Nữ anh hùng 5 lần gặp Bác Hồ

29/05/2007
"Cuộc đời tôi có 5 điều may mắn nhất, cũng là 5 niềm vinh dự lớn lao nhất, đó là 5 lần tôi được gặp trực tiếp Bác Hồ. Những lần như vậy, Bác đã hỏi han, dạy bảo tôi những điều rất giản dị, đời thường nhưng tôi thấy trong đó chứa đựng một tình thương bao la mà Bác đã dành cho tôi, cho đồng đội của tôi…", nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, tâm sự.

Năm 1956, giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt Quảng Bình. 19 tuổi, mặc dù đã có chồng nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị Nguyễn Thị Kim Huế đã làm đơn xin nhập ngũ vào lực lượng thanh niên xung phong (TNXP).

Từ những chiến công huyền thoại…

182 người, thuộc 17 xã của huyện Tuyên Hóa lúc bây giờ đã lập nên đơn vị 759 - đội 75 - công trường 12. Chị là tiểu đội trưởng, có 16 chị em. Đơn vị của chị được giao phụ trách cung đường từ Nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh.

Giặc Mỹ điên cuồng thả bom nhằm làm tê liệt tuyến đường. Năm 1965, Trung đội quyết tử được thành lập, chị giữ chức Trung đội trưởng. Với tinh thần quyết tử cho tuyến đường luôn thông suốt, chị và đồng đội mỗi lần vào trận đánh đều được làm lễ truy điệu sống.

Ngày 3/7/1966, tại Km21 đường 12A, B52 Mỹ đã điên cuồng bắn phá tuyến đường. 45 ngày đêm, 24 đồng đội của chị đã hy sinh, vừa thông đường các chị vừa phải tìm xác của đồng đội. Bản thân chị cũng đã bị bom vùi nhiều lần, tỉnh lại chị lại lao vào trận tuyến…

Vinh dự đã đến với chị, ngày 1/2/1967, chị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Đại đội 759 cũng được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND mà Tiểu đội 6 của chị là con chim đầu đàn.

Nhớ lại chuyện 3 đồng đội của mình hy sinh, chị kể trong nước mắt: "Hôm đó là ngày 18/2/1968, máy bay địch ập đến, 4 chị em lao xuống hầm, hầm chật chị chạy sang hầm khác. Vừa chạy được một đoạn thì bom rơi đúng hầm của 3 đồng đội. Dứt tiếng bom, chị chỉ tìm thấy 1 bím tóc, một khăn len, vài mẩu xương… Chị nhớ nhất trong số đó là Trần Thị Huề, mới 15 tuổi, dũng cảm nhất, được kết nạp Đảng chỉ mới trước khi trận đánh xảy ra".

Tại các địa danh ác liệt như Ba Trại, Nam sông Gianh, bến phà Gianh…, giặc điên cuồng bắn phá, thả bom nổ chậm, bom từ trường. Không một chút sợ hãi, các chị lao vào đối đầu với cái chết, phá bom từ trường.

 … Và 5 lần gặp Bác Hồ

Từ những chiến công trên đường Trường Sơn Anh hùng, tháng 11/1966, chị được cử ra tỉnh Hưng Yên tập huấn quân sự. Chính nơi đây chị đã bất ngờ được gặp Bác Hồ.

Chị xúc động kể: Vào một ngày cuối buổi kiểm tra môn bắn súng, kết quả 3 lần bắn tôi đều đạt khá giỏi và ưu tú. Lúc ấy, có một ông già tóc bạc phơ mặc quần áo bà ba, chân đi dép cao su đến gần tôi và hỏi: "Cháu có bí quyết gì bắn súng mà giỏi như vậy, cháu bày cho Bác với". Tôi thật thà trả lời: "Cháu chỉ bình tĩnh, tự tin, nín thở và bóp cò thôi ạ".

Buổi chiều, tổng kết lớp học, ông già ấy khoác bộ kaki sờn vào khen tôi: "Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi". Lúc ấy, tôi mới biết là Bác Hồ.

Cũng trong năm 1966, chị lại vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu của ngành Giao thông Quảng Bình ra báo cáo thành tích với Bác. Bác hỏi: "Các cô chú Quảng Bình ra thăm Bác hay có chuyện chi?". Đồng chí Trưởng đoàn báo cáo thành tích bằng văn bản, Bác yêu cầu anh Vũ Kỳ cất đi để Bác nghiên cứu sau.

Lúc đó, chị là đại biểu trẻ nhất nên được Bác hỏi chuyện. Bác hỏi đơn vị bao nhiêu người? Công việc có gian khổ không? Anh em sống ra sao? Chị trả lời: "Đơn vị cháu có 182 người, hay bị sốt rét"… Bác bảo anh Vũ Kỳ ghi ý kiến vào sổ.

Bác còn hỏi: "Cháu có chồng chưa?". Chị xấu hổ không dám trả lời vì cho rằng mình tảo hôn, sau cũng có người cho Bác biết. Bác hỏi bao giờ có con, chị trả lời: "Thưa Bác, khi nào Cách mạng thành công, hết giặc Mỹ cháu mới sinh con". Bác bảo: "Sự nghiệp đánh giặc Mỹ còn dài lâu, cháu phải sinh con để sau này còn đi đánh giặc nữa chứ. Cháu đánh giặc giỏi nhưng phải làm tốt việc gia đình".

Kết thúc buổi gặp mặt, cả đoàn được Bác mời cơm. Ra về, Bác gửi tặng 181 chiếc kẹo cho đồng đội trong đơn vị. Sau lần gặp này, lực lượng TNXP toàn quốc mỗi người được thêm 2,5 lạng đường, 2,5 lạng muối mỗi tháng, 1 bộ quần áo Tô Châu/năm, riêng chị em phụ nữ còn được thêm một lọ cao ích mẫu.

Lần gặp Bác Hồ thứ 3 là tại Đại hội Anh hùng toàn quốc tháng 1/1967. Đoàn Quảng Bình có 11 đại biểu. Sau khi được gắn danh hiệu Anh hùng, chị được Bác quàng khăn và tặng chiếc đồng hồ đeo tay Liên Xô. Cả 3 người được vinh dự chụp ảnh với Bác. Sau đại hội, đại biểu Quảng Bình được gặp Bộ Chính trị. Bác và đồng chí Tố Hữu đã khóc khi nghe chị kể chuyện 45 ngày dưới mưa bom bão đạn để san lấp đường, phá bom và tìm xác đồng đội.

Lần gặp thứ tư có thể nói là lần gặp xúc động nhất trong cuộc đời chị. Đó là vào dịp Đại hội TNXP toàn quốc lần thứ 4 (tháng 7/1967). Lúc đó, chị cùng chị Nguyễn Thị Mỹ, Tổng đội phó Tổng đội thanh niên xung phong miền Nam được vinh dự là người tặng hoa cho Bác và Chủ tịch đoàn. Khi Bác xuất hiện, chị ào xuống tặng hoa cho Người. Đúng khoảng khắc này bức ảnh hai Bác cháu ra đời, sau này được Nhà in Tiến Bộ in thành hàng vạn bức ảnh phát hành trên toàn quốc. Và bây giờ bức ảnh vẫn được chị giữ gìn treo cẩn thận nơi trang trọng nhất.

Lần gặp Bác cuối cùng của chị là vào dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Trước khi sang thăm Liên Xô, chị và các đại biểu đã được gặp Bác và nghe Bác dặn dò.

Chị nhớ lại, trước đó, trong một buổi họp báo quốc tế, có một nhà báo hỏi: "Dũng sĩ diệt Mỹ sao bé nhỏ thế?", "Việt Nam nhỏ bé nghèo nàn sao thắng được Mỹ?". Chị trả lời khảng khái: "Tôi tuy nhỏ bé nhưng tinh thần không nhỏ. Chúng tôi không sợ Mỹ, lớp này hy sinh có lớp khác lên thay…". Sau này, Bác khen chị trả lời thông minh và đanh thép.

Khi chia tay tôi, chị hướng tầm mắt ra con đường 12A đang thi công mà nói với tôi rằng: Ngày xưa, thế hệ các chị đã đổ xương máu trên con đường để cho cuộc trường chinh của dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng thì ngày nay với sứ mệnh lịch sử mới, chị mong muốn con đường sẽ đưa đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một tương lai giàu mạnh của đất nước…   

Phan Phương - CAND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video