Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam tham gia giao lưu trực tuyến "Ngày hội non sông"

20/05/2016
Ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ (2016- 2021), ngày 18/5, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Ngày hội non sông”. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết đại diện Hội LHPN Việt Nam đã tham gia Chương trình.

Khách mời của cuộc giao lưu còn có ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ủy viên Tiểu ban Văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền, Hội đồng bầu cử Quốc gia; ông Trần Đình Long - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Buổi giao lưu đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. Các câu hỏi tập trung chủ yếu vào việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử, công tác hiệp thương; công tác vận động, giám sát bầu cử, chất lượng các ứng cử viên... 

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động của các cấp Hội LHPN Việt Nam trong công tác chuẩn bị bầu cử, hỗ trợ nữ ứng cử viên nữ….

Trả lời câu hỏi về việc Hội phụ nữ các cấp đã tuyên truyền như thế nào để động viên các tầng lớp nhân dân đi bỏ phiếu với tỷ lệ cao, theo đúng quy định của luật, Phó Chủ tịch cho biết, các cấp Hội đã triển khai nhiều hình thức để tuyên truyền tới hội viên phụ nữ trong cả nước như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng tài liệu tuyên truyền về công tác bầu cử trong tờ thông tin phụ nữ số 8/3, xây dựng tài liệu sinh hoạt hội viên dưới dạng hỏi đáp... Bên cạnh đó, Trung ương Hội còn phát hành sản phẩm truyền thông bằng quạt giấy để tuyên truyền những nội dung cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Các cấp Hội ở địa phương tổ chức hội đàm, hội thảo, gặp gỡ các nữ ứng cử viên, giao lưu văn nghệ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu luật, in ấn các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về bầu cử. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, các cấp Hội phối hợp với Bộ đội biên phòng để tuyên truyền, vận động chị em tích cực tham gia bầu cử như tiếp xúc cử tri, trực tiếp đi bỏ phiếu...

 Ảnh minh họa

Giao lưu trực tuyến "Ngày hội non sông"


Liên quan đến những vấn đề giám sát bầu cử của Hội LHPN, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết thông tin: Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định việc giám sát công tác bầu cử là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong quá trình bầu cử. Vì thế, TW Hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Trong đó, có phối hợp giám sát trong quá trình thực hiện công tác bầu cử. Trung ương Hội đã tham gia Đoàn giám sát do Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổ chức chủ trì tại 5 tỉnh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng. TW Hội LHPN Việt Nam cũng tổ chức giám sát tại 9 tỉnh. Qua giám sát cho thấy, ở các địa phương, Ban Chỉ đạo, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử đa số đều có đại diện của Hội phụ nữ tham gia làm thành viên; tỷ lệ phụ nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản đạt tỷ lệ theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để Hội LHPN các cấp thực hiện tốt việc tham gia công tác bầu cử theo chức năng, nhiệm vụ; việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là phụ nữ đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Nhiều người tham gia giao lưu cũng bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng nữ ứng cử viên và tâm lý ngại bầu cho ứng cử viên nữ vì sợ họ không quyết đoán, ít thời gian dành cho công việc, lo ngại phụ nữ vất vả khi phải đảm đương cả việc nước và việc nhà… Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết thẳng thắn chia sẻ: Cử tri có quyền bầu cho ứng cử viên mà họ thấy đủ tài, đủ đức, có thể làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích của mình tại diễn đàn Quốc hội và HĐND. Cử tri nào không bầu cho ứng cử viên chỉ vì giới tính của họ thì đã vi phạm Luật bình đẳng giới (điều 10 nêu rõ Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức là hành vi bị nghiêm cấm), cử tri đó đã không làm tốt trách nhiệm của công dân như quy định ở điều 34 Luật Bình đẳng giới là “Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các hành vi đúng mực về bình đẳng giới; Phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới”. Phó Chủ tịch khẳng định, khi phụ nữ tham chính, họ không chỉ đại diện cho giới mình mà còn đại diện cho trẻ em. Vì thế, để có được những quyết sách cân bằng cho cả hai giới, quá trình ra quyết định các cấp cần thiết có nhiều đại biểu nữ.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết cũng nêu rõ: nữ đại biểu QH không hề thua kém các nam đại biểu trong tham gia hoạt động QH. Điều này được khẳng định trong nghiên cứu của cơ quan phát triển LHQ (UNDP) sau khi họ đọc và phân tích kỹ các bài phát biểu của nữ ĐHQH. Cụ thể là tỷ lệ bài phát biểu trên 1 đại biểu nữ là 7,2 trong khi ở đại biểu nam là 6,38. 98% phát biểu của ĐBQH nữ có kiến thức chuyên môn (của nam là 95%) và tỷ lệ bài có liên quan đến phụ nữ là 10% trong khi con số này ở nam giới là 7%.

Phó Chủ tịch bày tỏ mong muốn các cử tri sẽ nghiên cứu kỹ bản tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên; tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri, tham gia các cuộc mạn đàm tiểu sử các ứng cử viên nơi cư trú để cử tri có thông tin đầy đủ khi đi bầu cử.

Diệu Linh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video