Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

21/03/2007
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp lý bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ, nhưng Việt Nam vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong thực thi bình đẳng giới nên vấn đề này đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội

"Việt Nam có một khung pháp lý tương đối mạnh nhưng thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là làm thế nào để đưa các luật đó vào cuộc sống", bà Froniga Greig, chuyên gia về giới của Liên hợp quốc phát biểu tại hội thảo mới đây về bình đẳng giới do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức.

Bà Greig cho rằng để làm được việc này, một trong những điểm mấu chốt là cần xác định rõ vai trò của các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm về vấn đề bình đẳng giới.

Còn theo ông Ian Howie, Chủ tịch nhóm công tác về giới của Liên hợp quốc đồng thời là đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cũng là một vấn đề mà Việt Nam cần phải chú trọng.

Ông cho biết, trong Chương trình chung về bình đẳng giới đang được xây dựng giữa các cơ quan Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2007-2010, một trong ba nội dung quan trọng là thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục thông tin đại chúng một cách hiệu quả hơn để khuyến khích thay đổi hành vi thái độ về các vấn đề bình đẳng giới trong các cơ quan, tổ chức chính phủ ở các cấp và trong xã hội nói chung.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng khó khăn và thách thức lớn nhất của Việt Nam vẫn là vấn đề phân biệt đối xử, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" tồn tại từ ngàn đời nay.

"Hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam không thể giúp người dân thay đổi quan niệm ngay trong một sớm một chiều," bà nói. "Nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ về quyền lợi của phụ nữ còn nhiều hạn chế. Công tác truyền thông tới người dân còn hạn hẹp, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa".

Bởi vậy, theo bà Hòa, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về luật pháp, chính sách đối với phụ nữ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đồng thời phát triển các hoạt động trợ giúp pháp lý, trợ giúp nạn nhân nhằm giảm thiểu các tổn hại đối với phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định bình đẳng giới hiện đang là một trong những vấn đề cần sự quan tâm của toàn xã hội bởi sự tiến bộ và công bằng xã hội chỉ có thể đạt được khi người phụ nữ được sát cánh cùng nam giới tham gia mọi hoạt động xã hội cũng như được hưởng mọi thành quả của tiến bộ xã hội.

Số liệu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho thấy, chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước.

Hiện ở Việt Nam có trên 27% đại biểu nữ trong Quốc hội (cao nhất ở châu Á và là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất thế giới); tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%; thạc sĩ 33,95%; tiến sĩ 25,69% và tỷ lệ các nhà báo nữ gần 30%./.

TTXVN.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video