Những kỷ niệm sâu sắc nhất đời tôi

16/05/2008
Năm 1952, tôi còn là một chiến sĩ, công tác tại xưởng may Quân nhu Liên khu IX.

Vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động: phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, thường xuyên phá kỷ lục về tăng năng suất nên tôi đã được bầu là chiến sĩ thi đua của đơn vị, của tỉnh, của Liên khu và tiếp đó được bầu là đại biểu đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Trong Đại hội này tôivinh dự được bầu là Chiến sĩ thi đua Toàn quốc. Nhưng vinh dự lớn hơn cả mà chưa bao giờ tôi dám mơ ước, đó là được tận mắt thấy Bác Hồ, và tận tai nghe trực tiếp Bác nói chuyện.

 

Bác đến Đại hội, trông Bác thật giản dị và đôn hậu. Bác nói chuyện với giọng trong và ấm, nội dung ngắn gọn và dễ hiểu đến nỗi, lúc bấy giờ tôi mới 20 tuổi, trình độ còn rất thấp mà đều hiểu và nhớ, nhớ mãi cho tới bây giờ... “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” v.v.. Nói chuyện xong, Bác chụp ảnh với các đại biểu dự Đại hội. Sau đó Bác chụp riêng ảnh với các nữ Anh hùng chiến sĩ thi đua. Bác vẫy tay bảo các cháu ít tuổi nhất đến đứng cạnh Bác. Chị Nguyễn Thị Thanh, chiến sĩ thi đua ngành dược, chị Trần Thị Cam và tôi liền chạy vào đứng bên Bác. Các ý nghĩ của tôi trước đây về lãnh tụ tối cao và người dân thường có khoảng cách lớn bỗng nhiên tan biến hết. Lúc này, chỉ thấy Bác và chúng tôi giống như tình cảm cha với con lâu ngày mới được gặp mặt. Đó là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trên đời và gây cho tôi ấn tượng sâu sắc mà tôi không thể nào quên được. Tôi thật không ngờ cuộc đời mình cống hiến còn quá ít ỏi mà lại có diễm phúc lớn đến thế. Tôi cứ nghĩ rồi mình sẽ phải làm sao đây để khỏi phụ lòng tin yêu của tập thể và xứng đáng với sự quan tâm, dạy bảo của Bác.

 

Năm 1953, tôi được lệnh từ khu IV ra Việt Bắc để tham gia vào đoàn Đại biểu phụ nữ Việt Nam đi dự Đại hội Phụ nữ Thế giới họp ở Cô-Pen Ha-Gen, thủ đô nước Cộng hoà Đan Mạch. Chưa hết mừng vì mình chỉ là cô gái bé bỏng, lần đầu tiên trong đời có vinh dự được đại diện cho phụ nữ của một nước đang mịt mù khói lửa chiến tranh, sánh vai cùng phụ nữ năm châu cất cao tiếng nói đấu tranh cho hoà bình. Chưa hình dung nổi thì được tin Bác Hồ cho phép cả đoàn đến gặp Bác. Tôi sung sướng đến lịm cả người. Ngồi trong giannhà vách nứa mái cọ đơn sơ của Bác mà tôi cảm thấy không khí ấm cúng lạ thường. Gặp chúng tôi, Bác ân cần hỏi thăm sức khoẻ mọi người và bảo từng người giới thiệu tên, tuổi. Đến lượt tôi, tôi tự giới thiệu: Thưa Bác, cháu tên là Đỗ Thị Kim Quy. Chưa kịp báo cáo tiếp thì Bác hỏi lại ngay: cháu là chiến sĩ thi đua của ngành Quân nhu phải không? Vâng ạ.

 

Lúc đó, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và sung sướng, nhưng lại tự hỏi - tại sao Bác lại biết được tên mình. Về sau tôi mới nghĩ ra : hồi đó số Anh hùng và Chiến sĩ thi đua Toàn quốc là nữ còn rất hiếm hoi nên Bác nhớ tên từng người. Hỏi tôi xong, tôi thấy khoé mắt Bác có nụ cười đôn hậu, Bác trìu mến nói đùa: cháu qua Trung Quốc, sang đó thì giới thiệu tên là Kim Quy (vì ở một số nơi tham quan thường có cảnh trang trí con hạc đứng trên lưng con rùa sơn vàng), mà rùa vàng chữ Hán là Kim Quy. Thực tình mà nói, lúc đó tôi biết là Bác nói đùa, nhưng dù Bác nói thật hay nói đùa bao giờ cũng đều chứa đựng những ý nghĩa sâu xa. Chính Bác bảo đổi tên là Kim Quy tức Bác muốn khuyên mình phải rèn luyện cho tốt như một kim loại quý. Việc được Bác quan tâm đã cổ vũ, động viên tôi rất nhiều trong suốt những năm công tác.

 

Cuộc hành trình tới Đại hội phụ nữ Thế giới phải đi mất hàng tháng. Tôi và Thái Thị Liên (chiến sĩ thi đua dân tộc Mường) là hai người ít tuổi nhất nhưng cũng phải gánh đến sưng vai những kỷ vật và lương thực trên một chặng đường ngót 400 km. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi lại được tham gia tháng hữu nghị Việt – Trung, Trung – Xô và tiếp đó được trực tiếp phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy gian nan, vất vả nhưng nghĩ đến sự quan tâm của Bác, của tập thể mà lòng tôi cứ rộn ràng và đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.

 

Năm 1957, nhân dịp ngày Quốc tếLao động 1/5, tôi được xí nghiệp X10 cử tham gia đoàn đại biểu đi dự báo cáo thành tích với Bác. Hôm đó không chỉ có riêng đoàn chúng tôi mà còn nhiều đoàn khác nữa. Tuy đã gặp Bác hai lần nhưng lần này vẫn cảm thấy bất ngờ khi thấy Bác tiếp những cán bộ, công nhân bình thường như là tiếp khách quý với tình cảm giống người cha đón các con đi xatrở về. Chúng tôi vừa mớibước vào phòng khách của Phủ Chủ tịch, trong bộ quần áo nâu giản dị, Bác nhanh nhẹn bước vào và ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Hình như mọi người định hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”, nhưng không kịp, Bác đã chủ động vào đề sớm hơn. Bác hỏi ngay: “Các cô, các chú có khoẻ không? Đời sống tập thể của đơn vị thế nào?, sản xuất tốt không ... ?”. Nghe xong, Bác vui vẻ, khen ngợi và dặn dò phải cố gắng thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và tiết kiệm; phải sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ để xây dựng đất nước giàu mạnh. Tôi đứng gần Bác, bất chợt Bác hỏi cháu là chiến sĩ thi đua của ngành nào?

- Thưa Bác, của ngành Quân nhu ạ. Tôi vừa trả lời xong, Bác nhắc tên ngay:

 

- Cháu là Kim Quy phải không? Tôi vô cùng cảm động và phấn khởi vì thấy Bác vẫn nhớ tên mình và lúc đó chỉ kịp trả lời cụt lủn:Vâng ạ.

 

- Bác tiếp: Cháu giữvững thành tích như vậy là tốt cần phải tiếp tục phấn đấu và phát huy hơn nữa. Thật ra, thì giờ hiếm hoi mà được Bác hỏi thăm như vậy với tôi như thế là quá đặc biệt rồi. Thời gian được gặp Bác đã hết, tôi cùng đoàn lưuluyến chào Bác ra về. Bác giơ tay cao chào mọi người.

 

Trong suốt thời gian công tác, những lúc gặp khó khăn, hình ảnh Bác gần gũi, quan tâm đã động viên, cổ vũ ý chí cho tôi vượt qua tất cả. Đất nước thống nhất, được sống trong hoà bình, tôi lại càng nhớ những lời dạy bảo âncần của Bác vàcàng phải tiếp tục phấn đấu hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

(Chuyện kể về bà Đỗ Kim Quy, Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1952)
Dương Thuỷ – Theo tư liệu Bảo tàng PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video