Nâng cao vai trò của phụ nữ người dân tộc thiểu số

28/10/2019
Nhằm góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong cộng đồng vùng dân tộc thiểu số, tọa đàm “Nỗ lực trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số” do Artistri Sud (Tổ chức từ thiện ở Canada giúp đỡ các nghệ nhân nữ ở các nước đang phát triển) đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thoát nghèo và cơ hội việc làm cho phụ nữ người DTTS.

Phụ nữ chiếm 49,8% trong tổng số hơn 13 triệu người dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng đây lại là nhóm đối tượng yếu thế, thường xuyên phải chịu sự bất bình đẳng giới trên nhiều lĩnh vực. Vấn đề bất bình đẳng giới vẫn đang xảy ra hằng ngày tại vùng dân tộc thiểu số. Những người phụ nữ ở đây luôn phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo, mù chữ, tảo hôn và bạo lực gia đình.

Nhằm góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong cộng đồng vùng dân tộc thiểu số, tọa đàm “Nỗ lực trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số” do Artistri Sud (Tổ chức từ thiện ở Canada giúp đỡ các nghệ nhân nữ ở các nước đang phát triển) tổ chức đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thoát nghèo và cơ hội việc làm cho phụ nữ người DTTS.

Phụ nữ DTTS chịu bất bình đẳng kép

Thông tin từ cuộc khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế xã hội của 53 DTTS tại Việt Nam, do Ủy ban dân tộc và Cơ quan Liên hợp quốc phối hợp tiến hành chỉ ra rằng: Tỷ lệ tảo hôn trung bình ở vùng DTTS ở nhóm tuổi 13-18 là 26,6%. Trong đó, ở độ tuổi dưới 16, tỷ lệ tảo hôn ở nữ cao gấp 3,4 lần ở nam.

Tỷ lệ tảo hôn cao là nguyên nhân khiến trẻ em nữ đánh mất cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, vấn đề bạo lực gia đình xảy ra khá phổ biến. Có tới 58,6% phụ nữ DTTS từ 15-49 tuổi tin rằng chồng có quyền đánh vợ vì bất kỳ lý do nào, trong khi đó, rất ít phụ nữ người Kinh chấp nhận quan điểm này.

 Nâng cao vai trò của phụ nữ người dân tộc thiểu số

 Sản xuất tại Hợp tác xã Mường Hoa


Trong lĩnh vực kinh tế - lao động, 74% hộ gia đình DTTS có nam giới đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai, tín dụng. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia hệ thống chính trị chỉ chiếm khoảng 11%.

Chia sẻ về những thách thức gặp phải trong quá trình triển khai các dự án nâng cao năng lực cho phụ nữ vùng DTTS, ông Hà Việt Quân, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc cho biết: Khó khăn chung của đồng bào dân tộc thiểu số và của phụ nữ, trẻ em gái nói riêng nằm ở sự thiếu hụt về giáo dục.

“Hiện vẫn còn trẻ em gái không được đến trường và chưa có cơ hội tiếp cận đầy đủ với nền tảng giáo dục do quan niệm “trọng nam, khinh nữ”. Đồng thời, nghèo đói đeo bám khiến họ càng không có tiếng nói trong gia đình. Trải qua thời gian, phụ nữ DTTS trở thành nhóm đối tượng yếu thế và phải chịu nhiều bất công”, ông Hà Việt Quân chia sẻ.

Tăng quyền cho phụ nữ DTTS

Trước vấn đề này, Ủy ban Dân tộc đã triển khai đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025, với nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao tri thức, quyền làm chủ kinh tế cho phụ nữ DTTS.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Quân nhấn mạnh: “Muốn nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến họ về mặt giáo dục. Đồng thời, phụ nữ cũng phải tham gia vào lĩnh vực kinh tế. Có như vậy, cộng đồng mới công nhận giá trị của họ”.

Để cải thiện tình trạng mù chữ của phụ nữ vùng DTTS, Ủy ban dân tộc đã tổ chức các chương trình, dự án về hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Ở nhóm đối tượng này, ban chỉ đạo phổ cập giáo dục tại các địa phương đã mở các lớp dạy chữ và dạy bà con các kiến thức nâng cao năng suất trồng trọt, chăn nuôi.

Để nâng cao quyền làm chủ kinh tế, Ủy ban Dân tộc cùng các tổ chức cộng đồng đã tổ chức nhiều lớp học dạy nghề cho chị em. Sau các khóa học ngắn hạn này, phụ nữ DTTS đã bắt đầu có những đóng góp đáng kể cho kinh tế địa phương.

Là một trong những người được tham gia các dự án khởi nghiệp dành riêng cho phụ nữ vùng DTTS, bà Sùng Thị Lan, Chủ nhiệm Hợp tác xã Mường Hoa, Sapa cho biết: Mô hình này được xây dựng nhằm thích nghi với nền kinh tế du lịch tại địa phương, phát triển nghề thủ công của địa phương như: Nhuộm, dệt vải truyền thống và làm hương (nhang) thủ công bằng các loại gỗ, trầm thảo mộc có sẵn, biến văn hóa thành sản phẩm có thể tạo ra giá trị thực tiễn.

Hợp tác xã (HTX) do bà Lan chủ nhiệm được đánh giá cao bởi nó đem lại việc làm cho phụ nữ tại xã Tả Van. Tham gia HTX, các chị em có thể tăng thu nhập, đồng thời giữ vững bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, thách thức mà bà con gặp phải chính là thời gian sản xuất lâu, giá thành cao hơn so với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Để khách hàng hiểu hơn về sự khác biệt cũng như giá trị văn hóa mà các sản phẩm mang lại, bà Lan đã tổ chức nhiều chuyến tham quan về quy trình tạo ra một sản phẩm thủ công. Không chỉ thế, nhằm tiết kiệm công sức và nâng cao năng suất cho bà con, HTX cũng triển khai mô hình tái chế các loại sản phẩm này.

Đánh giá về hiệu quả mà HTX này mang lại, bà Nguyễn Thùy Linh, Giám đốc Trung tâm Nâng cao năng lực Cộng đồng (CECEM) thông tin: Tại xã Tả Van, sau gần 1 năm thành lập HTX, tình trạng bất bình đẳng giới đã được giảm thiểu. Nhờ việc tham gia HTX, các chị em có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, kỹ năng giao tiếp xã hội được cải thiện và họ cũng có tiếng nói hơn trong gia đình.

Thành công của bà Sùng Thị Lan và nhiều phụ nữ vùng DTTS trong những năm vừa qua cho thấy, đây là những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao quyền cho phụ nữ DTTS. Để tiếp tục cải thiện tình trạng bình đẳng giới tại các vùng dân tộc ít người, các dự án thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương dành riêng cho chị em phụ nữ  cần giới thiệu, nhân rộng.

QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video