Nghệ An: Làm giàu từ nghề truyền thống

01/10/2019
“Tôi rất vui vì những cố gắng của mình đã mang lại lợi ích cho thôn bản, giúp người dân có thêm thu nhập và giữ gìn, phát triển được nghề truyền thống của dân tộc” - Đó là chia sẻ của chị Lang Thị Hoa, người dân tộc Thái, ở bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Chị là “thủ lĩnh” của những người phụ nữ bản Diềm đang làm gia tăng giá trị cho sản phẩm đan lát truyền thống của người Thái.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (bên phải) và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trao Bằng khen cho chị Lang Thị Hoa vì đã có thành tích trong phong trào khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Ngọc Lan

Chúng tôi biết tới chị Hoa trong lần chị ra Hà Nội giới thiệu về những “đứa con tinh thần” của mình. Những họa tiết hoa văn đặc trưng nhất của dân tộc Thái xuất hiện một cách tinh tế, bắt mắt trên những chiếc mâm, rổ, rá làm bằng mây, tre của chị khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng. Gian hàng của chị thu hút rất đông người tới xem.

Chị Hoa là người sáng lập và hiện đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) mây tre đan, bản Diềm, xã Châu Khê, tạo cho người đối diện nhiều thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chị giới thiệu về HTX của mình đầy tự hào: “Tôi thành lập HTX bản Diềm từ tháng 6-2016. Các thành viên của HTX đều là người dân tộc Thái, chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ đơn thân. Sản phẩm của chúng tôi không chỉ được bán trong tỉnh, mà còn có mặt ở tỉnh, thành trong nước. Và hiện giờ, chúng tôi đi xa hơn một chút, sang tận nước Đức”.

Thực ra, ý tưởng sáng lập HTX mây tre đan của chị Hoa nhen nhóm từ năm 2013. “Cùng với dệt thổ cẩm, mây tre đan là nghề truyền thống của dân tộc tôi. Tôi sinh ra và lớn lên trong tiếng ru của mẹ, bên khung dệt thổ cẩm. Nghề đan lát xưa kia rất phát triển, già, trẻ, trai, gái trong bản ai cũng biết đan. Chúng tôi sống giữa rừng già, nguyên liệu cho nghề đan rất sẵn từ cây giang, cây luồng tới sợi mây. Chúng tôi lên rừng lấy về đan các vật dụng dùng trong gia đình, từ cái rổ, rá, tới cái mâm, ép xôi, oi đựng cá, gùi. Tôi luôn tự hào về sự khéo léo đó” - Chị Hoa nhớ lại.

Vốn của rừng không phải vô hạn. Cây mây, cây giang bị khai thác quá mức đến lúc cũng cạn kiệt. Ngày xưa chỉ cần bước tới ven rừng là có thể lấy được nguyên liệu mang về đan lát, giờ phải đi sâu vào rừng cả ngày trời mới có. Giữa lúc đó thì đồ nhựa ồ ạt tràn vào từng bản làng sâu xa nhất. Bản Diềm, vốn dĩ nằm sát biên giới Việt - Lào cũng không thoát khỏi trào lưu dùng hàng nhựa. Trong cơn lốc đó, nghề đan lát của người Thái mai một dần.

“Năm 2013, tôi đứng ra thành lập Tổ mây tre đan bản Diềm với mong muốn giữ lại nghề truyền thống của tổ tiên. Sau này, tôi nhìn thấy sản phẩm mây tre đan có nhiều tiềm năng giúp người dân phát triển kinh tế tăng thêm thu nhập nên càng quyết tâm hơn” - Chị Hoa kể. Quyết tâm khôi phục lại nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình, chị Hoa được tiếp thêm lực từ 5 thành viên khác có cùng tâm huyết.

Những thử thách đầu tiên mà chị Hoa phải đối mặt chính là thị trường và sự “khủng hoảng” nhân lực theo khía cạnh thiếu vắng người thành thạo kỹ thuật đan lát. Sau quãng thời gian dài rơi vào “lãng quên”, lớp người già thành thạo kỹ thuật đan lát đều đã đi về phía bên kia “chân trời” mà chưa kịp truyền nghề, bỏ lại một khoảng trống ở giữa. Những người đi sau như chị Hoa nhiều năm không đan lát cũng trở lên lúng túng.

Trong giai đoạn khởi sự, chị Hoa phải bỏ mọi công việc, đi khắp nơi xin mở lớp tập huấn kỹ thuật đan lát cho các thành viên trong tổ và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làm ra. “Khi mới thành lập nhóm, tôi bất ngờ gặp được Viện Nghiên cứu ngành nghề nông thôn Việt Nam và được sự hỗ trợ về vốn, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Viện Nghiên cứu ngành nghề nông thôn Việt Nam còn mời nghệ nhân đan lát tới truyền dạy cho các thành viên trong tổ” -  Chị Hoa cho biết.

 0wjy_7b

 Chị Hoa (đứng giữa) giới thiệu sản phẩm của HTX mây tre đan bản Diềm tại một diễn đàn kết nối hỗ trợ khởi nghiệp.


Trong suốt thời gian qua, nơi nào tổ chức hội chợ, triển lãm, chị Hoa và các thành viên trong tổ đều có mặt mang theo sản phẩm của mình để giới thiệu với người tiêu dùng. Là người nhạy bén, chị Hoa nhìn thấy trước thực tế, nếu không đổi mới, sáng tạo thì sản phẩm mây, tre đan của bản Diềm mãi sẽ chìm trong thị trường có vô số sản phẩm tiêu dùng đa năng, tiện dụng hiện nay. Vì thế, chị khuyến khích các thành viên trong tổ phát huy khả năng sáng tạo, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Một thành viên của tổ nảy ra ý tưởng đưa các họa tiết hoa văn của nghề dệt vải vào các sản phẩm đan lát, một thành viên khác lại đưa ra ý tưởng đan các dòng chữ ý nghĩa lên sản phẩm... Các ý tưởng này ngay lập tức được chị và các thành viên hưởng ứng và hiện thực hóa. Họ lấy cây rừng chế biến thuốc nhuộm nan thành nhiều màu khác nhau rồi sử dụng kỹ thuật đan tạo thành nhiều họa tiết hoa văn trên sản phẩm. Bước đột phá này mang lại thành công bất ngờ. Những chiếc mâm, rổ, rá và các vật dụng khác có hoa văn, họa tiết truyền thống của dân tộc Thái thực sự nổi bật, nhìn như một bức tranh đa sắc màu khiến những khách hàng khó tính nhất cũng phải trầm trồ thán phục.

Từ Tổ hợp tác với 7 thành viên, đến năm 2016, chị Hoa đã nâng cấp cơ sở của mình lên thành HTX với 22 thành viên. Các thành viên được trả lương hằng tháng theo sản phẩm. Chị Hoa cho hay: “Trung bình mỗi người được trả lương từ 3 đến 3,5 triệu đồng/ tháng”.

Về mặt thị trường, hiện tại, chị Hoa đã có thể yên tâm. Điều khiến chị còn băn khoăn, lo lắng đó là nguồn nhân lực để có thể vận hành máy móc. Cơ sở của chị Hoa được UBND xã Châu Khê đầu tư 2 máy gọt và chẻ mây. UBND huyện Con Cuông tài trợ 40 triệu đồng để mua các máy móc khác và đầu tư xây dựng 1 nhà xưởng cho HTX. Tuy nhiên, “khó khăn của chúng tôi là các thành viên đều cao tuổi. Trong khi đó, việc vận hành máy móc đòi hỏi phải là người trẻ có kỹ thuật. Do thiếu nhân lực trẻ nên hiện, chúng tôi vẫn lao động hoàn toàn bằng thủ công. Tôi mong sẽ có thêm những người trẻ tuổi tham gia vào HTX để vận hành máy móc được hiệu quả”.

bienphong.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video