Một số vấn đề trong thực hiện chính sách hình sự Việt Nam về tội phạm xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em

15/11/2019
Tại hội thảo tham vấn triển khai Nghị quyết số 06/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 và tập huấn kỹ năng giải quyết các vụ việc xâm hại phụ nữ trẻ em do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14/11/2019, TS. Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã chia sẻ về vấn đề thực hiện chính sách hình sự Việt Nam về các tội phạm xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

TS. Lương Ngọc Trâm khẳng định, pháp luật hình sự Việt Nam quy định khá chi tiết và đầy đủ các tội danh và hình phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em. Liên quan đến tội phạm tình dục, Việt Nam có luật cơ bản là Bộ Luật Hình sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em. Qua đó thể hiện được tầm quan trọng, sự cần thiết chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, các ban ngành và toàn xã hội nhằm xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

TS. Lương Ngọc Trâm chia sẻ thông tin, từ 2014-2017, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 6.670 vụ với 7.149 bị cáo phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, đã xét xử, giải quyết 6.424 vụ với 6.886 bị cáo, đạt tỷ lệ 96,3%. Đã có 29 bị cáo bị xử tử hình và chung thân, xử phạt tù có thời hạn 4.527 bị cáo, xử án treo với 470 bị cáo; các bị cáo phạm tội chủ yếu trên 30 tuổi,  có 267 bị cáo từ 14 đến dưới 18 tuổi. Trong năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019, số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng giảm (xấp xỉ 1.000 vụ), tuy nhiên tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở thành thị lại có xu hướng gia tăng. Và hiện nay, vẫn còn khoảng 10% các vụ án xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em còn đang vướng mắc, chưa giải quyết được.

Trước thực trạng tình trạng tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội; cùng với việc triển khai các quy định của Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan và hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ngày 01/10/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142,143,144,145,146,147 của Bộ Luật hình sự, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Việc ra Nghị quyết này đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm cao và là hoạt động thiết thực, cụ thể của ngành Tòa án trong triển khai Chương trình phối hợp về Công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019-2022.

Đưa ra một số so sánh những điểm tương đồng và khác nhau giữa Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Việt Nam với Luật đặc biệt của Hàn Quốc (Luật xử phạt xâm hại tình dục, luật bảo vệ tình dục trẻ em và thanh thiếu niên), TS Lương Ngọc Trâm cho rằng, cả hai văn bản đều cụ thể hóa các quy định về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và mặc dù có những quy định khác nhau nhưng về bản chất thì các quy định này đều tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo lý, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp, công việc để xâm hại trẻ em.

 Ảnh minh họa

 Hội thảo tham vấn triển khai Nghị quyết số 06/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 và tập huấn kỹ năng giải quyết các vụ việc xâm hại phụ nữ trẻ em


Cũng theo TS Lương Ngọc Trâm, quá trình giải quyết các vụ án cụ thể xâm hại cụ thể đối với phụ nữ, trẻ em, một số vấn đề được đặt ra, đòi hỏi phải đáp ứng như: cần phải có đội ngũ điều tra viên thân thiện, phòng điều tra thân thiện, phòng xử thân thiện và thẩm phán chuyên trách; Đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cần có sự nhạy cảm, phát hiện kịp thời nạn nhân hoặc mẹ nạn nhân cần được hỗ trợ, giúp đỡ hoặc đang bị đe dọa hay mua chuộc, có biểu hiện bất thường về tâm sinh lý; đặc biệt là các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cần sự bản lĩnh đối với việc xác định và bảo vệ chứng cứ khách quan để buộc tội trong các vụ án bị cáo không nhận tội, không có người làm chứng...

TS Lương Ngọc Trâm cũng cho rằng, không nhất thiết chỉ phân công hoặc khuyến khích điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là nữ xét xử các vụ án xâm hại phụ nữ, trẻ em bởi thực tế lại cho thấy, các vụ án có nhiều thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên là nam thì quá trình giải quyết vụ án, việc lồng ghép giới, đảm bảo bình đẳng giới lại đạt kết quả rất tốt.

Sự phối hợp của các cơ quan tư pháp cần kịp thời, chặt chẽ, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan tổ chức có chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; đồng thời cần có một quy trình thủ tục tố tụng riêng biệt nhằm rút ngắn thời hạn điều tra truy tố xét xử các vụ án xâm hại phụ nữ, trẻ em so với quy trình tố tụng các vụ án bình thường.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn, đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cần được chú trọng cùng với tăng cường công nghệ thông tin, bổ sung các phương tiện hiện đại phục vụ giám định trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Đặc biệt, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp bởi thực tế cho thấy hiện nay, cán bộ Hội cơ sở vẫn còn thiếu chủ động trong nắm bắt thông tin về các vụ việc bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em tại địa phương, có vụ việc chỉ khi nạn nhân bị bạo hành ở trong tình trạng nguy kịch, phải đưa đi viện cấp cứu cán bộ Hội mới biết; Hoặc nhiều trường hợp khi tham gia vào các vụ án, do thiếu hiểu biết pháp luật nên kiến nghị sai cấp hoặc kiến nghị không chính xác. Chính vì vậy, mỗi một địa phương cần phải tổ chức tập huấn nhiều hơn cho cán bộ Hội về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng xử lý các tình huống trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là bảo vệ về tâm lý, sức khỏe, chăm sóc người bị hại sau xảy ra sự việc.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video