Hội thảo toàn cầu thế hệ mới lần thứ 13 chỉ ra những vấn đề phụ nữ phải đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế

22/11/2020
Những vấn đề toàn cầu liên quan đến xã hội, con người, dịch bệnh, thiên tai... được các nhà khoa học, học giả tập trung phân tích, thảo luận tại Hội thảo toàn cầu thế hệ mới lần thứ 13 với chủ đề "Các rủi ro mới và khả năng chống chịu trong các xã hội châu Á và trên thế giới", diễn ra tại Hà Nội, trong 2 ngày 20-21/11/2020.
Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo được đồng tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới,  Viện Nghiên cứu Con người thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu châu Á KUASU, Đại học Kyoto (Nhật Bản) và Hội LHPN Việt Nam.

GS. Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các quốc gia trên thế giới với nền kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao, trong đó, đặc biệt phụ nữ di cư gặp nhiều khó khăn, không thể tiếp cận được các dịch vụ bảo trợ xã hội, chăm sóc. 

Tham gia hội thảo qua trực tuyến, GS. Emiko Ochiai - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á, Đại học Kyoto Nhật Bản nhấn mạnh tình trạng già hóa ở các xã hội Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như Việt Nam, đồng thời khẳng định, già hóa dân số có thể xảy ra trên toàn cầu và đang làm thay đổi môi trường xã hội, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi gia tăng, đòi hỏi các quốc gia phải có phản ứng thông qua các chính sách phù hợp.

GS. Emiko Ochiai cũng cho rằng, phụ nữ ngày càng có trình độ học vấn cao hơn, tham gia đông đảo và tích cực vào thị trường lao động. Tuy nhiên, phụ nữ gặp bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe, trả lương, chất lượng việc làm và dịch vụ xã hội. Chính những điều này làm gia tăng các nguy cơ mới, thách thức cuộc sống gia đình nói riêng và xã hội nói chung.

GS. Emiko Ochiai - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á, Đại học Kyoto Nhật Bản (phải màn hình ảnh) tham gia thảo luận thông qua hình thức trực tuyến

Phát biểu tại hội thảo, TS Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, trong bối cảnh biến đổi xã hội sâu rộng, quá trình hội nhập quốc tế toàn cầu hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức v khả năng chống chịu, sự phát triển bền vững của các quốc gia trong phạm vi toàn thế giới nói chung, khu vực Châu Á nói riêng. Lần đầu tiên được tổ chức có sự phối hợp của các cơ quan nghiên cứu, tổ chức có chức năng vận động, đề xuất, phản biện, giám sát chính sách, hội thảo toàn cầu thế hệ mới bên cạnh mục đích trao đổi, nghiên cứu khoa học, kết quả của hội thảo còn cung cấp căn cứ lý luận, thực tiễn quan trọng trong các hoạt động và đề xuất chính sách. 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa chia sẻ tại hội thảo

Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa đánh giá, đại dịch Covid 19 bùng phát đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề về mọi  mặt, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp ứng phó hiệu quả, cả hệ thống chính trị cùng đồng loạt tham gia phòng chống dịch. Đã có rất nhiều hoạt động truyền thông sáng tạo, trong đó, đông đảo người dân Việt Nam đã sử dụng ứng dụng Bluezone – truy vết và cảnh báo Covid. Đặc biệt, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ quan trọng, thiết thực lên tới 62 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch.

Đại dịch tác động đến phụ nữ mạnh mẽ hơn nam giới trên mọi lĩnh vực. Mặc dù các báo cáo ban đầu chỉ ra tỷ lệ tử vong vì Covid 19 của nam giới cao hơn nhưng trên thực tế, sức khỏe của phụ nữ nói chung bị ảnh hưởng nhiều hơn. Không chỉ chịu ảnh hưởng về sức khỏe, kinh tế, phụ nữ còn chịu những tác động xã hội như: phân bổ lại nguồn lực, công việc chăm sóc không được trả lương càng tăng lên khi trẻ em không đến trường, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tăng cao và dịch vụ y tế quá tải, đặc biệt là tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian cách ly và giãn cách xã hội đối với phụ nữ cũng gia tăng theo cấp số nhân.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa (thứ hai phải ảnh qua) trao đổi với các đại biểu

Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cũng đề cập tới một số vấn đề toàn cầu khác. Trong đó, biến đổi khí hậu và thiên tai đang gây hậu quả nghiêm trọng cả người về tài sản trong thời gian gần đây, khi Việt Nam và các nước trên thế giới đã phải chịu những trận bão lũ, sạt lở đất liên tiếp. Phụ nữ và trẻ em tiếp tục là đối tượng bị tổn thương sâu sắc, nặng nề.

Già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng với dự báo, đến năm 2038, 20% tổng dân số Việt Nam là nhóm cao tuổi, điều này  thách thức về duy trì tăng trưởng kinh tế, phát triển hệ thống an sinh xã hội, y tế và cơ sở hạ tầng. Điều đáng nói hơn, Việt Nam không cần đến 20 năm để tăng từ 7-14% dân số từ 65 tuổi trở lên.

Xu hướng di cư nông thôn đô thị tích tụ dân số ở một số vùng công nghiệp hóa, đô thị hóa với người di cư chủ yếu là thanh niên tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Điều này cũng dẫn tới những tác động tiêu cực như: áp lực cơ sở hạ tầng xã hội, gia tăng đói nghèo đô thị, chất lượng cuộc sống của người di cư chưa đảm bảo hay suy thoái môi trường tự nhiên. Trong di cư và dịch chuyển lao động quốc tế, phụ nữ có nguy cơ cao hơn trong việc rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương. Toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học công nghệ một mặt giải phóng sức lao động, giúp mang lại cơ hội bình đẳng giới, mặt khác làm đảo lộn các mối quan hệ xã hội, đe dọa trực tiếp đến mối quan hệ gia đình.

Toàn cảnh hội thảo

Về vấn đề bình đẳng giới, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa thông tin, Việt Nam là quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều phụ nữ Việt Nam chưa được trang bị sẵn sàng cho một nền kinh tế tri thức khi chỉ có 9% lực lượng lao động có trình độ đại học, điều này đặt ra thách thức  trong việc đảm bảo cho phụ nữ được tiếp cận và hưởng lợi bình đẳng từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh “Trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động trong tham mưu, đề xuất, phản biện xã hội về luật pháp chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Hội cũng đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ”.

Khẳng định, hội thảo toàn cầu thế hệ mới lần thứ 13 được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của Hội. Với sự tham gia của các nhà khoa học, các học giả đóng góp gần 60 công trình nghiên cứu, tham gia biên tập về những vấn đề khác nhau liên quan đến hội thảo, Hội LHPN mong muốn nhận được nhưng đóng góp ý kiến, bằng chứng khoa học thực tiễn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức năng của Hội.

 

Các đại biểu tham gia hội thảo

Trong phiên họp toàn thể sáng 21/11, hội thảo đã nghe Phó Giáo sư Jyoti Atwal, Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ; Phó Giáo sư Kato Atsufumi, Đại học Kyoto Sangyo, Nhật Bản và Giáo sư Maitreyee Bardhan Roy, Đại học Adamas, Ấn Độ lần lượt chia sẻ về những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trên các phương diện việc làm cũng như sức khỏe đặc biệt là phụ nữ.

Các phiên thảo luận diễn ra vào chiều 21/11 và 22/11 sẽ tập trung vào các chủ đề: tác động của biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu khi đối mặt với nó; bất bình đẳng giới; chuyển đổi hôn nhân và gia đình; già hóa dân số và các vấn đề xã hội; di cư; an ninh xã hội, an ninh con người và quyền con người ở châu Á; khả năng linh hoạt và phù hợp của thị trường lao động; các mô hình và xu hướng phát triển kinh tế và đại dịch...

1300

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video