Lâm Đồng: tích cực tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền cho phụ nữ

22/10/2021
Những năm qua, Hội LHPN các cấp với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới đã triển nhiều hoạt động phong phú và đạt những hiệu quả tích cực.
Gặp mặt nữ lãnh đạo quản lý tỉnh Lâm Đồng (ảnh tư liệu tháng 10/2019)

Điều này tạo thuận lợi cho phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tích cực tham gia các lĩnh vực đời sống xã hội. Qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia hoạt động trong mọi lĩnh vực.

5 năm qua các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua tập huấn, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép tuyên truyền nội dung Bình đẳng giới trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, chi, tổ Hội, tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật về bình đẳng giới, trợ giúp pháp lý..., qua đó góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động về Bình đẳng giới; tạo niềm tin tưởng, phấn khởi trong các tầng lớp phụ nữ và nhân dân về sự công bằng, bình đẳng.

Thực hiện quyền bình đẳng nam-nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực kinh tế, các cấp Hội vận động nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống và nâng cao địa vị kinh tế của người phụ nữ trong gia đình. Điểm nổi bật qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ PN khởi nghiệp”, giai đoạn 2017-2025 đã có 292 ý tưởng tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh, có 28 ý tưởng tham gia dự thi cấp TW, trong đó có 07 ý tưởng đạt giải cao và được TW Hội cấp vốn 400 triệu đồng. Ngoài ra, để chủ động nguồn vốn Hội phụ nữ huyện Bảo Lâm, Đơn Dương, Đam Rông, TP Bảo Lộc, TP Đà Lạt đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương, xây dựng Quỹ tiết kiệm hỗ trợ PN khởi nghiệp số tiền 830 triệu đồng, hỗ trợ 145 hội viên phụ nữ khởi nghiệp; trao 140 mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… thành lập 07 hợp tác xã, 73 tổ hợp tác, 26 tổ liên kết ,xây dựng nhiều mô hình kinh tế phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa phương tạo điều kiện cho chị em hỗ trợ lẫn nhau để sản xuất, kinh doanh.

Hội LHPN các cấp đã ký kết với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội, tranh thủ các chương trình dự án… Tổng các nguồn vốn vay dư nợ do Hội quản lý đến nay trên 1400 tỷ đồng cho gần 40 ngàn người vay. Việc hỗ trợ vốn vay kết hợp với chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho hội viên phụ nữ đặc biệt là phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số có việc làm ổn định góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong xã hội, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh đã làm cầu nối thành lập được 01 CLB Doanh nhân tỉnh có 55 thành viên, từ khi thành lập tới nay CLB đã có nhiều hoạt động đóng góp trong phong trào phụ nữ.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh chụp hình lưu niệm với các học viên tham gia lớp tập huấn

Để đảm bảo bình đẳng giới trong phát triển văn hóa, xã hội, các cấp Hội đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan chức năng nhằm đảm bảo việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc CKSS-KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn”, chiến dịch “chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ”, tuyên truyền không vi phạm chính sách dân số và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục duy trì và phát triển mới các mô hình giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mô hình Nuôi con khỏe, dạy con ngoan,mô hình “Tiết kiệm tặng thẻ bảo hiểm cho hội viên, phụ nữ khó khăn”…

Các “Địa chỉ tin cậy”, “Nhà tạm lánh”, góc tư vấn của Hội đã góp phần hỗ trợ, tư vấn giúp các nạn nhân bị bạo lực gia đình; nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong nhiệm kỳ này, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp được quan tâm, nữ đại biểu hội đồng nhân cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 34,85%, cấp huyện 29,81%, cấp xã, phường, thị trấn chiếm tỷ lệ 26,84%. Từ việc cán bộ nữ được tham gia Cấp ủy, Đoàn Đại biểu Quốc Hội, HĐND, giữ chức vụ trưởng phó các ban ngành, đoàn thể đã đại diện cho các tầng lớp phụ nữ nói lên được tiếng nói của mình, là cầu nối mang tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của chị em đến với cấp ủy, chính quyền. Trong quá trình tham gia các Ban chỉ đạo, cán bộ Hội các cấp đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, có những đề xuất kịp thời giúp chính quyền giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương. Một số chính sách đối với phụ nữ do Hội đề xuất đã được phê duyệt và thực hiện, trong đó có chính sách về đào tạo cán bộ nữ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ cấp huyện và cơ sở…

Với những  nỗ lực tham mưu không ngừng  nghỉ trong việc cải thiện chính  sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, các cấp hội phụ nữ Lâm Đồng  đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia hưởng lợi trên các lĩnh vực của đời sống.

 

Đàm Diệu Thuần

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video