Một số nội dung cơ bản của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

11/10/2006
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/06/2006 và thay thế Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ra đời, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị, trụ sở làm việc, nhà công vụ của cơ quan, tổ chức... tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm 11 chương, 86 điều với những nội dung cơ bản như sau:

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

Phạm vi điều chỉnh:trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước và tài nguyên thiên nhiên; trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Đối tượng áp dụng: các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách Nhà nước, lao động trong khu vực Nhà nước; tài nguyên thiên nhiên và các công dân, tổ chức khác.

7 lĩnh vực cơ bản thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

1. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí Ngân sách Nhà nước (Chương II) bao gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước; mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc; quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước cho hoạt động của cơ quan, tổ chức; quản lý, sử dụng kinhphí chương trình, mục tiêu, chương trình quốc gia, kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Trong đầu tư các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền, tài sản Nhà nước (Chương III) bao gồm việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch và danh mục dự án đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, thiết kế xây dựng công trình; lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán xây dựng công trình; lựa chọn nhà thầu, tổ chức tư vấn giám sát thực hiện dự án đầu tư; thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình; lựa chọn nhà thầu, tổ chức tư vấn giám sát việc thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình; cấp, thanh toán, quyết toán vốn cho dự án; bố trí nguồn vốn thực hiện dự án; tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình xây dựng.

3. Trong quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ của cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước và công trình phúc lợi công cộng (Chương IV) dựa trên cơ sở định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành; theo đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Công trình phúc lợi công cộng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích. Nếu việc quản lý, sử dụng gây lãng phí thì phải bồi thường và xử lý kỷ luật.

4. Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên (Chương V) bao gồm các hoạt động: quy hoạch, quản lý, sử dụng đất; quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng và các tài nguyên thiên nhiên khác. Bên cạnh đó, Luật còn quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tái chế, tái sử dụng tài nguyên và các nguồn năng lượng có thể tái tạo được.

5. Trong đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước (Chương VI). Việc đào tạo nguồn lực lao động; tuyển dụng; bố trí sử dụng cán bộ công chức, viên chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, yêu cầu và khối lượng công việc. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải chấp hành kỷ luật lao động có hiệu quả, không sử dụng vào việc riêng.

6. Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp (Chương VII). Đối với công ty Nhà nước, việc quản lý, sử dụng vốn và các quỹ; sử dụng đất, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản đất; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản cố định, vật tư và các tài sản khác; quản lý, sử dụng các khoản chi phí đều phải tiết kiệm.

7. Trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân (Chương VIII). Nhà nước khuyến khích toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng nhà ở, mua sắm phương tiện, thiết bị dùng cho đời sống sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày và trong việc cưới, tang, lễ hội hoặc các hoạt động văn hóa khác.

Các nội dung khác:

Ngoài ra Luật còn quy định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc cụ thể hóa, xây dựng và hướng dẫn Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;  quy định việc khiếu nại, tố cáo đối với những hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn chặn hành vi gây lãng phí ngân sách, lao động, thời gian lao động Nhà nước và tài nguyên thiên nhiên; quy định việc bồi thường thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra; các hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ...

Trung tâm Thông tin.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video