Nữ công nhân ngành dệt may tích cực rèn luyện tay nghề thích ứng với cơ chế mới

27/10/2015
Trong dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Công đoàn ngành dệt may Việt Nam đã tổ chức sơ kết phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và tổng kết hội thi thợ giỏi tập đoàn Dệt may lần thứ 5.

5 năm qua, nữ công nhân, viên chức, lao động ngành dệt may đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều thành tích trong công tác và góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Lao động trong ngành dệt may thuộc lao động nặng nhọc, thường xuyên phải làm tăng ca, thêm giờ, thu nhập chưa cao, nhưng nữ công nhân ngành dệt may đã chủ động khắc phục mọi khó khăn của bản thân và gia đình, tích cực học tập, nâng cao trình độ, nắm bắt kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên các vị trí công việc.

Trong sản xuất, các chị luôn miệt mài bám máy, bám xưởng, rèn luyện tác phong công nghiệp để thích ứng với cơ chế mới, không ngừng rèn luyện để nâng cao tay nghề. 5 năm qua đã có 72.404 lượt chị được được khen thưởng cấp cơ sở, 72 tập thể và 161 cá nhân được tặng cờ, bằng khen chuyên đề của Tổng Liên đoàn và Công đoàn Dệt may Việt Nam, 21 chị được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ”, 06 chị được tặng Cúp Bông hồng vàng, 02 chị được tặng danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc 5 năm tiêu biểu toàn quốc”, 03 chị được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam.

Đặc biệt, tại Hội thi thợ giỏi Tập đoàn dệt may lần thứ 5 đã có 182 chị dự thi, chiếm 60% tổng số người tham gia dự thi, trong đó có 85 chị đạt danh hiệu thợ giỏi cấp ngành, đạt tỷ lệ 81%. Có 49 chị đạt giải nhất, nhì, ba. Đặc biệt có 16 chị đạt giải Vàng trong tổng số 21 giải Vàng của Hội thi.

Để nâng cao trình độ và tham gia công tác lãnh đạo lãnh đạo, quản lý, chị em đã không ngừng học tập nâng cao trình độ. Tính đến năm 2014, đã có 111 chị có trình độ trên đại học, 4.692 chị đạt đại học và cao đẳng, 4.057 chị đạt trình độ trung cấp. Cán bộ nữ tham gia quản lý trong ngành chiếm 58%; lãnh đạo đoàn thể là 43,5%, hội đồng quản trị là 35%, nữ đảng viên chiếm 48%. Ở nhiều đơn vị, nữ chiếm đa số trong ban quản lý, điều hành doanh nghiệp hoặc các phòng chức năng, chuyên môn, nghiệp vụ như May 10, May Hưng Yên, May Đức Giang….Số nữ được đề bạt làm cán bộ quản lý từ cấp trưởng, phó phòng trở lên trong 5 năm qua là 1.198 chị. Đặc biệt nhiều chị đã được bổ nhiệm vào các vị trí trong ban lãnh đạo Công ty, Tổng công ty. Với vai trò này, nhiều chị đã rất thành công trong điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Các chị đã mạnh dạn nắm bắt cơ hội, vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách, bám sát sản xuất, đề ra chiến lược đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của từng đơn vị, góp phần nâng cao đời sống, việc làm của người lao động.

Không chỉ phấn đấu trong học tập, lao động, nữ lao động ngành Dệt may còn nỗ lực để xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Các chị đã khắc phục những khó khăn trong đời sống thường ngày, phân công lao động hợp lý, thu hút chồng con chia sẻ việc nhà, cùng có trách nhiệm trong việc chăm lo, xây dựng, gìn giữ và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhiều chị có hoàn cảnh éo le nhưng đã vượt lên số phận, là điểm tựa vững chắc để nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi, được chính quyền địa phương khen tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Gia đình hiếu học”...

Nhân dịp này, Công đoàn ngành Dệt may Việt Nam đã trao bằng khen cho các đơn vị và cá nhân đạt thành tích trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và tập thể, cá nhân đạt giải cao tại hội thi thợ giỏi tập đoàn Dệt may lần thứ 5.

Xuân Thư

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video