Mô hình tổ hợp tác trồng cà tím Nhật Bản của phụ nữ Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk

12/05/2020
Những năm gần đây, phụ nữ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng tới đưa vào sản xuất nhiều mô hình mới, nhiều cây giống mới mang lại giá trị kinh tế cao. Một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em làm giàu chính đáng là mô hình tổ hợp tác rau an toàn trồng cà tím nhật bản Senryo
Mô hình cà tím Nhật Bản của phụ nữ Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk

Chị Bùi Thị Phương, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết hiện nay, nhu cầu tiêu dùng cà tím Nhật Bản trên thị trường ngày càng được ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi và xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên tại tỉnh Đắk Lắk đã có một số nơi trồng cà tím Nhật Bản nhưng chưa thật sự phổ biến, số lượng còn ít, chưa đa dạng về chủng loại. Thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar có lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu phù hợp, giao thông được đầu tư nâng cấp thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa. Chính vì vậy, chị đã vận động hội viên phụ nữ trên địa bàn tham gia thành lập tổ hợp tác rau an toàn, với sản phẩm chủ yếu là trồng cà tím Nhật Bản. Tổ hợp tác có 10 thành viên tham gia.

Cà tím Nhật Nản là giống mới, đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cao, vì vậy chị Phương đã trực tiếp đi thực tế một số địa phương trong tỉnh để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và ký hợp đồng với Công ty TNHH Bảo An cung cấp cây giống, thuốc trừ sâu, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu thu mua sản phẩm.

Để cây cà tím cho năng suất và chất lượng cao, người trồng cần cày xới đất, trộn phân chuồng vào trong đất giúp tơi xốp, rồi tạo luống và phủ một lớp ni lông trên luống nhằm hạn chế cỏ dại và giữ được độ ẩm. Trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên cắt bỏ lá già, cành và quả sâu, bón phân, phun thuốc định kỳ cho cây để phòng trừ sâu bệnh. Các thành viên mô hình tự giác hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật của công ty. Nhờ vậy, cà tím quả to, bóng mượt, năng suất cao và được công ty thu mua đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, tổng diện tích trồng cà tím của mô hình gần 6ha, năng suất đạt hơn 100 tấn/ha, giá bán bình quân cho công ty thu mua đạt 7.000 đồng/kg.

Chị Bùi Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn Ea Pốk cho biết: Những năm qua, phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong tổ chức Hội phát triển khá mạnh mẽ với nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, thiết thực. Mô hình Tổ hợp tác rau an toàn đã phát huy được lợi thế tiềm năng về đất đai của gia đình các thành viên để sản xuất cà tím Nhật Bản cung cấp cho người tiêu dùng và xuất khẩu. Mô hình này đã thu hút hội viên phụ nữ trong thị trấn, tạo việc làm ổn định có thêm nguồn thu nhập, góp phần giải quyết bài toán việc làm cho hội viên phụ nữ ở khu vực nông thôn.

Vì vậy, cuối năm 2019, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn hỗ trợ mô hình sinh kế của TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã lựa chọn và hỗ trợ mô hình Tổ hợp tác Cà tím Nhật Bản số vốn 100 triệu đồng để đầu tư phát triển mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút phụ nữ tham gia, tiến tới thành lập hợp tác xã phát triển kinh tế trên địa bàn.

Thanh Huyền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video