Nữ nhà báo tâm huyết với nghề

20/06/2016
Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, CLB Nhà báo nữ VN và Chi hội Nữ trí thức CLB Nhà báo nữ VN phối hợp tổ chức hội thảo “Nhà báo nữ với trách nhiệm xã hội”.

Tại diễn đàn này, đã bật lên những câu chuyện xúc động về sự cống hiến của các nhà báo nữ.

1Trước biến đổi của bối cảnh báo chí Việt Nam những năm qua, nghề báo phải đối mặt với những thách thức chưa từng có từ tài chính, liêm chính tới an toàn. Đó là lý do nữ nhà báo Mai Hồng – Hệ thời sự, chính trị, tổng hợp VOV1 – Đài Tiếng nói Việt Nam đặt ra vấn đề: “Nhà báo nữ và câu chuyện: Tồn tại hay không tồn tại?”. Trong câu chuyện của mình, chị chia sẻ áp lực các nữ nhà báo đang trải qua từng ngày: phải chạy đua với báo bạn để có sản phẩm nhanh nhất, sớm nhất; hoàn thành định mức công việc bên cạnh trách nhiệm chăm lo gia đình. Chưa kể, từng giờ các chị phải đối mặt với hiểm nguy khi đi tác nghiệp.

Mới đây chị Nguyễn Thu Trang - phóng viên báo Phụ nữ Tp.Hồ Chí Minh đã phải sống trong sự lo lắng, bất an do bị đe dọa “mua quan tài cho cả nhà” sau khi đăng tải loạt bài điều tra về những lò gạch thổ phỉ ở Sóc Sơn, Hà Nội. Là một phóng viên viết điều tra, đây không phải lần đầu tiên chị Trang nhận được tin nhắn khủng bố. Nhưng bằng tâm huyết, bản lĩnh nghề nghiệp, sự ủng hộ của gia đình, độc giả và niềm tin vào công lý, chị vẫn tiếp tục đấu tranh, vạch trần mặt trái của xã hội.

2Sự bùng nổ thông tin, mạng xã hội đòi hỏi nữ nhà báo phải thật sự tỉnh táo, vững vàng để tìm ra lời giải cho những hồ nghi, đồn thổi, nhằm phản biện và định hướng dư luận theo cách hợp tình, hợp lý nhất. Chị Nguyễn Hồng Chiến – Chủ nhiệm CLB Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ về câu chuyện đi tìm sự thật đằng sau nhiều bài báo liên quan tới dự án FLC Vĩnh Thịnh trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian tìm hiểu từ người dân, gặp gỡ chính quyền các cấp, báo Vĩnh Phúc đã phát loạt bài phóng sự điều tra, tập trung phân tích về thực trạng tình hình sử dụng đất ở 2 xã Vĩnh Thịnh và An Tường; chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; ý nghĩa xã hội của dự án FLC Vĩnh Phúc một số ý kiến đánh giá của người dân về dự án; cũng như hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết vấn đề lao động, bảo vệ môi trường. Nhờ đó, người dân thấu hiểu và đồng thuận hơn với chủ trương của tỉnh.

Vượt qua khó khăn của công việc, cuộc sống, với ngòi bút sắc bén, nữ nhà báo đã gặt hái được nhiều thành công. Giải báo chí hàng năm, các chị đều được vinh danh với những tác phẩm có sức lan tỏa xã hội và mang tính chiến đấu cao. Đơn cử như các chị trong chi hội Báo Nông thôn ngày nay, đạt giải A báo chí quốc gia năm 2014 với loạt bài “Cử nhân giấu bằng, xin làm... công nhân”; Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam- Hệ thời sự, chính trị, tổng hợp VOV1 đạt giải A báo chí quốc gia năm 2014 với tác phẩm: “Di chúc Hồ Chí Minh-Bản Di chúc về con người, vì con người”...

3Không chỉ vững vàng ngòi bút, các chị còn tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, cùng cực cần giúp đỡ, các chị lập tức nắm bắt, viết bài để tạo ra sự đồng cảm, sẻ chia trong xã hội. Trong bài phát biểu của mình, chị Vũ Thị Tuyết Nhung - Phó Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam đã nói tới nhiều chương trình CLB tham gia đóng góp và có hiệu quả xã hội tích cực, chẳng hạn:

Chương trình “Trái tim cho em” sau 7 năm triển khai đã quyên góp được 90 tỉ đồng, chữa lành bệnh và thay đổi cuộc sống cho trên 2.700 em nhỏ dưới 16 tuổi (mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn); chương trình Lục lạc vàng tính từ khi phát sóng năm 2011 đến hết năm 2014 đã trao tặng khoảng 2460 con bò giống cho 1.516 hộ nông dân nghèo. Rất nhiều dự án thiện nguyện hữu hiệu khác như: Cơm có thịt, Mái ấm Điện Biên, Con đường Đồng Mậm, Xây nhà vượt lũ, Cặp lá yêu thương...

Nhà báo nữ ra Trường Sa không phải là sự kiện quá đặc biệt, nhưng ấn tượng mà họ có được cũng như những ảnh hưởng của họ ở nơi ấy lại hết sức riêng biệt. Sống cùng chiến sỹ trong cái nắng nóng, bão bùng khắc nghiệt nơi đảo xa, các nữ nhà báo luôn đau đáu phải làm gì đó giúp các chiến sỹ ngày đêm chắc tay súng, canh giữ biển đảo quê hương.

Chị Ngô Thị Thanh Thủy - Đài tiếng nói Việt Nam đã tự nguyện đi tìm mua thiết bị chống nóng (quạt tích điện,…) gửi ra Trường Sa sau chuyến công tác biển đảo năm 2010; Nhà báo Trần Thị Thu Hằng - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô đã cùng nhà báo Ngô Thị Thanh Thủy dốc sức giúp đỡ, vận động các BS BV Nhi TW mổ tim kịp thời cứu sống cháu Khánh Hà (con gái đầu lòng mới hơn một tháng tuổi của vợ chồng chị Trần Thị Dung ở thôn Lai Tảo, xã Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội và chiến sỹ đảo Trường Sa Nguyễn Thái Cường) bị mắc bệnh tim bẩm sinh, là một trong muôn vàn câu chuyện về lòng trắc ẩn của các nhà báo nữ.

Theo: Lý Thanh, http://baophunuthudo.vn/ (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video