Lồng ghép giới trong xây dựng chính sách luật pháp – biện pháp quan trọng bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ

03/09/2020
Hội thảo – tập huấn về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức diễn ra trong 2 ngày (3-4/9/2020) nhằm thực hiện trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN trong công tác xây dựng luật pháp, chính sách với sự tham gia của đại diện các ban, đơn vị TW Hội và Hội LHPN 10 tỉnh, thành phía Bắc.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa giảng bài tại chương trình hội thảo- tập huấn

Chương trình hội thảo tập trung bàn về các vấn đề: Quy trình về lồng ghép giới (LGG) trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Sự tham gia của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong quy trình LGG vấn đề bình đẳng giới (BĐG) trong đề xuất chính sách, luật pháp (CSLP); Kỹ năng phát hiện vấn đề giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và kinh nghiệm trong tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dưới góc độ giới.

Trình bày về chuyên đề Quy trình về LGG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bà Nguyễn Thị Kỳ, nguyên Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử - Văn phòng Quốc hội nêu rõ, LGG là biện pháp quan trọng để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, là quá trình đưa yếu tố giới vào CSLP ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; Là cách thức đưa quan điểm bình đẳng giới vào các thiết chế, chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển của xã hội và cộng đồng nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp với đặc thù của mỗi giới; tạo cơ hội phát triển như nhau cho nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ.

Bà Nguyễn Thị Kỳ trao đổi tại chương trình hội thảo- tập huấn

Bà Kỳ cho biết, mặc dù đã có những cơ sở pháp lý để thực hiện LGG trong xây dựng CSLP nhưng vấn đề LGG trong công tác xây dựng CSLP tại Việt Nam hiện nay đang gặp những khó khăn, thách thức như: Sự khác biệt trong nhận thức và thiếu khái niệm và LGG trong hoạt động xây dựng CSLP; Thiếu sự quan tâm của cơ quan chủ trì soạn thảo, thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia am hiểu về giới và LGG, thiếu số liệu phân tách giới nên làm cho việc nhận biết vấn đề giới gặp nhiều khó khăn; thiếu sự tham vấn ý kiến của người dân, ý kiến của cơ quan phản biện theo luật định, kinh phí dành cho hoạt động LGG...

Trong bài giảng Sự tham gia của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong quy trình LGG vấn đề bình đẳng giới (BĐG) trong đề xuất CSLP, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa đã tập trung làm rõ các vấn đề về căn cứ chính trị và pháp lý; Các hình thức, quy trình, điều kiện để Hội LHPN Việt Nam tham gia LGG trong đề xuất CSLP.

Theo đó, Hội LHPN Việt Nam tham gia quy trình LGG trong đề xuất CSLP thông qua các hình thức:  Là chủ thể đề nghị, trình văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết; Trực tiếp tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập; Tham gia góp ý, phản biện xã hội vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VB QPPL). TW Hội LHPN Việt Nam tham gia theo cách thức quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh theo Luật Ban hành VB QPPL; Hội LHPN cấp tỉnh tham gia vào quy trình xây dựng, ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và vai trò của Hội LHPN tham gia trong quá trình xây dựng, ban hành nghị quyết theo quy định của Luật VB QPPL.

Các đại biểu tham gia chương trình hội thảo- tập huấn

Từ quá trình vận động LGG của Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bùi Thị Hòa chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua như: Chú trọng công tác nghiên cứu, giám sát, phát hiện vấn đề; Chủ động nghiên cứu, thu thập thông tin từ góc độ giới cũng như ý kiến của phụ nữ, hội viên, cán bộ Hội để phục vụ cho các đề xuất về LGG; Xây dựng mạng lưới chuyên gia về giới, có am hiểu các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ Hội có kiến thức, kỹ năng LGG để nâng cao vai trò, tiếng nói của Hội trong quá trình góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo VB QPPL, đồng thời theo dõi xuyên suốt quá trình tiếp thu các ý kiến phản biện của Hội; Sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các cấp Hội với các cơ quan chức năng...

Tại chương trình hội thảo – tập huấn, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận nhóm về các vấn đề: Làm thế nào để LGG được thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành; Những khó khăn đang đặt ra trong thực hiện phản biện xã hội vào các dự án luật về LGG; Các yếu tố đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm giảm dần khoảng cách giới trong hệ thống chính trị...

Các đại biểu chia sẻ tại chương trình hội thảo- tập huấn

Chương trình hội thảo - tập huấn với nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa thiết thực cao đối với đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt là cấp TW và cấp tỉnh nhằm thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của Hội LHPN trong công tác xây dựng, phản biện, giám sát nhằm đảm bảo LGG thực chất trong xây dựng CSLP tại Việt Nam.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video