm đến tháng 6 vừa qua, tôi đã có 200 nghìn đồng. Tôi vừa chẻ một ống, đóng góp giúp chị em nghèo. Ống còn lại cũng đủ để mua sách vở, quần áo cho các cháu".

Trò chuyện với chúng tôi, chị Vũ Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Tân Kỳ đầy vẻ suy tư: "Ðến nay, Tân Kỳ vẫn là huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An, với 30% số hộ nghèo. Không ít gia đình đặc biệt khó khăn do neo đơn, ốm yếu, tàn tật... rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng". Chị Hương đã liên tưởng đến mẩu chuyện, năm 1945, khi cả nước thiếu đói, Bác Hồ đã tiết kiệm bằng cách, mỗi ngày nhịn ăn một bữa... và nghĩ tới hình thức ống tiền và hũ gạo tiết kiệm.

Việc này đơn giản, ai cũng có thể làm được, nếu có ý thức tiết kiệm. Ngày 31-1-2007, Hội Phụ nữ huyện Tân Kỳ phát động đợt 1, giai đoạn hai, thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua bảy tháng thực hiện, số hội viên và cán bộ hội tại 266 chi hội đã góp được gần 20 triệu đồng, hơn 2.000 kg gạo, 430 ngày công giúp gần 100 gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: "Thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2008, Hội LHPN tập trung chỉ đạo các cơ sở Hội thực hành tiết kiệm.

Vấn đề đặt ra là làm chuyển biến nhận thức, nâng ý thức tự giác của hội viên và các tầng lớp phụ nữ gắn cuộc vận động với việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội Phụ nữ lần thứ X. T.Ư Hội đã biên soạn tài liệu sinh hoạt cho hội viên, giải thích một số khái niệm: Tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? và thực hành tiết kiệm mang lại lợi ích gì cho gia đình và xã hội...
Theo Lê Phương Hiên/Nhân Dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video