Những em bé đeo ba lô ngược

09/12/2013
Tạo cơ hội bình đẳng, phát triển cho trẻ em gái và giảm mang thai vị thành niên (VTN) – giúp các em không còn “đeo ba lô ngược” là một trong những hoạt động được các cấp Hội LHPN chú trọng thực hiện từ nhiều năm nay.

“Đeo ba lô ngược” khi mới 12

Những ngày qua, câu chuyện bé gái 12 tuổi mang thai làm dậy sóng cả một làng quê nghèo của tỉnh Ninh Thuận. Em bé ấy trên đường đi học về bị kẻ xấu cưỡng hiếp, đe dọa. Mẹ đi làm xa, hàng năm chỉ dịp tết lễ mới được về, bố em quanh năm đầu tắt mặt tối làm thuê cuốc mướn, không điều kiện chăm sóc, trò chuyện với con. Thấy con “mập mạp” khác thường, bố mới đưa em đi khám để rồi suýt “ngất xỉu” khi nhận kết quả rằng em đã mang thai quá to không thể phá được. Nhìn em cơ thể gày gò, nhỏ xíu đã phải cõng thêm bụng bầu vượt mặt, ai cũng xót xa. Càng xót xa hơn khi em vẫn chưa hiểu được nỗi đau đang mang, vẫn vô tư hỏi bố mẹ mỗi khi thấy các bạn cùng trang lứa đi học: “Tại sao con có em bé, tại sao con không thể đến trường, con muốn đi học cùng các bạn…”

Em Hồ Thị Lía (dân tộc Mông, Hà Giang) lại là một trường hợp khác. Như nhiều bé gái ở bản, Lía không được đi học mà phải ở nhà phụ giúp gia đình và bị gả đi lấy chồng khi tuổi mới 12, 13. Số phận Lía càng bất hạnh khi con trai mới được 1 tháng tuổi thì chồng mất; gia cảnh nhà chồng khốn khó, Lía buộc phải đưa con về sống với bố mẹ đẻ. Cả gia đình rau cháo nuôi nhau, quanh năm ăn ngô thay cơm, mấy năm liền chẳng biết đến mùi thịt cá. Lía trông bé xíu như cái kẹo, hàng ngày phải địu con lên nương làm rẫy, cái buồn, cái đói đeo bám hai mẹ con từ năm này qua năm khác.

Các em bé trên chỉ là hai trong số hàng nghìn bé gái nước ta và trong hàng triệu bé gái trên thế giới mang thai khi còn tuổi VTN. Theo báo cáo toàn cầu về dân số thế giới năm 2013, hàng năm có 7,3 triệu em gái ở các quốc gia nghèo sinh con trước 18 tuổi. Trong số 7,3 triệu ca sinh này thì khoảng 2 triệu ca là các bà mẹ dưới 14 tuổi. Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ VTN có thai tăng liên tục qua các năm và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi VTN cao ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Những hậu quả của việc mang thai ở tuổi VTN sẽ theo các em trong suốt cuộc đời, ảnh hưởng tới các thế hệ mai sau. Điều dễ nhận biết nhất đó là làm mẹ lần đầu tiên khi tuổi còn quá trẻ khiến các em chịu những nguy cơ tử vong và thương tật cao – kể cả hiện tượng lỗ dò sản khoa. Nguy cơ biến chứng cũng tiềm ẩn nhiều hơn khi nhiều trẻ em gái VTN sinh con không được sự hỗ trợ của cán bộ y tế đã qua đào tạo. Các biến chứng khi mang thai và sinh nở là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15-19. Mang thai ở tuổi VTN cũng làm mất đi tiềm năng ở các em, rút ngắn cơ hội học hành, hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống, khiến những bà mẹ trẻ mang thai lần đầu tiên này và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo triền miên.

Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số nước ta, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tạo cơ hội bình đẳng, phát triển cho trẻ em gái và giảm mang thai VTN

Có thể khẳng định rằng, nếu trẻ em gái được trang bị những kỹ năng cần thiết và có cơ hội phát triển, thay vì mang thai sớm thì các em có thể đầu tư cho chính bản thân các em bây giờ và giúp đỡ gia đình và toàn xã hội sau này. Để làm được điều đó, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Tháng 11/2011, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản (SKSS) Việt Nam giai đoạn 2011-2020” trong đó có hướng vào VTN&TN: “Cải thiện tình hình SKSS của VTN và thanh niên thông qua việc giáo dục, tư vấn và cung cấp các dịch vụ SKSS phù hợp với lứa tuổi” và “Nâng cao sự hiểu biết của phụ nữ và nam giới về giới tính và tình dục để thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm sinh sản, xây dựng quan hệ tình dục an toàn, có trách nhiệm, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm nâng cao SKSS và chất lượng cuộc sống”. Đó là giải pháp mở rộng các hình thức giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục dân số, SKSS, giới và giới tính trong và ngoài nhà trường; giải pháp về chăm sóc SKSS và nâng cao dân trí, tăng cường vai trò của gia đình và bình đẳng giới.

 Ảnh minh họa
Để giảm mang thai VTN cần sự chung tay của toàn xã hội. Ảnh: Em Hồ Thị Lía và con trai trong một hoạt động trợ giúp trẻ em gái.
Việc tuyên truyền về SKSS VTN trong cộng đồng, tới các bậc cha mẹ cũng đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai, trong đó có Hội LHPN Việt Nam. Cụ thể, các cấp Hội đã triển khai sâu rộng Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt (giai đoạn 2010 - 2015)”. Bằng nhiều hình thức như tổ chức Hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, xây dựng mô hình câu lạc bộ, Hội thi… Hội đã thực hiện tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi, dạy trẻ, làm bạn với con tuổi VTN cho hàng triệu ông bố bà mẹ đang có con dưới 16 tuổi. Đề án nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ em; hạn chế tình trạng trẻ em ở độ tuổi VTN vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội; góp phần cùng toàn xã hội thực hiện đầy đủ hơn quyền trẻ em, thực hiện xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Các mô hình CLB của Đề án như “mẹ và con gái tuổi VTN”, , “Người cha tốt của con”, “nuôi dạy con tốt”, “em gái VTN”… đã trang bị cho cha mẹ kiến thức nuôi dạy, giáo dục con theo khoa học, biết cách trò chuyện, làm bạn với con tuổi mới lớn, quan tâm tới con cái hơn. Đây cũng chính là nơi mà các em bé gái được giáo dục kỹ năng sống, được chăm sóc sức khỏe trẻ em và là nơi các em có thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Đồng thời, các cấp Hội cũng tăng cường nâng cao vai trò của người mẹ trong việc giáo dục, quan tâm chăm sóc con cái thông qua việc giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện để người mẹ có thêm nhiều thời gian bên con, chia sẻ, hướng dẫn, cung cấp cho các em kiến thức về sức khỏe sinh sản. Hàng năm, các cấp Hội triển khai phong trào tiết kiệm tại chi tổ mang lại nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ đồng, cho chị em vay để chủ động sản xuất kinh doanh.

Năm 2012, TW Hội LHPN Việt Nam đã hưởng ứng chiến dịch 5 năm “Vì em là con gái” do Plan thực hiện và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa là Đại sứ. Năm 2013, hưởng ứng Năm gia đình Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam cũng chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình dịch vụ gia đình, tiếp tục chỉ đạo các hoạt động đề xuất, tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện các chính sách xây dựng gia đình; triển khai các mô hình trang bị cho trẻ em gái các kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ cần thiết, gồm cả giáo dục về sức khỏe sinh sản và tình dục. Các Chương trình, dự án này đã góp phần tạo cơ hội và thu hút trẻ em gái tham gia các hoạt động xã hội; hạn chế tình trạng trẻ em gái kết hôn sớm, hạn chế những tác động có thể ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần trong việc đi học cũng như thành tích học tập của các bé gái trong tuổi VTN...

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực của Hội LHPN Việt Nam, sự chung tay của toàn xã hội, trẻ em gái được bảo vệ, được tạo cơ hội bình đẳng, giảm tỉ lệ mang thai và nạo phá thai ở tuổi VTN. 

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video