Nhiều nữ chủ doanh nghiệp nhỏ bớt gánh nặng “mê cung giấy phép”

24/08/2017
Nhiều nữ chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa như rơi vào “mê cung” các loại yêu cầu, điều kiện về kinh doanh khi thành lập và hoạt động doanh nghiệp. Gánh nặng này sẽ được gỡ khi Bộ Kế hoạch& Đầu tư đề nghị bỏ gần 2.000 giấy phép.

Chị Dương Thị Tuyết chắt chiu từng đồng vốn nhỏ từ nhặt phế liệu hàng chục năm ròng để mở xưởng đúc đồng nhỏ, nối tiếp nghề truyền thống của gia đình từ bao đời. Vượt qua khó khăn, xưởng đúc đồng của chị tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, Nam Định, ngày càng được mở rộng, tháng cao điểm phải thuê vài chục công nhân làm việc. Hoạt động kinh doanh đã vươn ra khỏi thị trấn nhỏ bé để đổ hàng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM. Chị tâm sự, kinh doanh mở rộng, không thể giữ ở mô hình kinh tế hộ gia đình nữa. Nhu cầu xuất ngoại các sản phẩm truyền thồng, gia đình chị buộc phải “nâng cấp” xưởng thành doanh nghiệp để có đủ pháp lý giao dịch thương mại.

Tuy nhiên, chị Tuyết tâm sự, với phụ nữ vùng quê, trình độ hiểu biết còn hạn chế. Đã vậy, thủ tục thành lập doanh nghiệp và các điều kiện kinh doanh đi kèm lên tới hàng ngàn quy định, khiến chị như “lạc vào mê cung; đụng đâu cũng thấy vướng quy định và có thể bị phạt như các điều kiện về nhà xưởng, lao động...”, chị Tuyết than thở.

Ngày 22/8, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở doanh nghiệp lâu nay. Trong đó, đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính. Ngoài ra, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm và 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch... được đề xuất bỏ toàn bộ.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các điều kiện điều kiện kinh doanh đang quy định ở nhiều văn bản khác nhau rất đa dạng, phức tạp, chồng chéo về phạm vi quản lý, rất nhiều thủ tục quy định ở các nghị định, thông tư, quyết định. Hiện có 4.284 yêu cầu, điều kiện đầu tư kinh doanh trong 243 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của 15 bộ, được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 66 luật, 3 pháp lệnh, 162 nghị định, 3 hiệp định.

giay-phep-con-doanh-nghiep-1.jpg
             Xưởng đúc đồng gia đình chị Dương Thị Tuyết, ở Ý Yên, Nam Định (ảnh H. Hòa)


Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ nghiên cứu các kết quả rà soát nói trên, chủ động tự rà soát để sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, không cần thiết. Các bộ, ngành phải chủ động phối hợp với Bộ KH&ĐT, VCCI, lấy ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo sự đồng thuận về các kiến nghị sửa đổi. Thủ tướng yêu cầu xây dựng một nghị định hoặc một chỉ thị về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV/2017.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 diễn ra đầu tháng 8, Thủ tướng khẳng định: “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới chi phí cấp giấy phép con với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy đã giảm. “Doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo: http://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video