Một người Australia viết sách về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

15/04/2005
Năm 2000, khi đến thăm Bảo tàng Quân đội Việt Nam, ông B.Gria, một kỹ sư xây dựng người Australia đã về hưu, vô cùng xúc động trước hình ảnh các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Và bốn năm qua, ông đã nhiều lần quay lại Việt Nam để tìm tài liệu hoàn thành cuốn sách về các mẹ, dự kiến được xuất bản trong năm nay.

Tôi gặp ông B.Gria thật tình cờ, khi cả hai cùng đến thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH) Nguyễn Thị Thứ ở Điện Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam). Đó là người đàn ông tuổi hơn 50, cao to, gương mặt đôn hậu, cởi mở.

 

Anh Hà Sáu, Chủ tịch xã Điện Thắng, giới thiệu: "Ông Gria đã đến đây nhiều lần. Không chỉ thăm mẹ Thứ, ông còn viết sách về mẹ". Đã có nhiều người nước ngoài đến thăm mẹ Thứ, có người tạc tượng mẹ, nhưng viết sách thì hình như chỉ có ông B.Gria. Trò chuyện cùng ông được biết hành trình viết sách của ông về mẹ Thứ và các mẹ anh hùng Việt Nam thật cảm động.

 

B.Gria sinh ra và lớn lên ở Nam Phi, là kỹ sư xây dựng. Về sau ông định cư tại Australia làm tư vấn tài chính cho các khu công nghiệp. Nghỉ hưu, đầu năm 2000 ông làm chuyến du lịch 15 ngày thăm Việt Nam. Điểm đầu tiên ông đến là Bảo tàng Quân đội, bởi nghĩ rằng nơi đây sẽ phản ánh đầy đủ con người Việt Nam anh hùng trong các giai đoạn đấu tranh cách mạng.

 

Vốn đa cảm, hình ảnh những người mẹ Việt Nam làm ông thực sự xúc động. Ông đã dừng rất lâu trước tượng mẹ Thứ. Người mẹ có chín con cùng một cháu ngoại, một con rể hy sinh vì Tổ quốc ấy, cứ choán hết tâm trí ông. Ông tìm hiểu kỹ chiếc nồi đồng huyền thoại mẹ từng nuôi cả đoàn quân chiến đấu, những thời điểm đau thương nhất của mẹ khi cùng lúc nhận ba giấy báo tử...

 

Về Australia trong những năm đó, ông dành nhiều thời gian tìm sách, báo viết về Việt Nam, huy động những người thân trong gia đình cùng giúp. Vợ ông làm trong một tổ chức từ thiện rất ủng hộ việc làm của chồng. Tuy nhiên, một số người trẻ tuổi không hiểu mấy về Việt Nam, hoài nghi những điều ông kể. Họ không tin nổi rằng trên thế giới này có những người mẹ vĩ đại như mẹ Thứ. Điều đó càng thôi thúc ông cầm bút.

 

Ông đăng ký in sách với một nhà xuất bản và được đồng ý. Vậy là từ năm 2000 đến nay, ông đã trở lại Việt Nam bốn lần, lần ở lâu nhất đến ba tháng. Cuối cùng ông đã có trong tay những thông tin về 11 mẹ còn sống tiêu biểu ở ba miền bắc, trung, nam. Hoàn cảnh anh hùng mỗi mẹ mỗi khác. Có mẹ mất chồng và hai con, có mẹ mất người con duy nhất, có mẹ mất đến bốn người con... Có mẹ còn khỏe tham gia nhiều hoạt động xã hội ở địa phương (mẹ Tuyết-Hà Nội), có mẹ bệnh tật, cuộc sống chỉ còn tính từng ngày (mẹ Gom-Củ Chi). Khi hỏi "Vì sao các mẹ chịu nhiều hy sinh mà vẫn sống thọ đến như vậy" , ông đã nhận được câu trả lời: "Mẹ phải sống để hương khói cho chồng và các con".

 

Chỉ cho tôi xem cuốn bản thảo viết tay dày cộp hàng trăm trang có hình ảnh 11 bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng những thông tin và cảm nghĩ về các mẹ, ông nói: "Cơ bản cuốn sách đã đầy đủ. Chuyến đi này là để bổ sung những chi tiết nhỏ còn băn khoăn. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nó trong năm 2005. Cách viết của tôi là lồng vào chân dung các bà mẹ Việt Nam anh hùng lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam".

Theo báo Quân đội nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video