Kết nối để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương

27/01/2021
Theo khảo sát, có 27% phụ nữ di cư hồi hương đưa theo con cái trở về. Cứ 10 phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài trở về thì 3 người chưa hoàn tất ly hôn. Do đó, con cái họ gặp khó khăn trong việc làm giấy khai sinh, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục…
Các đại biểu cùng cam kết "Kết nối mạng lưới" để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương. Ảnh HH

Sáng 26/1, TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo Kết nối mạng lưới–Lan tỏa yêu thương, tại Hà Nội. Hội thảo nhằm tăng cường truyền thông, quảng bá các hoạt động của Văn phòng Dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ (Văn phòng OSSO), đồng thời kết nối hoạt động với các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho Phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ" do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hỗ trợ kỹ thuật.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thanh Cầm – Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp TƯ Hội, Giám đốc dự án, cho rằng: Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, di cư trong nước và quốc tế có xu hướng gia tăng. Bên cạnh điểm tích cực, thì di cư cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết ở các cấp độ khác nhau trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Đại diện TƯ Hội LHPNVN, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tặng quà cho các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh HH

Kể từ khi hoạt động tháng 10/2020 tới nay, Văn phòng OSSO đã tư vấn cho 55 phụ nữ di cư hồi hương với 86 cuộc tư vấn, trong đó 47% tư vấn về vấn đề pháp lý, 18% về tâm lý; 10% về việc làm và 25% về các dịch vụ chung của OSSO.

Theo bà Nguyễn Thanh Cầm, hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ là một công việc phức tạp, rất cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành chức năng và các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ và trẻ em; qua đó, họ có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ một cách hiệu quả nhất.

Ông Brett Dickson – Giám đốc chương trình IOM Việt Nam cho biết, theo thống kê, Việt Nam đang là nước có số phụ nữ có tỷ lệ kết hôn với người nước ngoài cao. Mặt khác, tỷ lệ ly hôn trung bình cũng lên tới 30%. Thống kê cho thấy, cô dâu Việt Nam cũng có tỷ lệ cao thứ 2 trong việc nộp đơn ly hôn. Điều này tác động đến cuộc sống của hơn 400 trẻ em được sinh ra từ các cuộc hôn nhân đa quốc gia mỗi năm.

Đại biểu tham gia thảo luận chia sẻ các giải pháp hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương. Ảnh HH

Đặc biệt, theo ông Brett Dickson, phụ nữ di cư hồi hương và con của họ gặp phải nhiều vấn đề khi tái hòa nhập với cộng đồng tại quê nhà, do tình trạng pháp lý không rõ ràng, khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ hỗ trợ hạn chế.

Theo kết quả khảo sát từ 189 phụ nữ di cư trở về (của 5 tỉnh/thành), có tới 27% người về mang theo con cái. Trong đó, cứ 10 phụ nữ trở về thì có 3 người chưa hoàn tất ly hôn. Do đó, con cái họ gặp khó khăn trong việc làm giấy khai sinh, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục…

Tại hội nghị, một số phụ nữ di cư hồi hương đã chia sẻ những khó khăn trong thực tế. Họ phải đối diện với những "ánh mắt" thiếu thiện cảm từ làng xóm. Thậm chí, nhiều chị em không có tay nghề, thiếu việc làm, không có khả năng tự chủ về kinh tế, nên cuộc sống càng trở nên khốn khó.

 

Các đại biểu cùng ghi địa chỉ các đơn vị hỗ trợ và phụ nữ di cư hồi hương ghi những nguyện vọng của mình lên "hoa và quả đào" nhằm tạo ra sự kết nối hiệu quả. Ảnh HH

Ngay tại Hội nghị này, sau khi các chị em phụ nữ hồi hương chia sẻ nguyện vọng, nhu cầu của bản thân, đã được kết nối trực tiếp với các tổ chức, đơn vị thuộc các tỉnh/thành như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ pháp lý… Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận, gợi mở ra các giải pháp hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương được hiệu quả hơn nữa, giúp họ có cuộc sống bền vững vững.

Địa chỉ 5 Văn phòng OSSO 

+ OSSO Hà Nội: Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Tầng 1, Số 20, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. 

OSSO Hậu Giang: Hội Liên hiệp phụ nữ Tỉnh Ủy, Khu Hành chính Tỉnh Ủy, Đường Nguyễn An Ninh, Phường IV, Thành phố Vị Thanh, Tỉnh Hậu Giang. 

OSSO Cần Thơ: Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long, Tầng trệt, số 9 Đường A6, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ.

OSSO Hải Phòng: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hải Phòng, số 23 Minh Khai, Quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng. 

OSSO Hải Dương: Hội phụ nữ Tỉnh Hải Dương, Đường Đỗ Ngọc Du, Phường Tân Bình, Thành phố Hải Dương. 

 

 * Số điện thoại gọi miễn phí chung cho tất cả các văn phòng: 1800599967

Văn phòng OSSO là một đầu ra quan trọng của dự án nhằm cung cấp các dịch vụ và kết nối dịch vụ hỗ trợ hoà nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ, như: Tư vấn pháp lý, tâm lý, giới thiệu việc làm…

Trong khuôn khổ dự án, 5 Văn phòng sẽ được thành lập tại 5 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn dự án. Văn phòng OSSO tại Hà Nội đã được thành lập và vận hành từ tháng 10/2020.

Các văn phòng còn lại sẽ được khai trương trong tháng 2/2021 tại Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ và Hậu Giang.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video