Phát triển kinh tế, nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc

08/11/2017
Cây quế, cây chuối và lợn đang trở thành những chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp ở Lào Cai. Và chính sách thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị này sẽ giúp bà con dân tộc thoát nghèo bền vững; đồng thời từng bước nâng cao vị thế của người phụ nữ.

Chú trọng vai trò của phụ nữ

 Dự án “Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp” (WEAVE) tại các khu vực nông thôn Việt Nam, do các tổ chức Oxfam, CARE và SNV thực hiện từ tháng 6.2016 - 8.2019 với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia. Mục tiêu của Dự án là thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế với tầm nhìn để phụ nữ có cơ hội phát triển nhằm giải quyết nghèo đói, bất công cho chính họ và gia đình mình. Theo Oxfam, Dự án hướng tới khoảng 1.800 phụ nữ và nam giới ở hai tỉnh Lào Cai và Bắc Kạn, đa số thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, đã, đang tham gia vào các chuỗi giá trị lợn, quế và chuối. 

Trên thực tế, việc thực hiện các nội dung của WEAVE đều tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia chuỗi giá trị quế, chuối, lợn, đặc biệt chú trọng đến vai trò của phụ nữ. Bởi nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ sẽ có tác động  thúc đẩy sự phát triển của chuỗi giá trị quế, chuối, lợn và ngược lại.

Thay đổi tích cực

Sau một năm triển khai, Dự án đã đem lại những kết quả tích cực kể cả về nhận thức lẫn hiệu quả xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai. Tiếp xúc với bà con ở xã Nậm Đét (chuyên trồng quế), xã Bảo Nhai (chăn nuôi lợn thịt), huyện Bắc Hà, thấy rõ điều này. Hầu hết phụ nữ ở đây rất tự tin khi trao đổi về các vấn đề gia đình, từ công việc làm ăn cho đến chuyện chồng con. Chị Triệu Thị Phin, dân tộc Dao, phấn khởi chia sẻ: “Mấy năm trước chồng không giúp gì cả. Nhưng từ khi tham gia Dự án, được tập huấn, chồng chăm chỉ giúp vợ nấu cơm, cho lợn, gà ăn, chăm sóc cây quế... Mọi quyết định trong gia đình là của cả hai vợ chồng. Muốn bán một cân quế trong nhà chồng cũng phải hỏi ý kiến mình đó. Trước đây không có những chuyện như vậy”.

Nhờ tham gia các nhóm sản xuất nên công việc trông cây, chăn nuôi được tổ chức tốt hơn, hiệu quả hơn. Các hộ gia đình đã có sự phân công và chia sẻ công việc. Cả vợ và chồng cùng nhau bàn bạc, sắp xếp thời gian hợp lý và bố trí nguồn nhân lực, cùng nhau làm kinh tế. Cùng đó, người chồng đã tạo điều kiện cho vợ có nhiều thời gian tham gia hoạt động xã hội. 

Ông Bàn A San, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét chia sẻ, nhờ WEAVE mà cách đây mấy tháng một số hộ bà con ở Nậm Đét, Bảo Nhai… đã  tham dự tọa đàm do Trung tấm Khuyến nông của huyện tổ chức để chia sẻ kiến thức phòng, trừ dịch bệnh, các phát triển thị trường, liên kết tiêu thụ trong nuôi lợn, trồng quế; việc tổ chức phân công lao động trong gia đình; kế hoạch hoạt động của nhóm, hộ gia đình. Nhiều gia đình, tổ nhóm đã biết áp dụng các giải pháp trong chuỗi giá trị quế, thịt lợn theo từng cấp độ…

Nhiều mô hình xóa đói nghèo

Phấn chấn giới thiệu những rặng quê xanh mướt, ông Bàn A San kể lại quá trình đưa cây quế về Nậm Đét, giúp xóa đói giảm nghèo. Cách đây 43 năm, tức năm 1974 khoảng 20.000 cây quế được đưa vào trồng thử nghiệm ở đây. May mắn là sau một thời gian thấy cây quế phát triển tốt, dễ chăm sóc do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nên từ năm 1975 - 1980 toàn xã đã trồng 144ha quế. Còn tính đến tháng 8.2017, cả xã có 1.550ha quế. Cây quế ngoài bán vỏ, bán thân, thì cành, lá… cũng được người dân tận dụng để chiết xuất thành tinh dầu quế, nghĩa là giống cây này không bỏ phí cái gì. Và cây quế đã trở thành cái “cần câu” của người dân Nậm Đét.

Theo ông Bàn A San, quế trồng ở Nậm Đét chất lượng rất tốt nên dễ tiêu thụ. Hiện xã tiếp tục quy hoạch 300ha đất để nông dân mở rộng diện tích trồng quế. Để diện tích quế khai thác gối đầu liên tục, mỗi năm người dân trong xã thường trồng mới từ 50 - 60ha và trồng lại hàng trăm ha sau khai thác, thu nhập cho người trồng quế bảo đảm đều hàng năm. Cả xã có 8 thôn, 570 hộ với 2.870 nhân khẩu và chỉ tính riêng vụ vừa rồi đã thu khoảng 26 tỷ đồng từ quế. Riêng năm 2016, thu nhập từ cây quế là 39 tỷ đồng.

Nếu tính thu nhập từ cây quế theo đầu người, năm 2015 khoảng 15 triệu đồng/người, năm 2016 tăng lên 19 triệu đồng/người/năm. Dự tính năm 2017 ước tính thu nhập sẽ khoảng  20 triệu đồng/người. “Nậm Đét là xã vùng sâu, vùng xa, trước đây quanh năm đói nghèo, nhưng giờ một số hộ đã có nhà khang trang nhờ tiền bán quế. Tuy vậy, nhìn tổng thể cái đói nghèo tính theo tiêu chuẩn đa chiều của toàn xã vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, lên tới 42%. Tuy nhiên, với đà này đến hết năm 2017 tỷ lệ này sẽ giảm 10 - 12%”, ông Bàn A San hy vọng.  

Như ở Nậm Đét, người dân xã Bảo Nha cũng đã gặt hái nhiều thành quả từ chăn nuôi lợn. Nhờ WEAVE mà kiến thức phòng, trừ dịch bệnh và tiêu thụ trong nuôi lợn đã được chia sẻ. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông huyện Bắc Hà, nhiều mô hình chăn nuôi ở xã Bảo Nhai đã giúp xóa đói giảm nghèo bền vững. Anh Mai Văn Chung, thôn Nậm Khắp, xã Bảo Nhai, cho biết, với các nội dung mà Dự án thực hiện cộng với sự tìm tòi, học hỏi cách làm ăn đã giúp gia đình anh thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Hiện anh có trang trại chăn nuôi lợn, gà sạch khá rộng, diện tích dành cho nuôi lợn chiếm 675m2, nuôi gà 760m2.  Mỗi năm, anh cho xuất khoảng 200 con lợn thịt (khoảng 16 tấn) và 10.000 con gà thịt. Đây là một điển hình thoát nghèo của xã mà rất nhiều hộ dân đã đến tham quan, học tập.

Một điều thú vị ở Bảo Nhai là hầu như mọi người đều có hiểu biết ít nhiều về thị trường, về chuỗi giá trị mà mình tham gia. Chị Phượng, tổ nhóm Nậm Trì Ngoài, cho biết, nhờ tập huấn chị đã biết cách dụng mạng xã hội để tiếp thị sản phẩm thịt lợn chất lượng của mình.

Tất cả các thành quả nói trên đã làm tăng vị thế người phụ nữ nhưng vẫn chưa đủ bảo đảm cho công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững. Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, trồng trọt, mà trước hết cần có những giải pháp hữu hiệu thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị quế, lợn.

daibieunhandan.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video