Phát huy vai trò của các nhà khoa học nữ trong phát triển bền vững thời kỳ công nghiệp 4.0

19/10/2018
Trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á Thái Bình Dương, phiên hội thảo chuyên đề Giới và bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra với sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Hội Nữ trí thức, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Hội thảo đã nghe tham luận của các diễn giả xoay quanh thực trạng, cơ hội, thách thức đối với nữ trí thức, các nhà khoa học nữ, đặc biệt là nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; những đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm cải thiện, thu hẹp khoảng cách giới trong khoa học- công nghệ.

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại Việt Nam chia sẻ: Quan điểm phân biệt giới vẫn còn tồn tại ở một số bộ phận trong xã hội, kìm hãm sự tiến bộ, thăng tiến của nữ trí thức. Bên cạnh đó, vai trò giới trong gia đình đặt lên vai người phụ nữ những gánh nặng, khiến họ ít thời gian dành cho công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, nguồn kinh phí dành cho công tác nghiên cứu khoa học còn eo hẹp, sự tôn vinh chưa kịp thời, tuổi về hưu của nữ giới sớm hơn 5 năm đã ảnh hưởng, tác động nhiều đến con đường nghiên cứu khoa học của nữ giới.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ, đầu tư cho bình đẳng giới là đầu tư cho sự phát triển bền vững, vì vậy cần tiếp tục "nâng cao quyền năng" cho phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể hóa vào các chính sách. Đội ngũ nữ khoa học là nhóm tinh hoa của phụ nữ Việt Nam, cần tạo điều kiện để họ hoàn thành tốt sứ mệnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Thảo luận về vấn đề này, ý kiến của một số đại biểu bày tỏ, vấn đề “nâng cao quyền năng” cho phụ nữ cần xem xét toàn diện, tránh việc chị em đang tự cho mình là nạn nhân của bất bình đẳng giới, bị ảnh hưởng bởi chính “trần kính” trên đầu. Phụ nữ cần nhận thức đúng đắn về các quyền để từ đó phát huy hết vai trò của mình, phá bỏ “cái phanh” của tư tưởng Nho giáo về việc phụ nữ phải lùi về phía sau, chăm lo bổn phận gia đình, làm mất đi những những cơ hội đóng góp của họ cho xã hội.

Bên cạnh đó, quyền của phụ nữ phải xuất phát từ hai phía, từ chính bản thân chị em và từ các tác nhân bên ngoài thông qua các cơ chế, chính sách, sự công nhận của xã hội, tạo điều kiện cho phụ nữ đóng góp, cống hiến. Cần tăng cường hợp tác quốc tế giữa nữ trí thức các nước để giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tri thức chung toàn cầu; Tạo môi trường cho các nhà khoa học nữ để chị em được nghiên cứu, cống hiến tri thức, sáng tạo.

PGS.TS Seema Singh, Đại học Công nghệ Delhi, Ấn Độ đã đề cập tới hội thảo về những thách thức, cơ hội mà nữ kỹ sư phải đối mặt trong cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là đối với khu vực các nước Đông Nam Á. Theo đó, bà Seema cho rằng, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã trở thành trụ cột chính trong kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Ngành kỹ thuật và y tế vốn được coi là “ngành của phái mạnh” nhưng hiện nay nhu cầu cần sự tham gia của nữ kỹ sư ngày càng nhiều hơn. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội đột phá nhưng cũng làm mất đi nhiều công ăn việc làm truyền thống do sử dụng máy móc, công nghệ, trước bối cảnh đó một câu hỏi đặt ra là các nữ trí thức cần phải làm gì?  Để có được sự nhìn nhận khách quan và giải pháp đúng đắn thì phải có các dữ liệu cụ thể, chính xác, khách quan.

Bàn về vấn đề đổi mới sáng tạo đối với các nữ kỹ sư, bà Bridgit Sissons, Chủ tịch Hội Nữ khoa học New Zealand cho biết, ở New Zealand số lượng nữ kỹ sư chiếm 14% và 9% các nữ kỹ sư giữ vai trò lãnh đạo. Phụ nữ New Zealand không coi kỹ thuật là ngành hấp dẫn. Có tới 30% nữ kỹ sư chỉ tham gia hoạt động chuyên môn trong 5 năm đầu, sau đó họ rút dần khỏi ngành này vì phải chăm sóc con cái và vì khoảng cách giới về thu nhập của ngành (cùng một vị trí nhưng lương của nam giới cao hơn của phụ nữ 19%).

Bà Bridgit Sissons kiến nghị, cần tạo ra môi trường cho nữ kỹ sư để họ cảm thấy gắn bó, muốn làm việc lâu dài. Cần có sự khuyến khích về mặt tư tưởng, văn hóa để cùng đưa ra mục tiêu nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia ngành kỹ thuật. Bà đưa ra một thực tế, trẻ em nam thường muốn tham gia vào lĩnh vực kỹ thuật hơn trẻ em nữ với quan niệm cho rằng ngành này chỉ phù hợp với các em có năng khiếu về toán và toán học lại là môn học nhạt nhẽo, khô cứng. Chính vì vậy, cần phải thúc đẩy sự tham gia của nữ sinh vào các ngành kỹ thuật, giúp các em cảm thấy hào hứng hơn, thú vị hơn với các môn học STEM, giúp các em nhận thức các cơ hội, công ăn việc làm trong ngành STEM để các em có sự tự tin vào tương lai.

Bà Bridgit Sissons cho biết, hiện nay, New Zealand có nhiều cách thức sử dụng các phương tiện truyền thông như các website, mạng xã hội facebook, instagram... để kể lại những câu chuyện của các nhà nữ kỹ sư một cách cụ thể, lôi cuốn, qua đó giúp mọi người hiểu được những thú vị của lĩnh vực kỹ thuật, thấy được sự hấp dẫn, thú vị về những cống hiến của nữ kỹ sư cho cộng đồng, xã hội.

Bày tỏ sự quan tâm về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, để thu hút các nữ sinh viên vào ngành kỹ thuật cần rất nhiều giải pháp: bằng chính hiệu quả thực tế, bằng những giải pháp của chính phủ đầu tư cho các ngành này để đảm bảo cơ sở vật chất, sự bình đẳng trong cơ hội nghiên cứu cho nữ giới. Bên cạnh đó cần nâng cao vai trò của truyền thông trong tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hình ảnh của các nhà khoa học nữ, giới thiệu các công trình nghiên cứu, các sản phẩm của các nhà khoa học nữ kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. Truyền thông phải tập trung hơn nữa vào giáo dục đào tạo, về nghiên cứu khoa học, về bình đẳng giới.

GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 là thành quả chung của toàn nhân loại, nó sẽ không có ranh giới nào giữa nam và nữ mà phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính mỗi người, mỗi giới để khẳng định vai trò, vị thế của mình.

Phụ nữ yêu khoa học, khoa học mang lại hạnh phúc cho phụ nữ - Đó là thông điệp ý nghĩa mà phiên hội thảo mang lại, qua đó khẳng định vai trò của phụ nữ, đặc biệt là các nhà nữ khoa học trong phát triển của nhân loại, lan tỏa tinh thần yêu khoa học, khát khao cống hiến, tham gia đóng góp cho xã hội của phụ nữ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video