Phải làm gì để giúp đỡ phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng bền vững

13/07/2018
Họ lo lắng làm sao vượt qua sự kỳ thị, định kiến của xã hội, lo lắng tìm kiếm công ăn việc làm; họ phải đối diện với sự tự ti, mặc cảm của bản thân, sự xa lánh, lạnh nhạt của gia đình, người thân, bạn bè… Họ khó khăn hơn nam giới nhiều lần khi tái hòa nhập cộng đồng…

Đó là trăn trở của Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước khi nói về những khó khăn, cản trở đối với phụ nữ sau thời gian thi hành án trở về địa phương. Chị cho biết, hiện nay Đảng, Nhà nước đã có chính sách đối với những đối tượng này nhưng việc thực hiện tại địa phương còn nhiều vấn đề băn khoăn, hạn chế.

Chị chia sẻ về những việc đã và đang làm của Hội LHPN cơ sở để hỗ trợ, giúp đỡ các phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, sau khi các chị trở về, Hội tìm cách gặp gỡ, tiếp xúc với gia đình của họ, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, những khó khăn cụ thể họ gặp phải để có hướng hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, Hội cũng trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu năng lực, sở trường, tâm tư, nguyện vọng của họ, mong muốn của họ được Hội hỗ trợ gì về tinh thần, kiến thức, vốn, nghề nghiệp… từ đó đưa ra giải pháp giúp đỡ hiệu quả.

Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Hưng đề nghị, cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể địa phương cần quan tâm, vào cuộc thường xuyên. Hàng tháng, hàng quý tổ chức nắm bắt tình hình chấp hành chính sách, pháp luật của họ sau khi trở về. Đặc biệt tìm hiểu về bạn bè, người xung quanh, giúp họ tránh xa những nguy cơ bị lôi kéo phạm tội lại.

 Ảnh minh họa

Cùng với Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Hưng, Phó Giám thị trại giam Tống Lê Chân cho biết, Trại giam luôn quan tâm phạm nhân, đặc biệt là nữ phạm nhân ngay từ thời gian đang chấp hành án. Dạy chữ (cho chị em chưa biết chữ), dạy nghề. Trước khi phạm nhân hết hạn tù hai tháng, Trại phối hợp với Hội LHPN, Đoàn Thanh niên tổ chức tư vấn cho họ về hộ khẩu, hộ tịch, các chính sách, pháp luật hiện hành; trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy, HIV/ADIS... Tuy nhiên cáchoạt động đó mới chỉ góp phần hỗ trợ cơ bản. Các phạm nhân đa phần trình độ văn hóa rất thấp, gặp rất nhiều khó khăn sau khi ra tù. Để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng bền vững phải quan tâm đến hướng nghiệp, dạy nghề cho họ theo đúng nhu cầu, sở trường của phạm nhân để họ có thể về thực hiện, sinh sống tại địa phương.

 Ảnh minh họa

 Phó Giám thị trại giam Tống Lê Chân cho biết, Trại giam luôn quan tâm phạm nhân, đặc biệt là nữ phạm nhân ngay từ thời gian đang chấp hành án


Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ về thuế cho các cơ quan, tổ chức, cơ sở dạy nghề, hướng nghiệp cho đối tượng là phạm nhân cũng như tuyển dụng người chấp hành xong án phạt tù. Hội LHPN cần phối hợp chặt chẽ với các trại giam trang bị cho chị em kiến thức, kỹ năng để họ không bị bỡ ngỡ khi trở về cộng đồng; trợ giúp pháp lý cho phạm nhân nữ, đặc biệt là về luật Hôn nhân và Gia đình; xã hội hóa công tác đón nhận phạm nhân sau chấp hành án.

Trưởng Ban Dân vận tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, việc quản lý, giúp đỡ được những phạm nhân sau cải tạo là rất khó khăn, đòi hỏi phải có những chương trình, kế hoạch cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể. Mỗi người từng có một hoàn cảnh, một nguyên nhân phạm tội khác nhau, do đó sau khi họ trở về phải gần gũi, giúp đỡ họ một cách tận tâm. Nhiều trường hợp không có hộ khẩu tại địa phương, việc tiếp cận vốn hết sức khó khăn do địa phương sợ họ bỏ đi, sợ họ không trả được vốn.

 Ảnh minh họa

 Trưởng Ban Dân vận tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, việc quản lý, giúp đỡ những phạm nhân sau cải tạo đòi hỏi phải có những chương trình, kế hoạch cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể


Chính quyền địa phương cần xóa bỏ sự kỳ thị, tạo điều kiện thuận lợi xác nhận lý lịch cho họ để họ được vào làm tại các công ty, xí nghiệp, giúp họ cơ hội việc làm trở thành người có ích cho xã hội. Giúp họ tiếp cận vốn, có điều kiện sản xuất, kinh doanh. Các đoàn thể quan tâm, tuyên truyền giúp họ nhận ra những cái giá phải trả cho lỗi lầm, quyết tâm không tái phạm.

Khẳng định vai trò của gia đình vô cùng quan trọng, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Long, huyện Chơn Thành ví gia đình là vòng tay yêu thương đón họ trở về. Nếu gia đình tích cực thì họ sẽ tái hòa nhập rất nhanh chóng, ổn định, ít nguy cơ tái diễn phạm tội. Chính vì vậy, Hội luôn tích cực tiếp cận, tuyên truyền, vận động gia đình họ, vận động hội viên phụ nữ ở cơ sở không kỳ thị, xa lánh mà dang rộng vòng tay đón nhận, chia sẻ, giúp họ lấy lại được niềm tin, mạnh dạn xây dựng cuộc sống.

Việc hỗ trợ phụ nữ sau án phạt trở về không chỉ đơn thuần về vật chất, vốn liếng mà còn là tinh thần, sự động viên, gần gũi họ, cần biết tận dụng những người có uy tín tại cộng đồng để tiếp cận, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ bởi họ rất tự ti, mặc cảm, không cởi mở. Đề nghị ngành công an thông tin sớm hơn cho Hội Phụ nữ để kịp thời tiếp cận những người mới trở về, tránh bỏ lỡ thời điểm vàng giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng.

Sáng 10/7/2018, tại Bình Phước, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm về thực trạng, giải pháp hỗ trợ nữ phạm nhân và phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng nhằm nghiên cứu, xác định thực trạng tình hình nữ phạm nhân trở về cộng đồng sau hoàn thành thời gian thi hành án; tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, những khó khăn chị em có thể gặp phải khi tái hòa nhập cộng đồng, từ đó xây dựng, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, giúpđỡ họ giải quyết những khó khăn gặp phải, để thuận lợi trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, có điều kiện phát triển kinh tế, sống tốt.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video