Lào Cai: Phát huy nét văn hóa ẩm thực và sản phẩm thổ cẩm của đồng bào vùng cao

26/09/2021
Vượt qua những rào cản với một phụ nữ người dân tộc thiểu số vùng cao, chị Sùng Thị Lan (Sa Pa, Lào Cai) đã vươn lên khẳng định bản thân, tự lập trong cuộc sống và góp phần giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông, dân tộc Giáy ở Lào Cai.
Chị Sùng Thị Lan (Sa Pa, Lào Cai) vươn lên khẳng định bản thân, tự lập trong cuộc sống và góp phần giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông, dân tộc Giáy ở Lào Cai.

Là người dân tộc Mông, sinh ra tại thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, chị Sùng Thị Lan, sinh năm 1988, đã sớm phải đối mặt với cuộc sống thiếu thốn từ cái ăn đến cái mặc. Thế nhưng, vượt qua đại ngàn sương gió khắc nghiệt, chị Lan vẫn bền bỉ cắp sách tới trường, trở thành một trong số ít người dân tộc thiểu số ở thôn chị và ở lứa tuổi của chị học được đến hết lớp 10.

Tuy nhiên, cũng như nhiều cô gái vùng cao khác, chị Lan lấy chồng sớm, sinh con, gác lại bao ước mơ chưa thực hiện được. Sau ba năm lấy chồng, chị Lan sinh được hai con. Thế nhưng, mang theo khát khao vượt qua số phận, vượt qua những hạn chế về tập tục, chị Lan "một nách hai con" tiếp tục học bổ túc văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa). Cầm tấm bằng tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên huyện Sa Pa vào năm 2014, chị nung nấu ý định phải vươn xa hơn.

Chị Sùng Thị Lan (bên trái) cùng chị em xã viên Hợp tác xã Mường Hoa mang vải lanh nhuộm củ nâu đi phơi nắng

Sau khi tốt nghiệp, chị Lan làm việc tại xã Tả Van, trở thành Phó Chủ tịch Hội LHPN xã đầy nhiệt huyết. Đối với nhiều người thì đó là một niềm mơ ước, nhưng với chị Lan, điều đó là chưa đủ khi chị chưa thực sự làm giàu, chưa thực sự vươn xa hơn như mong muốn. Năm 2020, chị Lan quyết định nghỉ việc ở xã, tập trung vào công việc của Hợp tác xã Mường Hoa, nuôi dưỡng những khát khao vươn lên của người phụ nữ vùng cao.

Các sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã Mường Hoa

Lan tỏa tinh thần vượt khó

Gia đình chị Lan có 11 anh chị em. Bố mẹ chị sinh nhiều con nên gia cảnh khó khăn. Còn chồng chị là người dân tộc Giáy, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vợ chồng đều xuất thân nghèo khó nên chị Lan càng hiểu và cảm thông với những khó khăn, vất vả của phụ nữ vùng cao. Vì thế, chị Lan quyết định làm gì đó cho bản thân, cho gia đình và cho những người phụ nữ cùng hoàn cảnh.

"Do quan niệm nên phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao thường ít có tiếng nói trong gia đình nên chịu nhiều thiệt thỏi. Trước đây, nếu như họ muốn làm điều gì đó nhưng không được sự cho phép của chồng, bố chồng, anh chồng… thì đều không được làm. Nếu ai đó làm theo ý mình thì bị gia đình chồng coi như đối đầu, khiến cuộc sống vô cùng chật vật. Bên cạnh đó, họ còn sinh con đẻ cái quá nhiều khiến cuộc sống đã nghèo càng thêm nghèo", chị Lan chia sẻ.

Từ một cô gái dân tộc nghèo khó, chị Sùng Thị Lan đã vươn lên trở thành một người độc lập cả trong cách nghĩ, cách làm và trong cuộc sống

Vì thế, chị Lan muốn thoát nghèo, muốn vươn lên, để xã hội nhìn nhận, từ đó lan tỏa tinh thần vượt khó, làm chủ tới nhiều phụ nữ khác. Một trong những ý tưởng làm kinh tế, thoát nghèo mà chị Lan hướng đến là tận dụng thế mạnh thổ cẩm của người dân tộc thiểu số và thế mạnh của vùng du lịch Sa Pa.

"Chị em dệt ra thổ cẩm mà không có nơi để bán ổn định, tự phải tìm cách tiêu thụ bằng đeo bám mời chào khách du lịch. Hình ảnh này khiến cho xã hội có cái nhìn tiêu cực về phụ nữ dân tộc thiểu số, khách du lịch cũng tỏ thái độ khó chịu khi bị đeo bám để mời mua hàng, dẫn đến hình ảnh không đẹp của quê hương. Vì vậy, tôi luôn mong muốn mình có thể làm được gì đó đồng hành cùng bà con trong việc tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm, giúp chị em có một "điểm tựa" để phát triển kinh tế trên chính bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc mình", chị Lan cho biết.

Theo chị Lan, phát triển nghề thổ cẩm là thế mạnh của vùng đất Sa Pa. Bởi ngoài kinh nghiệm dệt thổ cẩm được truyền từ đời này sang đời khác, nơi đây còn là vùng nguyên liệu dồi dào để dệt thổ cẩm. Hơn nữa, dòng sản phẩm này ít rủi ro bởi không hỏng hóc khi bị tồn hàng trong thời gian dài. Một phần làm kinh tế, một phần chị Lan cũng muốn góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc và nghề truyền thống của dân tộc Mông.

Từ một cô gái dân tộc nghèo khó, chị Sùng Thị Lan đã vươn lên trở thành một người độc lập cả trong cách nghĩ, cách làm và trong cuộc sống. Không chỉ nhanh nhạy tận dụng ưu thế của địa phương để phát triển kinh tế, chị Sùng Thị Lan còn khiến nhiều người ngạc nhiên với khả năng tiếp cận công nghệ của mình.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm, chị Lan muốn góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông

Chị Lan cho biết, ngoài việc không ngừng duy trì sản xuất, cải tiến sản phẩm, chị sẽ chuyển đổi từ kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh số. Chị đã có kế hoạch theo học các lớp chuyên sâu xây dựng website đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Shopee.vn, Voso.vn, Sendo.vn… và định hướng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Để thực hiện được kế hoạch, hiện chị Lan cùng chị em xã viên của Hợp tác xã tham gia các lớp học online. Bản thân chị cũng đang theo học lớp may đo trang phục tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề tỉnh Lào Cai. "Tôi mong muốn sau lớp học thiết kế thì cách may và phối ghép màu sắc sản phẩm sẽ phù hợp với xu thế thị trường hiện tại hơn", chị Lan chia sẻ.

Trong hành trình của tour du lịch mà chị Lan xây dựng và dự định triển khai thời gian tới, không thể thiếu việc bày bán và giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm của chị em người dân tộc thiểu số

Hiện chị Lan đang xây dựng một thương hiệu để phát triển kinh doanh, mang đậm bản sắc dân tộc, bao gồm bản sắc văn hóa dân tộc Mông; ẩm thực dân tộc Giáy; tour trải nghiệm về các hoạt động liên quan đến sản phẩm thổ cẩm dân tộc Mông và ẩm thực dân tộc Giáy; du lịch trải nghiệm cảnh quan tự nhiên Bãi bằng tại Tà Xùa, Tả Van, Sa Pa. Trong hành trình của tour du lịch này, không thể thiếu việc bày bán và giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm của chị em người dân tộc thiểu số. Từ nguồn thu bán sản phẩm, sẽ giúp chị em có thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho bản thân và gia đình.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video