Người phụ nữ Thái Sơn La 7 lần gặp Bác

26/03/2009
Chúng tôi có dịp đến Quỳnh Nhai, Sơn La trong một chuyến đi sưu tầm tài, liệu hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và thật may mắn được gặp lại người phụ nữ đã vinh dự được gặp Bác Hồ đến 7 lần. Đó là bà Điêu Thị Như, dân tộc Thái Trắng, ở cái tuổi xưa nay hiếm, hơn 90 tuổi và đã có hơn 30 năm gắn bó với công tác Hội. Những kỷ niệm khó quên của bà về những lần được gặp Bác đã khiến chúng tôi thêm một lần nữa trân trọng và nâng niu những tình cảm yêu thương mà Bác dành cho phụ nữ.

Con đường đến với Đảng, với Bác

Năm 1933, huyện Quỳnh Nhai lúc đó không ai biết tiếng Kinh và chữ của người Kinh. Ông Bế Văn Thắng quê ở Tràng Định, Lạng Sơn lên Quỳnh Nhai làm giáo viên quen biết rồi kết hôn với bà, một cô gái Thái Trắng hiền thục, xinh đẹp.

Ông Thắng là một người sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng nên ngoài thời gian lên lớp, ông thường dạy học sinh hát những bài ca cách mạng. Năm 1945, ông bị bắt, khi đó ông đang là Thư ký Uỷ ban Hành chính Tuần Giáo, Lai Châu. Khi bị bắt, ông căn dặn bà : “Bà nhớ đi theo Chính phủ…và bà phải tin ở Việt Minh”. Thời kỳ đó, thực dân Pháp lùng sục gắt gao, chúng tuyên bố: “Việt Minh dù nhỏ bằng hạt đỗ cũng phải tiêu diệt”. Trước tình thế đó, nhớ lời chồng dặn, bà đưa 4 con và bà ngoại đi tản cư theo bộ đội. Họ xuôi thuyền theo sông Đà, xuống Pá Mu (Mường La), Suối Lúa, Suối Rút (Hoà Bình), sau đó sang Tuyên Quang (năm 1946). Ở đó, bà được phân công làm tổ trưởng tổ phụ nữ tản cư ở bến Đông, thôn Lục Hành, xã Cứu Quân, huyện Yên Sơn. Bà luôn tích cực, đi đầu trong cuộc vận động phụ nữ làm nương, may áo trấn thủ, may bao gạo, ủng hộ tiền, tiết kiệm gạo để giúp đỡ bộ đội nuôi quân.

Năm 1947, do làm tốt phong trào phụ nữ, bà được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành phụ nữ xã Cứu Quân, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Là cán bộ Hội phụ nữ, bà hăng hái tích cực vận động phụ nữ đi dân công, bản thân bà xung phong đi trước. Năm 1950, với thành tích đạt đựoc bà đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng và con đường đến với Bác của bà cũng bắt đầu từ đây.

Ký ức về 7 lần được gặp Bác

Năm 1953, Tuyên Quang vừa được giải phóng. Lúc đó, bà đang làm công tác phụ nữ và tỉnh tổ chức lễ đón nhân dân vào tiếp quản tại cây Đa Tân Trào. Bác Hồ đã đến gặp gỡ, động viên nhân dân. Tại buổi lễ này, bà được tận mắt nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu mà bà hằng ngưỡng mộ và kính trọng. Bà kể rằng, không chỉ riêng bà mà tất cả nhân dân tỉnh Tuyên Quang, tất cả những ai có mặt tại buổi lễ ấy cũng đều chung một cảm xúc là xúc động và hồi hộp, niềm vui như vỡ oà ra khi Bác xuất hiện.

Lần thứ 2, cũng trong năm 1953, Bác đi công tác ở huyện Chiêm Hoá và có ghé thăm Bến Đông, Lục Hành, Yên Sơn, Tuyên Quang, bà lại một lần nữa được gặp Bác.Vẫn một tình cảm kính trọng, vinh dự, tự hào, như một nguồn sức mạnh tiếp thêm cho bà hăng say với công tác, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác kính yêu.

Lần thứ 3, lúc đó bà đang được cử đi học tại trường Nguyễn Ái Quốc. Khi Bác đến thăm trường, bà lại được gặp Bác. Thêm một lần được gặp Bác bà như được khích lệ, động viên, bà đã quyết tâm học tập thật tốt để thể hiện tấm lòng kính yêu Bác và vâng lời Bác dạy.

Lần thứ 4, đó là vào năm 1956, bà là một trong số các đại biểu của đòan phụ nữ tỉnh Sơn La đến báo cáo thành tích tại nhà Sàn của Bác.

Lần thứ 5, bà là một trong số các đại biểu tiêu biểu của đòan cán bộ miền núi được đến thăm Bác tại Thủ đô Hà Nội vào năm 1958.

Lần thứ 6, nhân dịp Bác Hồ lên thăm nhân dân các dân tộc Sơn La, lần này bà có cơ hội gần Bác hơn, được chụp ảnh cùng Bác. Bác ân cần hỏi thăm phụ nữ các dân tộc trong tỉnh. Hôm đó, bà mặc trang phục lễ hội truyền thống của người Thái Trắng, Bác vỗ nhẹ vào vai bà và ân cần nói: “Cháu ơi! đây là một di sản quý của dân tộc, cháu hãy giữ lấy. Trong số các cháu ở đây cháu nào chưa có chồng thì lấy chồng sinh con, có con, nuôi con cho tốt và công tác tiến bộ, Bác có 2 khuyết điểm là không xây dựng gia đình và nghiện thuốc lá”.

Lần thứ 7, tại Đại hội phụ nữ tòan quốc lần thứ III, năm 1961 ở Hà Nội, Bác đến thăm và chúc mừng Đại hội. Bác tặng dép cho phụ nữ khu tự trị Thái – Mèo và khu tự trị Việt Bắc. Bác nói: “Quà Bác không có nhiều, cháu nào không được thì đừng có tị nhau, các cháu cố gắng học tập và công tác tốt”. Đôi dép đó là một kỷ vật mà bà rất quý trọng nâng niu. Bà cất giữ rất cẩn thận và rất ít khi dùng. Sau này, khi nghỉ hưu thỉnh thỏang bà đi đôi dép đó trong những ngày lễ tết, ngày hội. Năm 2005, khi những cán bộ của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lên công tác, bà đã tặng lại kỷ vật thiêng liêng đó cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Những ký ức về 7 lần được gặp Bác như một nguồn sức mạnh giúp bà vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm, nỗ lực trong công tác và cuộc sống; cố gắng hòan thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dù làm gì, ở đâu bà vẫn luôn tâm niệm làm theo lời Bác dạy. Nay tuổi đã cao, sức khỏe và trí nhớ giảm sút nhưng kỷ niệm về những lần gặp Bác vẫn luôn sống mãi trong ký ức người phụ nữ Thái yêu nước. Vì vậy, mỗi khi có dịp kể lại những kỷ niệm đó cho con cháu nghe trong mắt bà vẫn ánh lên một niềm vui và niềm tự hào sâu sắc.

Thanh Thuỷ
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video