Mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía bắc làm 31 người chết, mất tích

06/07/2009
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong những ngày qua, các tỉnh miền núi phía bắc đã xảy ra mưa vừa đến mưa to, một số nơi mưa rất to.
Lượng mưa đo được tại một số trạm  như sau: Tam Ðường (Lai Châu) 89mm, Than Uyên (Lai Châu) 155 mm, Mường La (Sơn La) 90 mm, Bắc Hà (Lào Cai) 88 mm, Lục Yên (Yên Bái) 95 mm, Hà Giang (Hà Giang) 215 mm, Hoàng Su Phì (Hà Giang) 98 mm, Bắc Mê (Hà Giang) 126 mm, Bắc Quang (Hà Giang) 206 mm, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) 99 mm, Chợ Rã (Bắc Cạn) 138 mm, Ngân Sơn (Bắc Cạn) 90 mm, Cao Bằng (Cao Bằng) 114 mm, Bảo Lạc (Cao Bằng) 135mm, Nguyên Bình (Cao Bằng) 124 mm, Trùng Khánh (Cao Bằng) 149 mm. Mưa lớn đã gây lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương trên.

Mực nước trên sông Ðà hồi 16 giờ ngày 5-7, tại Mường Lay (Ðiện Biên) là 175,98m (dưới mức báo động 2 là 1,02 m); tại Quỳnh Nhai (Sơn La) 144,01 m (trên mức báo động 1 là 1,51 m); lưu lượng đến hồ Hòa Bình là 11.800 m3/giây (dưới mức báo động 3 là 200 m3/giây); mực nước tại Tuyên Quanglà 24,76 m (trên báo động 2 là 0,76 m). Dự báo lũ các sông thuộc hệ thống sông Ðà tiếp tục lên, lưu lượng đến hồ Hòa Bình đến 7 giờ hôm nay (6-7) tăng lên mức đỉnh là 13.200 m3/giây, sau đó giảm chậm. Mực nước hạ lưu sông Lô tiếp tục lên, tại Tuyên Quang lên mức 25,1m (dưới báo động 3 là 0,9 m); sau đó xuống 24,2 m vào ngày 7-7. Hiện nay, hồ Hòa Bình mở hai cửa xả đáy, hồ Tuyên Quang mở bốn cửa xả đáy nên mực nước hạ lưu sông Hồng sẽ lên nhanh, tại Hà Nội sẽ lên mức 7,1 m lúc 7 giờ ngày 6-7 và lên mức 8,8 m lúc 7 giờ ngày 7-7. Cần đề phòng lũ lên nhanh ở các bãi sông và ven sông ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình.

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCLB T.Ư liên tiếp có hai Công điện số 01/CÐ-T.Ư và  02/CÐ-T.Ư, điện Bộ Công thương; Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam; Trung tâm Ðiều độ điện Quốc gia; Công ty Thủy điện Tuyên Quang đồng ý cho phép mở dần 1-2 cửa xả đáy. Do mưa, lũ trên lưu vực sông Gâm vẫn còn diễn biến phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu Công ty Thủy điện Tuyên Quang căn cứ vào lưu lượng nước về hồ, điều chỉnh tăng giảm số cửa mở phù hợp.

Sáng 5-7, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCLB T.Ư tiếp tục có Công điện số 03/CÐ-T.Ư, điện Bộ Công thương; Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam; Trung tâm Ðiều độ điện Quốc gia; Công ty Thủy điện Hòa Bình, yêu cầu mở cửa xả đáy số 1. Sáng 5-7, mực nước thượng lưu hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình ở cao trình 99,93m, mực nước hạ lưu ở cao trình 14,61m, lưu lượng về hồ 11.000 m3/giây, lưu lượng ra 2.410 m3/giây.

Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, trong những ngày qua, tại các tỉnh miền núi phía bắc xảy ra mưa rất to, gây lũ cục bộ làm 31 người chết và mất tích; trong đó tỉnh Bắc Cạn có 13 người chết, 11 người mất tích; Cao Bằng một người chết, hai người mất tích; Hà Giang một người chết, một người mất tích; Lai Châu một người chết; Lào Cai một người mất tích. Ban chỉ đạo PCLB T.Ư đang phối hợp các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ gây ra nắm bắt kịp thời tình hình và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả; cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân vùng bị cô lập, dựng lại nhà cửa thiệt hại.

Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Tuyên Quang, đợt mưa to trên diện rộng kéo dài từ ngày 3-7 đến nay đã gây ngập úng cục bộ tại nhiều nơi, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Hồ thủy điện Tuyên Quang đã mở bốn cửa xả đáy. Nước lũ sông Lô dâng nhanh gây ngập một số điểm ven sông, như tuyến đường dọc bờ sông tại thị xã Tuyên Quang. Các địa phương đã cử cán bộ đến các xã có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và di dời những hộ dân đến nơi an toàn, sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hà Giang, do ảnh hưởng của mưa to trong các ngày 3, 4 và 5-7, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra lũ lớn ở nhiều nơi. Mưa lũ đã làm một người mất tích, một trăm nhà dân tại huyện Bắc Mê bị ngập nước; nhiều tuyến đường đi các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê bị sạt lở. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp các huyện tập trung giải phóng nhanh khối lượng đất đá bị sạt lở bảo đảm giao thông thông suốt và thăm hỏi, động viên giúp đỡ các gia đình thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Mưa to và rất to trên địa bàn huyện Pác Nặm (Bắc Cạn) từ ngày 3 đến 5-7 đã làm sạt lở đất và lũ ống gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Tính đến 16 giờ chiều 5-7, tại huyện Pác Nặm đã có ít nhất 13 người chết được tìm thấy xác, trong đó tại thôn Khên Lèng, xã Công Bằng xảy ra sạt lở lớn, vùi lấp 5 gia đình, làm chết ít nhất 10 người. Số người chết tại đây còn có thể lớn hơn, vì lực lượng cứu hộ tại chỗ quá ít nên chưa tìm thấy hết số người chết trong đống đất đá sạt lở lớn, trong khi đó do đường quá xa, địa hình chia cắt, lũ lụt, phần lớn lực lượng cứu hộ của tỉnh và huyện xuất phát từ trưa 5-7 nhưng đến chiều tối cùng ngày vẫn chưa tiếp cận được thôn Khên Lèng. Mọi thông tin từ Khên Lèng ra xã, ra huyện đều bị cắt đứt bởi mưa to, lũ lớn nên chưa xác định được danh tính số người đã chết, đến tối ngày 5-7, Bộ chỉ huy quân sự huyện chưa thể mang thông tin liên lạc từ Khên Lèng ra bên ngoài.

Xã Nhạn Môn cũng hứng chịu hậu quả nặng nề. Trưa 4-7, một cơn lũ ống tràn về cuốn trôi ba người là ông Chu Văn Tốc, 58 tuổi; con dâu ông Tốc là Cà Thị Hựu, 33 tuổi và bà Cà Thị Bắt, 51 tuổi đều trú tại thôn Nà Bẻ. Ðến chiều tối ngày hôm sau, lực lượng công an, quân sự huyện và dân quân xã Nhạn Môn mới tìm thấy thi thể chị Hựu và bà Bắt bị lũ cuốn trôi cách xa nơi xảy ra tai nạn 20 km. Ngoài thiệt hại về người, xã Nhạn Môn còn bị thiệt hại lớn về tài sản, có bảy gia đình bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản, hơn 10 hộ phải bỏ lại nhà cửa để di chuyển khẩn cấp đến nơi an toàn trước nguy cơ sạt lở đất rất cao đang đe dọa. Dọc hai bên đường từ trung tâm xã đến thôn Nà Bẻ, nhiều cánh đồng lúa đang hoe vàng bị lũ vùi lấp hoàn toàn; tuyến đường độc đạo lên thôn Nà Bẻ bị lũ "đánh" đứt gãy, xói lở nhiều đoạn, rất khó khắc phục trong nay mai. Tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã Nhạn Môn có hàng chục điểm sạt lở lớn.

Tuyến đường từ huyện Ba Bể lên huyện vùng cao Pác Nặm dài 28 km, đến sáng hôm qua mới thông vì ngập lụt và sạt lở đất ở nhiều điểm. Thông tin liên lạc từ huyện Pác Nặm ra bên ngoài bị ngưng trệ hoàn toàn từ chiều 3-7 đến tối 5-7.

Sáng 4-7, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn đã có mặt tại huyện Pác Nặm chỉ đạo các lực lượng cứu hộ tìm mọi biện pháp tiếp cận thôn Khên Lèng một cách nhanh nhất để tìm kiếm người còn bị vùi lấp, chỉ đạo giúp dân khắc phục hậu quả, mai táng người chết và yêu cầu chính quyền địa phương bằng mọi giá không được để dân đói, giúp đỡ những gia đình bị lũ cuốn trôi nhà cửa không có chỗ ở. Trước mắt, tỉnh Bắc Cạn trợ giúp 3 triệu đồng/người chết. Tối 5-7, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão T.Ư Ðào Xuân Học, dẫn đầu đoàn cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến Pác Nặm để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện.

Từ ngày 2-7 đến nay, mưa lớn trên diện rộng đã diễn ra trên toàn bộ địa bàn tỉnh Lai Châu gây lũ ống, lũ quét trên một số địa bàn. Huyện Tam Ðường có một người chết, thiệt hại vật chất ban đầu ước tính lên tới 3,7 tỷ đồng. Lũ lớn tại xã Bình Lư đã làm ba cây cầu treo trên các tuyến đường liên xã hư hỏng nặng gồm: cầu Nà Phát bị sập toàn bộ, cầu Nà Hum bị đứt cáp treo, cầu Tân Bình bị sạt mố cầu. Hiện nay, chính quyền và các lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, công an tỉnh di chuyển gần hai trăm hộ ở xã biên giới Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ) đến nơi an toàn. Mỗi hộ trên được chính quyền tỉnh hỗ trợ bảy triệu đồng để san mặt bằng làm nhà, hỗ trợ mỗi khẩu 15 kg gạo trong ba tháng.

Mưa lớn trên diện rộng đã làm xuất hiện lũ ống cục bộ ở hầu hết các sông suối trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tại huyện Bắc Hà, đã có một người chết do nước cuốn trôi. Lũ xuất hiện trên các sông Chảy và nhiều con suối phía đông của tỉnh làm đường giao thông từ quốc lộ 70 vào Bắc Hà bị sạt lở, ách tắc. Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Lào Cai, mưa lớn còn tiếp tục, rất dễ xảy ra lũ ống và lũ quét, sạt lở đất. Ban chỉ huy PCLB tỉnh cảnh báo các địa phương, ngành chức năng, lực lượng vũ trang sẵn sàng các phương án PCLB, di dời các hộ ven sông suối đến nơi an toàn.

Hồi 7 giờ 30 phút ngày 5-7, lực  lượng cứu hộ mới tìm thấy thi thể ông Lục Văn Quỳnh, dân tộc Nùng, ở thôn Nậm Cáy, thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) bị lũ cuốn mất tích khi đang vớt củi tại hồ Na Cồ, thị trấn Bắc Hà. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình người bị nạn.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn, yêu cầu Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam, Cục Ðường sắt Việt Nam lập đề án thành lập Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt và các trung tâm ứng phó sự cố đường sắt khu vực. Cục Ðường bộ Việt Nam bổ sung chức năng, nhiệm vụ cứu nạn đường bộ cho các đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ; lập đề án xây dựng các trạm cứu nạn đường bộ đối với những vị trí đèo dốc nguy hiểm, hay xảy ra sạt lở đất và tai nạn như tại các quốc lộ 1, 5 và 10, đường Hồ Chí Minh...

Hiện toàn tỉnh Quảng Bình có khoảng một nghìn ha lúa thiếu nước tưới trầm trọng. Người dân đang tận dụng vét nước ở mọi hồ đập để giữ ẩm cho ruộng. Huyện Tuyên Hóa đã huy động các hệ thống bơm nước mực nước sông Gianh chưa bị nhiễm mặn để tưới  cho lúa. Do nắng nóng kéo dài,  các hồ đập nhỏ ở các xã vùng cao các huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch hiện đang cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Theo Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video