Người con họ Hồ học tập và làm theo lời Bác

31/03/2009
Chị Hồ Thị Nhung, thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông, là người dân tộc PaKô, được chị em phụ nữ tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Tà Rụt 2 năm 2006.

Tháng 8 năm 2007, sau khi được học tập 3 chuyên đề tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh do Hội LHPN huyện tổ chức, chị đã về tổ chức triển khai ngay cho 58 hội viên trong chi hội. Với lợi thế là nhà có ti vi, tiếp cận được nhiều thông tin về cuộc vận động, chị đã hỗ trợ cho các chi hội trưởng trong xã đi nói chuyệntại 4 chi hội, mỗi chi hội 3 đêm liền với tổng số 396 lượt hội viên phụ nữ tham gia. Có chi hội ở xa đến 5km, có chi hội phải qua sông nhưng chị vẫn không ngại khó, vẫn đến với chị em để chia sẻ những gì mình học được, nghe được với mong muốn là chị em sẽ có thêm được nhiều hiểu biết về tấm gương đạo đức của Bác.

Chị sinh ra trong một gia đình nghèo. Mẹ mất sớm khi đứa em út mới tròn 2 ngày tuổi. Một mình bố phải bươn chải kiếm tiền để nuôi 3 con nhỏ. Thấm thía nỗi cơ cực của cái đói, cái nghèo; khi được học tập tư tưởng của Bác Hồ về thực hành tiết kiệm, bản thân chị thấy để khỏi nghèo, để tự chủ hơn trong cuộc sống, thì không chỉ lo làm ăn mà còn phải biết tiết kiệm. Vì thế, nên chị quyết tâm thực hiện; và cũng là để làm gương cho chị em. Chị làm một ống nứa; hàng ngày, đều đặn bỏ vào đó 1.000đ. Trong nhà trước đây dùng điện thắp sáng bằng bóng tròn và ống tuýp, nay chị thay bóng tuýp bằng bóng com pắc, và chỉ bật khi cần. Trước đây, thường có thói quen để ti vi suốt ngày; thì bây giờ, sau khi xem thời sự và phim chuyện là tôi tắt ti vi. Vừa tiết kiệm điện, vừa khỏi ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người xung quanh. Chồng chị cũng rất đồng tình với việc làm đó và đã làm theo chị.

Ở bản Tà Rụt 2, trước đây, người dân không có thói quen làm chuồng cho trâu bò, dê; cũng không biết dùng phân chuồng để bón cho cây. Được cán bộ hướng dẫn, khi bắt đầu nuôi bò, chị Nhung liền làm chuồng. Phân bò thải ra, chị đào hố ủ phân với lá cây, sau đó đem bón cho chuối. Những buồng chuối lùn dài, nặng trĩu cây đã thuyết phục mọi người. Từ thực tế đó, chị vận động chị em làm chuồng cho trâu bò; vừa chăm sóc được vật nuôi, vừa tận dụng được một nguồn phân bón mà khỏi phải mất tiền, vừa bảo vệ được môi trường trong sạch.

Biết sắp xếp thời gian, công việc, chi tiêu hợp lý cũng là cách thực hành tiết kiệm làm theo lời Bác. Trong gia đình chị, giữa hai vợ chồng luôn có sự chia sẻ với nhau trong công việc, chăm sóc con cái. Thấy chị bận công tác Hội nên việc lên rẫy chồng chị tự nguyện đảm nhận và cùng chị chăm sóc 2 con nhỏ. Nhờ có vay vốn NHCS-XH, gia đình chị trồng được 2 ha rừng; trong chuồng có 2 con bò, 3 con dê, 10 gà. Thu nhập từ việc bán dê, bò đã giúp gia đình chị ổn định cuộc sống. Từ hộ nghèo năm 2006-2007, nay chị đã thoát nghèo, mua được ti vi, đầu đĩa, xe máy. Vì nguồn thu nhập tương đối ổn định nên khi tỉnh có chính sáchhỗ trợ 50.000đ cho chi hội trưởng, chị đã nhường lại cho chị chi hội phó. Có người hỏi chị sao lại làm thế? Chị cho rằng mình làm thế là đúng vì nếu không có chi hội phó hỗ trợ thì chị khó mà hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Từ thực tế việc làm của chị, chị em trong Chi hội đã bắt đầu làm theo. Có 35 chị đăng ký làm ống tiền tiết kiệm, mỗi ngày bỏ ống từ 500 đến 1.000đ; 40 chị thực hành tiết kiệm điện; 10 chị tiết kiệm đất bằng cách tăng diện tích trồng rau màu, 1 chị làm hố ủ phân để bón cho cây. Bằng sự vận động khéo léo của chị, 7 hộ nghèo phụ nữ chủ hộ cũng tham gia ống tiền tiết kiệm. Nhân dịp 08/3/2009, chị em trong chi hội tổ chức sinh hoạt và bổ ống tiết kiệm; tổng số tiền thu được là7.700.000đ, một số tiền quá lớn ngoài sự mong đợi của chị em. Nhận thức của chị em đã chuyển biến thật sự khi được học tập các chuyên đề về tấm gương đạo đức của Bác.

Trong Hội thi kể chuyện “Bác Hồ với phụ nữ” của Hội LHPN xã tổ chức, với 3 phần thi : kể chuyện, trả lời câu hỏi, năng khiếu, chi Hội Tà Rụt 2 đã đạt giải nhì (có 7 chi hội tham gia). Sau hội thi, chị em rất phấn khởi, và càng tự giác tham gia sinh hoạt Hội vì tại các buổi sinh hoạt, chị đều lồng ghép đọc cho chị em nghe các câu chuyện về cuộc đời hoạt động của Bác.

Tuy những con số trên chưa nhiều nhưng cũng là thành quả của cả một quá trình tuyên truyền, vận động mà bản thân chị Nhung đã làm với tất cả tâm huyết và lòng tự hào là người con được mang họ Bác. Chính với những kết quả đó, chị Hồ Thị Nhung đã được vinh dự tham gia và tham luận tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, được truyền hình trực tiếp tại điểm cầu Đà Nẵng.

Thu Thanh
Hội LHPN tỉnh Quảng Trị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video