Nghị lực của những con người kém may mắn

31/07/2006
Trong hàng nghìn số phận không may phải sống trong khổ đau, bất hạnh, không thể đi lại được trên đôi chân của mình,

cùng với sự giúp đỡ của người thân, cộng đồng và xã hội, nhiều người đã không cam chịu, vượt lên hoàn cảnh nghiệt ngã bằng nghị lực, sự tập luyện bền bỉ, dẻo dai, lao động không mệt mỏi kiếm sống và sống cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa.

* Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có 8 anh chị em, hai anh lớn đi bộ đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, anh thứ hai hy sinh tại chiến trường, 12 tuổi, chị Phạm Thị Thành, quê ở xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ không may bị một tai nạn bất ngờ làm một bên chân không còn khả năng vận động. Xác định không thể là gánh nặng cho gia đình, được sự động viên an ủi của người thân, bạn bè, bà con trong xóm, chị đã tập đi nạng và mày mò học may.

 

Do hoàn cảnh thiếu thốn, ban đầu chị phải tự học cắt may và khâu vá bằng thủ công. Thấy chị cắt may khéo léo, bà con hàng xóm đến may ngày càng đông. Số tiền công có được, chị dành dụm mua chiếc máy khâu đạp bằng chân. Cùng với việc làm bánh tro, chăn nuôi gia cầm, thu nhập của chị khá dần lên. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chị đã có thể tự trang trải được cuộc sống của bản thân, nuôi một mẹ già và người chị gái luôn ốm đau, bệnh tật. Gia đình chị nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hoá. Mong muốn của chị là các cấp, các ngành quan tâm hơn đến những người có hoàn cảnh như chị và những người khuyết tật cần biết vượt lên số phận, không bi quan, chán nản, tự tìm cho mình niềm vui trong công việc và cuộc sống.

 

* Bị liệt hai chân do bẩm sinh, chị Nguyễn Thị Thắm, 25 tuổi, chưa bao giờ được đi lại trên đôi chân của mình như những người bạn khác. Tuổi thanh xuân với bao hoài bão và ước mơ. Vậy mà chịchỉ thấy thất vọng tràn trề. Được sự động viên an ủi của chị em Hội LHPN xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, chị đã mạnh dạn cùng em gái mở cửa hàng may cách nhà 1,2 km. Việc đi lại, sinh hoạt hết sức khó khăn nhưng cũng không làm chị nản chí. Từ những đường kim mũi chỉ cong vẹo ban đầu, giờ chị đã trở thành một thợ may thành thạo. Mặc dù thu nhập không cao, nhưng số tiền 300.000-400.000đồng/tháng đã giúp chị ổn định cuộc sống và san sẻ với những người thân trong gia đình.

 

Khi biết được hỗ trợ xe lăn, chị mừng vui khôn xiết. Chị tâm sự: Chị không còn cảm thấy mặc cảm, tự ti với hoàn cảnh của mình. Chị sẽ sống hoà nhập cộng đồng và tham gia sinh hoạt xã hội nhiều hơn.

 

* Ở khu 10, xã Hương Nôn, huyện Tam Nông không ai không biết đến chị Nguyễn Thị Lưu - một điển hình của những gương phụ nữ vượt khó. Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, năm 19 tuổi, lại bị ngộ độc trứng cóc, chị bị vĩnh viễn mất hai chân từ đó.

 

Sau khi bố mẹ mất, chị về ở với em trai, nhưng do hoàn cảnh của em quá khó khăn, chị quyết định ra ở riêng. Tự nhận thấy không thể lập gia đình, chị đã xin và sinh được một cháu trai. Niềm vui càng lớn thì đôi vai gầy của chị càng trĩu nặng. Làm gì để nuôi con? Đó là trăn trở và bao đêm thức trắng của chị. Bằng đôi bàn tay chai sạm, đi lại trên 2 chiếc ghế nhỏ, chị đã cặm cụi học nhiều nghề. Tần tảo sớm hôm, từ nghề làm nón, nuôi gà, trồng chuối… chị đã lo đủ ngày hai bữa rau cháu nuôi con. Hiện cháu Lê Hồng Phúc – con của chị đã học hết THCS, đi học nghề xây đỡ đần giúp mẹ.

 

Niềm vui, nguồn hạnh phúc nho nhỏ và sự hy vọng về đứa con trai của mình đã giúp chị đứng vững trong cuộc sống. Chị thầm hứa phải sống cho xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người và xã hội đối với chị và những người có hoàn cảnh như chị.

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video