Nghệ An: "Lá chắn" giúp phụ nữ bình an

08/03/2020
Sau 6 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) “Lá chắn” của phụ nữ bản Hồng Điện, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã có nhiều đóng góp cho sự yên bình của đời sống người dân nơi đây qua việc tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Một buổi sinh hoạt của chị em 'Lá chắn'

Hồng Điện là bản nghèo của đồng bào người Thái thuộc xã Đôn Phục, cách thị trấn Con Cuông hơn 15km. Trong bản có 121 hộ với hơn 500 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân nơi đây vốn nghèo khó, từ khoảng năm 2005 lại thêm phức tạp bởi nạn buôn bán phụ nữ và tình trạng nhiều người trốn ra nước ngoài làm việc, lấy chồng. Đến đầu năm 2013, khi một cô gái bị lừa bán ra nước ngoài tên là Ngân Thị Ứng trốn được về quê thì mọi người mới biết rõ nhiều chuyện hơn. Gần đây, nhiều cô gái tự bỏ ra nước ngoài bất hợp pháp để kiếm sống và lấy chồng càng khiến người dân lo lắng. Hiện tại, bản Hồng Điện có 11 phụ nữ đi lao động “chui” như vậy, trong số đó có 7 người đã lấy chồng, sinh con. Cùng với nạn buôn bán phụ nữ, "phong trào" đi lấy chồng ở nước ngoài là tệ nạn ma túy, cờ bạc… khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Nhận thấy cần phải làm công tác tâm lý và tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống, Công an huyện và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Con Cuông đã chỉ đạo Hội Phụ nữ xã Đôn Phục thành lập mô hình CLB phụ nữ ở Hồng Điện. CLB này được đặt tên là “Lá chắn” với mong muốn đây sẽ trở thành một lá chắn vững chắc để bảo vệ cuộc sống yên bình của phụ nữ nói riêng và dân bản nói chung. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tặng CLB 5 triệu đồng làm quỹ để hoạt động. Thể lệ của CLB là mỗi năm sẽ dùng số tiền này cho 5 thành viên vay với mức lãi 60.000 đồng/năm theo thể thức bốc thăm lần lượt. Số tiền lãi thu được dành để tổ chức các sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần nhằm trao đổi, chia sẻ và tương trợ nhau. Hoạt động quan trọng nhất của CLB là tổ chức các buổi sinh hoạt để nâng cao nhận thức của phụ nữ trong bản nhằm phòng, chống các tệ nạn, như: Buôn bán phụ nữ và trẻ em, ma túy, cờ bạc và bạo lực gia đình. CLB cũng tổ chức để những nạn nhân như Ngân Thị Ứng chia sẻ nỗi đau khi bị bán qua biên giới, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho mọi người. Ban đầu, CLB thu hút được 30 thành viên, nay đã có 41 chị em trong bản tham gia.

Theo bà La Thị Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đôn Phục, CLB “Lá chắn” là một trường hợp khá đặc biệt. CLB ra đời trong bối cảnh có một nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ trở về quê và tâm lý của người dân trong bản còn hoang mang vì nhiều tệ nạn xã hội. Vậy nên CLB nhận được sự quan tâm của nhiều người. CLB đã  giúp đỡ về vật chất, dù chưa nhiều, cho các thành viên thông qua nguồn tiền vay, nhưng quan trọng hơn là góp phần nâng cao cảnh giác của người dân, trấn an tâm lý để họ bình ổn cuộc sống, tuyên truyền về pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề xã hội. Ông Vi Xuân Hoàng, Trưởng bản Hồng Điện cho biết, CLB đã góp phần phòng, chống nạn buôn bán phụ nữ từng khiến người dân lo lắng, tạo điều kiện để các chị em ngồi lại với nhau cùng chia sẻ những suy nghĩ, kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống của mình.

Sau 6 năm hoạt động, CLB “Lá chắn” đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhưng hiện tại CLB cũng còn không ít khó khăn. Chị Nguyễn Thị Dần, Phó chủ nhiệm, phụ trách CLB cho biết: Trước đây, trong các buổi sinh hoạt, nói về việc phòng, chống buôn bán phụ nữ thì dễ. Còn bây giờ, phụ nữ trong bản tự nguyện đi làm việc và lấy chồng ở nước ngoài thì khó thuyết phục hơn. Các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB còn thiếu kỹ năng trong tổ chức những hoạt động phòng, chống các tệ nạn, các vấn đề xã hội mới xuất hiện vì không được tập huấn và cũng ít kiến thức thực tiễn. Bên cạnh đó, số tiền quỹ của CLB rất ít, hiện chỉ có 7 triệu đồng cho vay luân phiên hằng năm...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Ban chủ nhiệm CLB đang bàn thảo, tìm các mối quan hệ, tìm cơ hội việc làm để chia sẻ cho các thành viên nhằm củng cố vị thế của người phụ nữ, làm cho họ có cuộc sống ổn định hơn trên quê hương mình. CLB cũng đã phối hợp với các trường học để tổ chức những lớp tập huấn về nghề nghiệp nhằm giúp chị em có thêm việc làm và thu nhập; tăng cường liên kết, phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ triển khai các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện, một mặt giúp đỡ các gia đình có điều kiện đặc biệt khó khăn trong bản, trong xã, mặt khác nhằm rèn luyện thêm kỹ năng, nâng cao năng lực tổ chức của các thành viên trong CLB để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. 

QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video