Khuyết tật thân thể chứ nhất định không khuyết tật tâm hồn

13/07/2020
"Không ai có thể giúp mình ngoài chính bản thân mình, mình khuyết tật thân thể chứ nhất định không để khuyết tật tâm hồn" là câu nói được chị Đặng Thị Thơm, phố Khu Tây, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình thường xuyên nhắc tới.
Chị Đặng Thị Thơm tại xưởng may của gia đình

Quan điểm sống này đã tạo cho chị sức mạnh để vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Bởi lẽ, làm giàu đối với một người khỏe mạnh bình thường đã khó, thì đối với vợ chồng chị còn là cả một nghị lực phi thường.

Chị Thơm sinh ra đã mắc khuyết tật bẩm sinh khiến cơ thể chậm phát triển, vận động khó khăn. Chị kết hôn cùng chồng cũng là người khuyết tật câm điếc. Cuộc sống tuy vất vả trăm bề nhưng chị luôn cảm thấy mình thật may mắn khi sinh được 2 con trai và 1 con gái đều lành lặn, khỏe mạnh.

Sức khỏe khá hơn chồng, mọi việc trong gia đình đều do chị Thơm lo liệu. Thu nhập cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, trong khi các con mỗi ngày một lớn, chi phí học hành cho con, chi tiêu trong gia đình ngày càng tăng. Chị luôn băn khoăn trăn trở phải làm gì để tạo được việc làm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, tạo điều kiện tốt nhất cho con ăn học.

Thường xuyên tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, chị được nghe tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, những chính sách của địa phương tạo điều kiện cho người khuyết tật thực hiện các mô hình kinh tế. Được chị em trong chi hội quan tâm động viên, chia sẻ chị càng khát khao vươn lên thoát nghèo.

Năm 2002, được chi hội phụ nữ phố tạo điều kiện cho vay vốn, chị mở một tiệm may nhỏ tại nhà, tạo thêm việc làm cho chồng và tiện cho việc chăm sóc con nhỏ. Thời gian đầu, anh chị chỉ nhận sửa chữa, gia công các sản phẩm may mặc. Sau này, nhờ sự cần cù chịu khó, ham học hỏi, tay nghề ngày càng vững, chị nhận may trang phục cho người dân trong khu phố. Công việc của gia đình chị ngày một phát triển, lại được chị em ủng hộ, có đơn hàng đều đặn đã giúp thu nhập cải thiện rõ rệt.

Được tiếp động lực, chị mạnh dạn đề xuất và được Hội Phụ nữ thị trấn Yên Ninh hỗ trợ cho đi tham quan, học hỏi các mô hình HTX may mặc trong và ngoài tỉnh; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ quỹ cho vay hộ nghèo phát triển kinh tế.

Có vốn, chị đầu tư mở rộng nhà xưởng và mua thêm 30 chiếc máy may công nghiệp chuyên gia công hàng may mặc cho Công ty may Vĩnh Oanh (Nam Định). Tổ hợp tác may của gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 16 - 20 lao động, chủ yếu là phụ nữ khuyết tật với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, chị nhận may thêm khẩu trang chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, chị bước đầu mở rộng kinh doanh thêm một số ngành nghề khác như: cơ khí, thủ công mỹ nghệ... Mỗi năm trừ chi phí, trung bình gia đình chị thu lãi từ 180-200 triệu đồng/năm. Các con chị đều đã học xong đại học, có nghề nghiệp ổn định và xây dựng nhà cửa khang trang.

Tấm gương vượt khó của chị Đặng Thị Thơm đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em phụ nữ đặc biệt là người khuyết tật tại địa phương vượt qua chính mình, vươn lên trong cuộc sống.

Khánh Ly

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video