Luật có đủ răn đe?

30/09/2016
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng những vụ án người thân, trong đó có cả cha ruột, hiếp dâm trẻ em là do quy định của pháp luật đối với hành vi này chưa đủ nghiêm khắc.

Tuyên truyền pháp luật còn yếu

Kẻ xâm hại trẻ em tùy từng tính chất, mức độ, lứa tuổi của trẻ, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và cũng tùy từng tội danh cũng như tính chất mức độ tương ứng của hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội phải nhận mức hình phạt khác nhau. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định cụ thể về từng tội danh liên quan đến việc xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) như: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146); Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147)…

Đối với đối tượng, đặc biệt đối tượng là người thân phạm tội Hiếp dâm trẻ em, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh phải chịu trách nhiệm hình sự thì cần thiết phải có tình tiết tăng nặng.

Tuy nhiên, luật sư Vũ Văn Thiệu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: “Những đối tượng là bố (hoặc người thân) có hành vi XHTDTE không phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự về hành vi này vì theo quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS năm 2015: “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”.

Cụ thể, nếu đối tượng là bố hoặc người thân cùng dòng máu về trực hệ thực hiện hành vi XHTDTE sẽ bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt là “có tính chất loạn luân” (đối với các Điều 142, 144, 145 BLHS), hoặc “Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh” (đối với các điều 146, 147). Điều 184 BLHS năm 2015 quy định về “Tội loạn luân” như sau: “Người này giao cấu với người mà biết rõ người đó có cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Nếu đối tượng là người thân-không cùng dòng máu về trực hệ cũng không phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự về hành vi này vì độ tuổi của trẻ em đã được quy định là dấu hiệu định tội…

Nhiều ý kiến cho rằng, những vụ án hiếp dâm trẻ em liên tục tăng trong thời gian gần đây là do quy định của pháp luật đối với hành vi này chưa đủ nghiêm khắc. Theo luật sư Vũ Văn Thiệu: “Hình phạt theo quy định của pháp luật hiện nay về loại tội phạm XHTDTE là phù hợp, đã đủ sức răn đe. Tuy nhiên, loạt tội phạm này ngày càng nhiều, nhất là ở miền núi, vùng nông thôn. Tại những khu vực này, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, trẻ em bị xâm hại bị đe dọa nên sợ không dám nói ra. Thậm chí, trong nhiều vụ án, người lớn còn chẳng bận tâm để rồi bỏ qua cho kẻ phạm tội, dù trước đó đã nghe con em mình kể đã bị ai đó dâm ô, xâm hại. Tâm lý phụ huynh thường nghĩ rằng “chuyện đó không thể xảy ra” hoặc sợ xấu hổ hoặc vì lý do nào đó nên dễ đi đến thỏa hiệp và kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”.

Theo luật sư Thiệu, cách tốt nhất để phòng ngừa tội phạm hiếp dâm trẻ em là phải mở rộng tuyên truyền pháp luật tới từng bản, làng. Tại địa phương, vụ việc liên quan đến XHTDTE cần được cơ quan có thẩm quyền cho xét xử lưu động để đông đảo người dân được xem. Khi được mắt thấy, tai nghe hình phạt phải gánh chịu nếu thực hiện hành vi XHTDTE, loại tội phạm này có thể phần nào được phòng ngừa.

“Hổng” kiến thức về giới tính

Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng, Cục bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, cho rằng: Hiện nay, bản thân các bậc phụ huynh cũng chưa nhận biết được nguy cơ cao là con mình sẽ bị xâm hại. Bản thân các em cũng chưa được nhà trường và phụ huynh trang bị những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình. Biện pháp thiết yếu và để ngăn ngừa việc trẻ bị xâm hại tình dục là hỗ trợ kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình. Biện pháp thiết yếu và để ngăn ngừa việc trẻ em bị xâm hại tình dục là hỗ trợ kiến thức để phụ huynh bảo vệ trẻ em. “Phụ huynh phải dạy con những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, không được để người lạ sờ vào, không đi về khuya, không đi vào chỗ tối…để phòng ngừa các nguy cơ. Quan trọng nhất trong bảo vệ trẻ em vẫn là phòng ngừa, sau đó mới đến vấn đề can thiệp về y tế. Chúng ta cũng cần chấn chỉnh, sửa đổi lại luật pháp với các quy định nghiêm minh hơn. Ví dụ các đối tượng XHTDTE phải có mức án thật nghiêm khắc”, ông An cho biết.

TS Nguyễn Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (trường ĐH Sư phạm Hà Nội), tỏ ra lo ngại khi giáo dục về giới tính ở học sinh Việt Nam gần như bằng 0. Bà Thu Hương cho rằng, học sinh hiện nay dậy thì và tò mò về giới tính khá sớm, trong khi bài học đầu tiên trong sách Khoa học lớp 5 là quá muộn và không đủ cung cấp kiến thức, kỹ năng lẫn cách xử lý cho các em khi có nguy cơ hoặc bị xâm hại. Không chỉ nhà trường, chính phụ huynh cũng đang xem nhẹ việc dạy giới tính cho con em mình. Theo TS Hương, trẻ lên 3 đi học mầm non, mẹ đã cần dạy cho con nhận biết được những vùng cấm trên cơ thể. Theo nguyên tắc đồ lót, khu vực mặc đồ lót là cấm kị, không cho người khác chạm vào. Ai đụng vào thì đó là người xấu, ngay cả khi đó là người thân. Bố hay bác sĩ muốn động vào khu vực này phải được sự đồng ý của con.

Khi, trẻ học lớp 1, cần biết em bé được tạo ra như thế nào. Học sinh lớp 2-3 cần được biết về dậy thì, cơ thể phát triển ra sao, kinh nguyệt là gì, những vấn đề gặp phải khi đến tuổi dậy thì. Con vào lớp 4-5, mẹ có thể cho xem những clip về bệnh lây qua đường tình dục, cách phòng tránh thai, quan hệ tình dục khi còn là trẻ em thì hậu quả ra sao. Học sinh lớp 6, 7, 8, 9 tiếp cận ở mức độ cao hơn như đặt ra các tình huống về tình yêu, tình dục để các em xử lý hoặc vấn đề lớn hơn như hôn nhân cận huyết có ảnh hưởng như thế nào đến thế hệ tương lai. Khi bước vào bậc THPT, học sinh đã có được kiến thức về giới tính đầy đủ.

Theo số liệu công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Điều đáng nói là 93%nghi phạm trong các vụ xâm phạm tình dục trẻ em lại là những người thân quen của nạn nhân và gia đình.

Theo: PV, Báo PNVN- HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video