Những cô nàng Startup: "Không ý tưởng nào có thể nuôi sống mình cả đời"

29/08/2016
Bùi Hồng Tâm không có dáng vẻ của một người từng trải. Chị đẹp mỏng manh, thuần khiết, trái ngược với hình dung của tôi về một nữ doanh nhân với lý lịch kinh doanh dày dặn...

Chị là người sáng lập công ty cung cấp và phân tích thông tin về thị trường vàng thế giới đầu tiên tại Việt Nam, điều hành một trong hai sàn giao dịch vàng đầu tiên tại Việt Nam, hai tờ tạp chí và một công ty kinh doanh vàng.

20 tuổi, thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng

Chị đùa: “Nhìn lại thời gian đầu, tôi thấy như mình đã làm theo một... kịch bản khá quen thuộc”. Đó là cái kịch bản “vùng thoát khỏi định hướng, chật vật kiếm tiền, rồi khởi nghiệp bằng những đồng vốn còm cõi có được từ việc... nói dối gia đình”.

Hồi đó, chị vừa hoàn tất kỳ thực tập vào cuối năm 3 khoa Sư phạm ngoại ngữ, Trường đại học (ĐH) Sư Phạm TP.HCM trong uể oải, vì cảm thấy mình không phù hợp với ngành học. Trong một giờ kiểm tra, vừa đọc tới đọc lui đề bài, chị vừa phải đấu tranh với ý nghĩ “quái gở” đang trỗi dậy: “Tại sao mình lại ngồi đây? Mình giải quyết những vấn đề này để làm gì?”. Chị tiến về phía bàn giáo viên, nộp tờ giấy thi bỏ trắng, tần ngần nói: “Xin lỗi thầy, em không theo được nữa” rồi vùng chạy khỏi lớp học. Sau ba năm trời chật vật ở giảng đường, lần đầu tiên, chị dám xác quyết về cái ý nghĩ vẫn âm ỉ trong mình: “Không muốn trở thành cô giáo”.

Trở về phòng trọ, chị đối diện một thực tế quá mới mẻ với một “con ngoan trò giỏi”: bỏ học, không nghề nghiệp, không biết phải làm gì tiếp theo. Chị giấu gia đình, gọi điện nhờ một người bạn ở quê làm lại hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Ngân Hàng TP.HCM. Nhớ lại hơn 10 năm xây dựng cơ nghiệp, chị đúc kết, mọi sự khởi đầu của chị đều diễn ra từ một cuộc “vùng thoát bất thần” như thế.

Sau khi rời giảng đường sư phạm, được một người bạn giới thiệu, mỗi ngày, chị đạp xe từ quận Tân Bình sang khu Công viên phần mềm Quang Trung để làm thêm. Với công việc dịch tin về thị trường vàng thế giới cho một công ty chuyên cung cấp thông tin tài chính, chị được trả 2,5 triệu đồng/tháng. Bài toán tài chính được giải quyết, chị lại thi đậu vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, học chương trình ban đêm. Từ một nhân viên làm thêm, chị nhận thấy việc dịch đơn thuần từ các nguồn tin nước ngoài khiến trang web chỉ tiếp cận được với những người am hiểu và quan tâm đến kinh tế thế giới. Với tham vọng mở rộng đối tượng người đọc, chị trình lên cấp quản lý phương án phối hợp với chuyên gia, phân tích và đưa ra những lời khuyên cụ thể cho người Việt. Đề xuất bị bỏ ngỏ. Chị quyết định nghỉ việc, lập công ty riêng.

Tuổi 20, hai bàn tay trắng, căn phòng trọ chật chội, chương trình ĐH thứ hai đang dang dở cùng với ý tưởng đưa người kinh doanh vàng Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới là tất cả “tài sản” của chị lúc đó. Chị liều mình gọi về nhà, năn nỉ mẹ cho vay 10 triệu đồng với lý do “mua cổ phiếu trong công ty một người bạn”.

Năn nỉ mãi, mẹ cũng chấp nhận. Cầm số tiền đó trong tay, chị liên hệ mua tin từ nước ngoài, lập trang web www.vangvietnam.vn, thuê hai sinh viên giỏi ngoại ngữ của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dịch tin. Phần mình, buổi tối đi học về, chị dành thời giờ dịch, cập nhật tin cho trang web. Ban ngày, khi nhân viên trực tin, chị liên hệ với tổng đài, mua thông tin, rồi liên hệ với các tiệm vàng trên khắp cả nước, mời họ mở tài khoản trên trang web. Ngày miệt mài gọi điện, đêm mày mò đọc, dịch, trong ba tháng đầu, chị tập trung phát triển mạng lưới tài khoản và cung cấp thông tin hoàn toàn miễn phí để các chủ tiệm vàng được làm quen với trang web.

Đến tháng thứ ba, 10 triệu đồng hết sạch, thời hạn ba tháng cung cấp tin miễn phí cũng hết, công ty lại đứng trước một giai đoạn đầy thử thách: thuyết phục các chủ tài khoản trả phí đọc tin. Một mình gọi điện cho hàng ngàn tiệm vàng một lượt nữa, chị Tâm chỉ nhận lại những ậm ờ, hứa hẹn. Không còn tiền trả lương cho nhân viên, công ty đứng trước nguy cơ phá sản thì một chủ tiệm vàng bất ngờ đồng ý ký hợp đồng mua một năm duy trì tài khoản với giá một triệu đồng/tháng.

Với 12 triệu đồng đầu tiên, công ty chị thoát chết. Bước qua “cửa tử”, công ty lần lượt nhận được hợp đồng từ các chủ tiệm vàng trên khắp cả nước. Với một triệu đồng/tháng/tài khoản, số tài khoản ngày một tăng lên. Mỗi tháng, chị thu hàng trăm triệu đồng. Khi ấy, chị chỉ vừa tròn 20 tuổi.

"Không thể sống cả đời chỉ với một lần cố gắng"

“Nhưng, không có ý tưởng nào có thể nuôi sống mình cả đời, mình không thể mãi thành công với chỉ một lần cố gắng”, chị nói. Từ thành công của www.vangvietnam.vn đến nay, khởi nghiệp với chị không phải là một, mà là nhiều lần, với bao thăng trầm.

Sau hai năm lăn lộn với thị trường vàng thế giới, năm 2008, chị ký được hợp đồng phối hợp với công ty vàng thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở sàn giao dịch vàng thứ hai ở Việt Nam, sau Ngân hàng Á Châu (ACB). Trong giai đoạn đó, chị đồng thời mở cửa hàng kinh doanh vàng Ancarat để tham gia giao dịch trên sàn vàng.

Thành công nối tiếp thành công. Xuất hiện ở những cuộc họp trong dáng vẻ của một cô gái 24 tuổi, nhưng những hiểu biết suốt nhiều năm mày mò trong thế giới tin tức về vàng giúp chị thuận lợi trong hoạt động của sàn giao dịch. Đến năm 2010, sàn giao dịch đóng cửa theo quy định mới của Nhà nước. Từ quy trình của trang web www.vangvietnam.vn, chị tiếp tục mở tạp chí Tài chính Vàng với một tòa soạn 40 nhân sự, trở thành tổng biên tập ở tuổi 26.

Nhưng, những ngày làm báo là một nốt trầm trong hành trình của chị. Tạp chí Tài chính Vàng vận hành ổn định được một năm, chị nhận thấy việc phát hành một số/tháng vẫn chưa khai thác được nguồn lực từ 40 nhân sự. Được các nhà báo kỳ cựu tư vấn, chị tiếp tục mở tạp chí Thế giới Eva với hai số/tháng.

Với những khoản đầu tư mới như mở studio, thuê nhiếp ảnh gia, người mẫu, trang điểm, trang phục... Thế giới Eva trở thành một gánh nặng. Chị phải liên tục đầu tư, cải tiến với hy vọng khẳng định được thương hiệu trong làng báo. Nhưng, giai đoạn 2012 - 2013, báo giấy khủng hoảng, tình hình ngày càng khó khăn. Suốt một năm trời, giữa rất nhiều lời khuyên dừng lại, chị vẫn không chấp nhận thất bại. Cho đến khi bị một đối tác quảng cáo lớn chậm thanh toán, công ty rơi vào khủng hoảng tài chính, chị mới nhận ra mình đã vùng vẫy quá lâu trong một lĩnh vực mình không có cả đam mê lẫn hiểu biết.

Phá sản ở tuổi 28, tất cả tài sản chị kiếm được trước đó đều đội nón ra đi. Chị suy sụp với ý nghĩ rằng “cuối cùng thì mình lại thất bại”. Khi ấy, chồng chị - người vẫn hỗ trợ chị suốt từ thuở trắng tay - đã lặng lẽ bán một căn nhà, thay chị đứng ra thanh toán công nợ.

Mọi thứ diễn ra chóng vánh. Nhưng, ở từng khúc quanh của sự nghiệp, dễ thấy, không phải sự tài giỏi, hay một năng lực xuất chúng, mà chính sức sống, ý chí sống lạ thường đã làm nên một tổng giám đốc Công ty cổ phần Ancarat Việt Nam ngày hôm nay.

Để cửa hàng vàng Ancarat lại cho chồng quản lý với hoạt động mua đi - bán lại đồ trang sức vàng thông thường, chị sang Singapore du học mà chưa biết sẽ làm gì sau đó. Trong những ngày du học, chị phát hiện thị trường vàng Singapore rất sôi động với xu hướng vàng phong thủy, phục vụ nhu cầu tâm linh của người Á Đông. Biết ở Việt Nam chưa ai phát triển việc kinh doanh vàng theo hướng này, chị bắt đầu lùng sục khắp các tiệm vàng, các trang web bán vàng phong thủy nước ngoài để tìm hiểu. Ý tưởng mới như làm chị “hồi sinh”.

Khó khăn lớn nhất là Ancarat trước giờ chỉ kinh doanh, không sản xuất. Với ý tưởng mới của chị, gần như phải đầu tư lại từ đầu. Chị bắt đầu sang Hồng Kông liên hệ, đàm phán để được chuyển giao công nghệ. Mất sáu tháng trời để vừa đàm phán với đối tác, vừa tìm kiếm nguồn thợ giỏi, chị mất thêm sáu tháng nữa để tổ chức chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia bản xứ với đội ngũ thợ người Việt. Một năm trời trầy trật, có những ngày, chị bị stress nặng khi thợ đang được đào tạo bỗng nghỉ ngang, cùng hàng loạt trục trặc trong sản xuất trang sức mà chị chưa hề có kinh nghiệm.

Khi phân xưởng bắt đầu ổn định, Ancarat như một làn gió mới trong thị trường vàng Việt Nam. Đi đầu trong xu hướng vàng phong thủy, chị tự do sáng tạo, liên tục cho ra những ý tưởng mới từ những linh vật, 12 con giáp, 12 cung Hoàng đạo, rồi tạo ra trào lưu dùng vàng trong nhiều vật “bất ly thân” chứ không chỉ đồ trang sức. Trên fanpage của Ancarat, có ngày, chị nhận đến hàng trăm đơn hàng. Trong vòng hai năm, xưởng sản xuất của chị phát triển liên tục với 40 thợ giỏi, chị mở thêm và nâng cấp ba cửa hàng ở các cung đường trung tâm của TP.HCM, Hà Nội và sắp khai trương thêm cửa hàng thứ tư.

Tất cả những câu chuyện gai góc, thăng trầm và dài dặc ấy thu về trong hình ảnh một người phụ nữ vui vẻ, nhẹ nhàng, và trẻ như... trẻ thơ. Gặp tôi giữa lúc đang tất bật cho việc ra mắt một bộ sưu tập mới, chị cười: “Việc của mình bây giờ là nghiên cứu phong thủy rồi ngồi nghĩ xem là đến trung thu, đến mùa cưới, đến tết sẽ làm gì cho trẻ con, cho các cặp đôi, hay cho các doanh nghiệp làm quà, rồi gợi ý cho phòng thiết kế. Chỉ vậy thôi mà quay qua quay lại... hết năm”.

Nói về hai năm thay da đổi thịt của Ancarat, chị chùng giọng khi kể về bao lần khủng hoảng khi những người thợ được đào tạo và gắn bó khá lâu bỗng nhảy sang làm cho những công ty đối thủ. “Cũng may là công ty không tổn thất nhiều, bởi những mẫu bị thợ cũ sao chép cũng có hạn, trong khi mình liên tục cho ra những bộ sưu tập mới, với những kỹ thuật mới. Không riêng trong hoạt động của Ancarat mà cả trong cuộc sống, mình luôn tin là cần phải thay đổi để tồn tại. Mọi thứ sẽ phát triển đến giai đoạn bão hòa, rồi sẽ đi xuống. Con người phải sẵn sàng “không đứng yên”, để tồn tại”

Ở tuổi 31, chị “bật mí” một kế hoạch “không đứng yên”, rằng: “Dù đang thành công, nhưng mình chỉ làm thêm vài năm nữa rồi sẽ thay đổi hướng phát triển của Ancarat, và bản thân cũng sẽ đi thử sức ở một cuộc chơi mới”.

Theo: Minh Trâm, phunuonline.com.vn/ (KK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video