Phụ nữ Việt Nam – lực lượng rất trọng yếu của sự phát triển

20/10/2017
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã xác định phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu của cách mạng. Suốt 87 năm qua, phụ nữ Việt Nam đã và đang phát huy tốt tiềm năng, sức mạnh, tinh thần làm chủ, đóng góp quan trọng trong xây dựng gia đình, xã hội, sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3/2/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức tiền thân của phụ nữ đã được thành lập với nhiều tên gọi khác nhau như Hội phụ nữ phản đế, Hội phụ nữ cứu quốc, Phụ nữ hiệp hội... Phụ nữ tham gia hoạt động cách mạng ngày càng đông đảo và trở thành lực lượng quan trọng.

Tháng 10/1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng, Đảng đã ra Nghị quyết đầu tiên về công tác vận động phụ nữ, đó là Nghị quyết về phụ nữ vận động. Đây là bản Nghị quyết lịch sử, mở đầu cho trang sử mới của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội. Bản Nghị quyết nhấn mạnh: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”(1).

Bác Hồ kính yêu đã từng nói: "Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng được một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ được một nửa"(2). Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) được thành lập và để đánh dấu sự kiện quan trọng này, Đảng ta đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống, kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát triển. Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Chiếm trên 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng gia đình và xã hội. Họ có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia các hoạt động của đời sống xã hội.

Tỉ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng. Những nhiệm kỳ đại hội Đảng gần đây luôn có cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng; tỉ lệ nữ trong Quốc hội chiếm gần 27%.

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động nữ tham gia nhiều ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới; trong khoa học, công nghệ phụ nữ tham gia gần 40% và tỉ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%. Đặc biệt, trong giáo dục, đào tạo và y tế, cán bộ nữ chiếm tỉ lệ lớn, nhiều người có trình độ cao. Nhiều chị em làm chủ doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, tạo thu nhập, việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Cũng có không ít những điển hình là phụ nữ tài năng, sáng tạo, đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, văn hóa nghệ thuật, thể thao…

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò làm vợ, làm mẹ, người thầy đầu tiên, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc của phụ nữ. Họ chính là "người thắp lửa cho mỗi nhà", không chỉ chăm lo gia đình mà còn biết thắp lên niềm tin, ước mơ và hy vọng cho mỗi thành viên trong gia đình. Những đóng góp bền bỉ, thầm lặng và to lớn của các thế hệ phụ nữ ngày nay càng tô thắm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam đúng như lời Bác Hồ đã dạy “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”(3).

Luôn đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam, trong suốt 87 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã luôn thể hiện vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp phụ nữ; khẳng định được tiếng nói đại diện cho giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ.

Đặc biệt, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII vừa qua đã xác định 2 khâu đột phá của nhiệm kỳ là: Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách và Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ.

Cùng với việc nỗ lực thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc; Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân và các phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực, các cấp Hội đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng vận động phụ nữ phát huy tốt tiềm năng, sức mạnh, tinh thần làm chủ, năng động sáng tạo, đóng góp quan trọng trong xây dựng gia đình, xã hội, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

------------

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, tr. 188.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3, tr. 523.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 431-432.

ĐCSVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video