Phụ nữ dân tộc hạnh phúc bên gia đình trong tết Nguyên đán

14/02/2006
Trong lúc nhà nhà chuẩn bị đón Tết cổ truyền, thì phụ nữ người dân tộc ở huyện Châu Đức cũng trổ tài khéo tay, vun vén cho gia đình trong những ngày đầu xuân. Đến xã Kim Long, khi đất trời vào xuân để xem chị em phụ nữ dân tộc đón tết Nguyên Đán thế nào?

ĐỜI SỐNG NHIỀU ĐỔI THAY


Nhờ vay vốn Ngân hàng chính sách, xoá đói giảm nghèo, cuộc sống của chị em phụ nữ dân tộc Châu Ro đã có nhiều đổi thay. Chị Dương Thị Phụng, dân tộc Châu Ro, tổ 26, thôn Hưng Long, xã Kim Sơn kể "Cách đây 15 năm, tôi ly thân chồng. Một mình với 3 đứa con nhỏ sống cơ cực lắm, nhiều lúc không có gạo ăn cũng không biết nhờ vả vào ai. Đã 10 năm qua, mẹ con tôi ở trong lều rách nát. Bây giờ được các cấp chính quyền quan tâm, bà con chòm xóm giúp đỡ có được căn nhà này là tôi yên tâm lắm rồi". Được sự quan tâm vay vốn nhân hàng chính sách, chị nhận nuôi một con bò giống laisind cộng thêm tính cần cù chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, chị đã dần cải thiện được cuộc sống gia đình, con cái trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Niềm vui trong năm mới này của chị được "lên chức" bà nội. Một căn nhà cấp 4 gọn gàng ngăn nắp, tươm tất, những nụ mai vàng trước hiên nhà lung linh, khói bếp lan toả mùi bánh tét thơm nồng và mâm ngũ quả trên bàn thờ đón tết Bính Tuất… Một cuộc sống bình yên và hạnh phúc đang gõ cửa nhà chị.


Cũng như chị em phụ nữ dân tộc Châu ro, chị em phụ nữ dân tộc Hoa Nùng đã có nhiều đổi thay trong cuộc sống. Họ đã biết làm kinh tế, chăm sóc chu đáo đến gia đình nhiều hơn và giáo dục chúng tốt hơn. Thôn Hoa Long, xã Kim Sơn là một ví dụ, thôn có 90% là người dân tộc Hoa Nùng. Những ngày lễ hội, chị em phụ nữ với chiếc áo đầm Thượng Hải truyền thống càng tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Hoa Nùng.


MỘT MÙA XUÂN HY VỌNG


Chị Phạm Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Long cho biết: " Trong năm qua, thực hiện chính sách xoá đói giảm nghèo, chính quyền địa phương đã huy động 184 triệu đồng cho 29 hộ vay, đã xây dựng được 24 căn nhà tình thương, 1 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền là 182 triệu động… Nhờ vậy, đời sống của chị em phụ nữ trên địa bàn đã cải thiện và nhiều đổi thay".

 

Ngoài cái tết cúng nhang, mừng lúa mới của người dân tộc Châu Ro vào tháng 3 âm lịch, thì đồng bào dân tộc Châu Ro trên địa bàn huyện Châu Đức cùng hoà chung với không khí đón tết Nguyên đán của người Kinh. Vào ngày 27 tháng chạp, chị em phụ nữ đã chuẩn bị xong một hũ dưa hành, một lọ dưa món chua chua, giòn giòn chẳng khác gì chị em phụ nữ người Kinh làm. Cũng giống như bao gia đình người Kinh, khắp nơi nơi, nhà nhà, cành mai vàng, dưa hấu đỏ, mâm ngũ quả đã được trưng bày ở phòng khách trong căn nhà khá tươm tất, nồi bánh tét đang sôi lục ục dưới bếp… thay vì nhiều năm trước đây, nhiều gia đình chị em phụ nữ dân tộc đón xuân trong một túp lều lụp xụp... Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của chị em, chúng tôi đọc được niềm hạnh phúc lớn lao mà họ vừa nhận được, trong năm qua, là những căn nhà đầy ắp tình nghĩa, những đồng vốn giúp nhau làm kinh tế gia đình… Chị Vòng Thị Mai vui vẻ cho chúng tôi biết thêm về phong tục đón tết Nguyên đán của người Hoa Nùng: "Ngày 30 tết, nhà nào nhà nấy đã lo dọn dẹp nhà cửa và dán chữ Phúc ở ngoài cửa, bàn thờ với mong muốn chúc phúc đến mọi người, mọi nhà, những điều tốt lành sẽ vào nhà mình trong năm mới này. Sau đó, chị em chúng tôi làm một mâm cơm thịnh soạn nhất để đón ông bà tổ tiên về ăn tết". Chị Châu Đức Muối góp thêm chi tiết, trong những ngày tết, gia đình người Hoa-nùng nào cũng có món Khâu nhục và Bánh tổ trên bàn thờ để cúng ông bà. Đến khi nào tan tết mới mang 2 món đặc sản này xuống dùng trong bữa ăn và tiếp khách. Đây là 2 món không thể thiếu của gia đình người Hoa trong ngày đầu năm mới . Bánh tổ được làm bằng bột nếp và đường được hấp chín. Bánh tổ vừa có vị bùi bùi, ngọt ngọt, một hương vị khó quên. Còn món Khâu nhục làm bằng thịt heo với nhiều công đoạn, công phu hơn. Khác với người Kinh, người Hoa nùng chơi tết đến rằm tháng giêng mới tan. Lúc đó, mọi người mới bắt tay vào làm việc, mới bắt đầu cuộc sống bình thường.

 

Ngày đầu xuân mới, chị em phụ nữ dân tộc hy vọng về một mùa xuân có nhiều lộc, nhiều phúc hơn. Cụ thể như chị em phụ nữ mong muốn được vay vốn, được hướng dẫn cách làm kinh tế gia đình nhằm cải thiện cuộc sống để không còn hộ đói, hộ nghèo để người dân tộc đón tết trong cảnh yên ấm, không có nhà nào phải đón tết trong cảnh túng thiếu hay phải lo chạy gạo… Đó là một mùa xuân hy vọng có nhiều trái ngọt đang chờ họ trong tương lai gần.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video