Khai mạc Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 8

18/10/2018
Ngày 18/10/2018, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 8 khai mạc tại Hà Nội với chủ đề Nữ khoa học vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Hội nghị do Hội LHPN Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học nữ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; mở rộng cơ hội hợp tác; qua đó tăng cường sự đóng góp của các nhà khoa học nữ vào sự phát triển chung của xã hội.

Tham dự Hội nghị có GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Doan – Nguyên UV BCH TW Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam,Chủ tịch Danh dự Hội Nữ Trí thức, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam; bà Gail G. Mattson – Chủ tịch Mạng lưới quốc tế các nhà khoa học và kỹ thuật nữ; bà Chia-Li Wu – Chủ tịch Mạng lưới các nhà khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APNN); Bà Han Miyong - Chủ tịch Hiệp hội các nhà nữ sáng tạo và doanh nhân thế giới; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các nữ đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế và gần 150 nhà nữ khoa học trong mạng lưới APNN.

 Ảnh minh họa

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nồng nhiệt chào đón các đại biểu đến tham dự Hội nghị


Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nồng nhiệt chào đón các đại biểu đến tham dự Hội nghị, đặc biệt là các nhà khoa học nữ APNN. Xác định cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm thay đổi cơ bản cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học nữ giữ một vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định vào sự phát triển toàn diện, bền vững của mỗi quốc gia”. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam hy vọng, Hội nghị sẽ khơi gợi những ý tưởng mới, nguồn cảm hứng mới để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.


 Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị


Đánh giá cao mục tiêu của Mạng lưới quốc tế quốc tế các nhà khoa học nữ, TS. Trần Văn Tùng – Thứ trưởng, Trưởng ban Vì sự Tiến bộ phụ nữ Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: Phụ nữ có tiếng nói quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt lĩnh vực khoa học và công nghệ với những chủ đề như môi trường, phát triển bền vững, bình đẳng giới và khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo… Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị bỏ lại phía sau, vì thế, vai trò của các nhà khoa học nữ là vô cùng quan trọng. Ngoài việc trực tiếp đóng góp cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, các chị là những tấm gương khuyến khích cho các em gái học các môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) nhằm thích ứng với những sự thay đổi của xã hội.

 Ảnh minh họa

Từ trái sang, Phó Chủ tịch Hội LHPN Bùi Thị Hoà, Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam Phạm Thi Trân Châu và đại biểu dự Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 8 


Tự hào về đội ngũ trí thức nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ với bạn bèn quốc tế: Nhiều thập kỷ qua Việt Nam đã kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, có các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ khoa học nữ. Đội ngũ nữ trí thức đã từng bước trưởng thành, tỷ lệ nhà khoa học nữ ngày càng tăng, từ 41,6% (năm 2011) lên 44,9% (năm 2015). Năm 2014, tỷ lệ nữ thạc sĩ là 43%, nữ tiến sĩ và tiến sĩ khoa học là 21%; giai đoạn 2012-2016 tỷ nữ giáo sư, phó giáo sư là 24,6%. Việt Nam có nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc, có công trình nghiên cứu khoa học làm cơ sở hoạch định chính sách và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng là vô cùng qua trọng và to lớn. Phụ nữ, bình đẳng giới ở Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.


 Ảnh minh họa

 GS.TS. Chia-Li Wu - Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á – Thái Bình dương (APNN) đánh giá cao công tác tổ chức và sự đón tiếp của Hội LHPN Việt Nam và Hội Nữ trí thứcViệt Nam.


Thay mặt đại biểu Quốc tếđến từ Mạng lưới APNN, GS.TS. Chia-Li Wu - Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á – Thái Bình dương (APNN) đánh giá cao công tác tổ chức và sự đón tiếp của Hội LHPN Việt Nam và Hội Nữ trí thứcViệt Nam. Bà Chia-Li Wu cho biết, đây là Hội nghị có đông và đa dạng đại biểu quốc tế tham dự nhất trong các kỳ Hội nghị APNN đã được tổ chức.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, từ 18-19/10.Tại phiên toàn thể ngày 18/10, đại biểu sẽ được nghe báo cáo hoạt động của các thành viên APNN, thảo luận các hoạt động chung của Mạng lưới và chia sẻ của một số diễn giả khách mời ngoài khu vực. 3 phiên hội thảo chuyên đề song song (ngày 19/10) tập trung thảo luận các chủ đề: Giới và bình đẳng giới trong khoa học công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.Đây là những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của khu vực và quốc tế, đồng thời cũng nằm trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.


Trong khuôn khổ Hội nghị, diễn ra Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm “Phụ nữ trong Khoa học và Sáng tạo”. Triển lãm giới thiệu một số sản phẩm khoa học công nghệ và sáng tạo của phụ nữ Việt Nam, minh chứng cho sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam nói chung và các nhà nữ khoa học, sáng tạo nói riêng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Ảnh minh họa
 Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và các đại biểu tham quan triển lãm “Phụ nữ trong Khoa học và Sáng tạo”.

Hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội thể hiện sự cam kết của các thành viên Mạng lưới INWEST – APNN trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác, kết nối, thúc đẩy và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học nữ nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của khu vực và thế giới, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Bên lề Hội nghị, đại biểu quốc tế sẽ tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chiều 18/10, tham quan Di sản Văn hoá và thiên nhiên Thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình ngày 20/10/2018.

Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APNN) do Mạng lưới quốc tế các nhà khoa học và kỹ thuật nữ thành lập vào năm 2011. Hiện nay APNN đã có các thành viên thuộc 13 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Thành viên APNN của Việt Nam là Hội Nữ trí thức Việt Nam, tham gia từ năm 2013.

Hội nghị APNN được tổ chức thường niên nhằm tạo điều kiện cho các thành viên APNN trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực và vai trò của các nhà khoa học nữ trong phát triển kinh tế - xã hội.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video