Hội thảo đóng góp ý kiến của các cơ quan báo chí xây dựng Dự thảo Luật bình đẳng giới

09/12/2005
Ngày 8/12/2005, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, T.W Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Luật bình đẳng giới

Đồng chí Hà Thị Khiết, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch UBQGVSTBPN Việt Nam, Trưởng Ban soạn thảo Dự thảo Luật Bình đẳng giới chủ trì Hội thảo. Tới dự có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hoà, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Trưởng ban soạn thảo Dự thảo Luật BĐG; đại diện Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ngân hàng Phát triển châu Á và gần 20 đại diện các cơ quan thông tấn báo chí T.W và địa phương.

 

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hà Thị Khiết nêu khái quát tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng Dự thảo Luật BĐG; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật. Đồng chí mong muốn với kinh nghiệm thực tiễn, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo, các đại biểu và những người làm báo tập trung tâm huyết, trí tuệ, tích cực đóng góp ý kiến để Dự thảo Luật sớm được hoàn thiện, trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua vào năm 2006, đồng thời đồng chí cũng mong các cơ quan thông tấn báo chí tạo điều kiện, dành thời lượng phát sóng, diện tích đăng tải, thông tin sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân những vấn đề về giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật BĐG.

 

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật BĐG, hầu hết các nhà báo đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật. Các ý kiến đều đồng tình với tên của Dự thảo Luật, nêu sự cấp thiết ban hành Luật BĐG trong đời sống xã hội và mong muốn Dự thảo Luật sớm được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống. Tại Hội thảo, các nhà báo đi sâu phân tích 10 vấn đề chính trong 5 chương, 43 điều của Dự thảo Luật (sau khi đã tiếp thu ý kiến đóng góp của nhiều đối tượng, các Bộ, ngành, các Trưởng đoàn đại biểu QH, các giới và đã chỉnh sửa lần 3), đó là: Chỉ tiêu BĐG, biện pháp bảo đảm chỉ tiêu BĐG; quỹ quốc gia thực hiện, bảo đảm BĐG và trung tâm nghiên cứu, thông tin quốc gia về BĐG, tuổi nghỉ hưu, công tác quản lý Nhà nước, một số chế độ liên quan đến tài chính, chế tài xử lý. Đặc biệt, các nhà báo đóng góp nhiều ý kiến vào các vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm như: tuổi nghỉ hưu của nam, nữ; tỷ lệ nữ tham chính; lao động nữ ở nông thôn, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ…Bên cạnh những ý kiến đóng góp chỉnh sửa về câu chữ, tính logic, kết cấu của Dự thảo Luật, thông qua quá trình hoạt động nghiệp vụ, các nhà báo đã gợi mở một số vấn đề để Ban soạn thảo nghiên cứu như: Vấn đề thừa kế của nam, nữ, khung hình phạt cụ thể đối với các hành vi bạo hành, cố ý gây thương tích, buôn bán phụ nữ, trẻ em…

 

Kết luận Hội thảo, đồng chí Hà THị Khiết đã cảm ơn các nhà báo đã có những ý kiến sâu sắc, tâm huyết, đóng góp những kinh nghiệm quý trong thực tiễn để Ban soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu, tiếp tục chỉnh sửa, để Dự án Luật BĐG nhanh chóng được hoàn thiện, được QH thông qua, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, nâng cao năng lực, vị thế của phụ nữ - vấn đề Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, quan tâm ngay từ những năm đầu thành lập và là một trong tám mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, thực hiện Công ước CEDAW nước ta đã ký cam kết thực hiện.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video